5 dòng máy ảnh kỹ thuật số: Nên chơi dòng nào?
Jul. 23, 2010 | Thập Cẩm | 27,244x | Qui định | Tham giaTrên thị trường máy ảnh kỹ thuật số hiện nay phổ biến 5 chủng loại: máy ảnh ống kính liền bỏ túi sử dụng đơn giản, máy ảnh ống liền cao cấp, máy ảnh bán chuyên nghiệp ống kính rời hạng nhẹ, máy ảnh bán chuyên nghiệp ống kính rời hạng trung và máy ảnh chuyên nghiệp.
Trước tiên, phải nói rằng các thuật ngữ về chủng loại máy ảnh trong tiếng Việt chưa được thống nhất và nếu bạn ra ngoài hiệu máy ảnh hỏi mua máy thường được hướng dẫn các loại máy với những thuật ngữ như “máy ảnh du lịch”, máy ảnh bán chuyên nghiệp và máy ảnh chuyên nghiệp. Việc thị trường Việt Nam sử dụng thuật ngữ máy ảnh “du lịch” dù là một cách chuyển dịch thông minh, dễ hiểu và gần gũi người dùng nhưng cũng làm sai lệch nghĩa vì xét cho cùng, máy ảnh nào chẳng có thể mang theo khi đi du lịch, và làm gì có máy ảnh chỉ dành riêng cho đi du lịch vì người mua máy ảnh sử dụng máy vào vô vàn mục đích đời thường chứ không chỉ để đi du lịch chụp vài cái ảnh; ngoài ra nhiều loại máy ảnh chỉ được coi là bán chuyên nghiệp hay nghiệp dư theo quan niệm của thế giới lại được xếp vào loại chuyên nghiệp ở Việt Nam. Trong bài này, VinaCamera.com xin phân chia các chủng loại máy theo mức độ phức tạp khi sử dụng và đặc điểm của máy, chính xác hơn và phù hợp với các khái niệm chung sử dụng trên thế giới.
1. Máy ảnh ống kính liền bỏ túi sử dụng đơn giản (point-and-shoot camera / compact)
Một số mẫu máy ảnh du lịch
Loại máy ảnh này – ở Việt Nam thường được gọi là máy ảnh du lịch – có đặc điểm nhỏ gọn, có thể bỏ túi quần, túi áo và sử dụng đơn giản với các chế độ đã lập trình sẵn nên trong khái niệm quốc tế dịch chữ là “giơ lên là chụp” (point-and-shoot). Máy ảnh loại này có ống kính gắn liền trên máy, thường có ống kính với công năng thấp, cho chất lượng hình ảnh trung bình. Sử dụng loại máy này rất đơn giản (hầu như trẻ con cũng có thể sử dụng được) vì ngoài một số tính năng hơi phức tạp đôi chút, máy chủ yếu được sử dụng ở chế độ tự động hoàn toàn và thường ngắm chụp qua màn tinh thể lỏng LCD gắn ở lưng máy . Đây là loại máy ảnh phổ biến nhất trong thị trường máy ảnh tiêu dùng và thường cũng là loại rẻ tiền nhất. Tuy nhiên, với công nghệ ngày càng phát triển và giá thành mỗi ngày mỗi hạ, các nhà sản xuất gần đây không ngừng tích hợp nhiều tính năng hơn nữa cho máy thuộc chủng loại này khiến các mẫu máy mới có nhiều đặc điểm thú vị và cho hình ảnh đẹp hơn trước đây rất nhiều. Các mẫu máy loại này có thể kể đến là: Nikon Coolpix, Canon Powershot, Olympus Stylus, Sony Cyber-shot, Panasonic Lumix, hay Pentax Optio. Hầu như hãng máy ảnh nào cũng sản xuất nhiều loại máy ảnh phục vụ thị trường này.
Tóm tắt đặc điểm của máy ảnh du lịch bỏ túi
• Nhỏ gọn, thường mỏng, nhiều màu sắc, trọng lượng nhẹ
• Gắn ống kính liền, có zoom và có công năng cũng như chất lượng trung bình
• Ngắm chụp qua màn LCD tương đối lớn (và rất ngốn pin)
• Đèn ảnh flash thường rất yếu và không đủ công suất chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, có tầm phủ sáng ngắn khoảng 2-3 m
• Dễ sử dụng với các chế độ cài đặt sẵn như tự động hoàn toàn, chụp ban đêm, chụp chân dung
• Có thể có một số chức năng do người sử dụng mặc định gồm cân bằng trắng, chống mắt đỏ, bật/tắt đèn ảnh, v.v…
2. Máy ảnh ống kính liền cao cấp (advanced compact / bridge camera)
Một số mẫu máy ảnh du lịch cao cấp
Loại máy ảnh này ở Việt Nam thường được gọi là máy ảnh du lịch cao cấp có đặc điểm lớn hơn máy du lịch nhỏ (thường bằng bàn tay và dày khoảng 5cm hay 6cm). Loại này cũng gắn ống kính liền nhưng có tầm tiêu cự dài hơn (zoom lớn hơn). Máy nhìn chung dễ sử dụng với các chế độ cài đặt sẵn và mặc dù cũng có các chế độ cài đặt phức tạp hơn cho người sử dụng mặc định nhưng đa phần người chơi loại máy này đều thường sử dụng chế độ tự động hoàn toàn (full auto). Một số loại máy dòng này có gắn chân đế đèn rời để tăng cường công năng chụp trong mối trường thiếu sáng. Một số ví dụ về dòng máy này là: Canon Powershot G, Olympus SP hay Pentax X. Một điều thú vị về dòng máy ảnh này là khả năng chụp vi vật phóng đại rất tốt, cho hình ảnh sắc nét không thua kém các loại máy ảnh chuyên nghiệp.
Tóm tắt đặc điểm dòng máy ảnh du lịch cao cấp
• Kích cỡ nhỏ, trong lượng nhẹ, thường màu đen, ghi hay bạc
• Gắn ống kính liền có độ zoom tương đối lớn, chủ yếu zoom số
• Ngắm chụp qua màn LCD lớn (rất ngốn pin)
• Đèn ảnh tuy có mạnh hơn dòng du lịch bỏ túi nhưng cũng rất hạn chế, chỉ dùng làm đèn bồi/táp bổ sung thì hiệu quả. Có loại có chân đế gắn đèn rời
• Có chế độ tự động hoàn toàn dễ sử dụng và các chế độ do người chụp mặc định, thường điều chỉnh thông qua menu và màn LCD
3. Máy ảnh ống kính rời không gương lật “nửa chừng xuân” (interchangeable lens compact / micro / mirrorless )
Một số mẫu máy ảnh ống kính rời không gương lật
Đây là một loại máy ảnh KTS khái niệm mới và cũng mới có mặt ở Việt Nam. Dòng máy pha tạp giữa các dòng máy cao cấp hơn ở đặc điểm có thể lắp ống kính rời và dòng máy du lịch cao cấp vì vậy chúng tôi tạm đặt cho nó cái biệt danh “nửa chừng xuân”. Mặc dù gắn ống kính rời tạo khả năng thay ống kính mở rộng công năng nhưng về cơ bản, thân máy giống với dòng máy ống kính liền cao cấp với các chế độ chụp mặc định và cấu tạo thân máy không có gương phản xạ (gương lật) nên không được xếp vào dòng dSLR. Việc loại bỏ gương phản xạ ngắm trực tiếp tạo điều kiện chế tạo thân máy mỏng hơn nhưng với dòng máy này, ngắm chụp hoàn toàn phụ thuộc vào màn LCD hoặc ống ngắm điện tử (electronic viewfinder). Một số ví dụ của dòng máy này là Sony Alpha NEX-5, Samsung NX10, Olympus E-P2. Dòng máy này chắc chắn trong tương lai gần sẽ tạo ra một cuộc đua thú vị giữa các hãng máy ảnh trên thế giới. Chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra với ý tưởng “lai tạo” này còn vào thời điểm hiện nay, nếu chọn chơi dòng máy này, người chơi ảnh nên tìm hiểu kỹ các loại ống kính có thể thay thế để tránh lãng phí khả năng thay ống.
Tóm tắt đặc điểm dòng máy ống kính rời không gương lật
• Thân máy mỏng hơn dSLR, gọn nhẹ và có kiểu dáng sang trọng
• Ống kính rời theo các chuẩn riêng (thường theo từng hãng) và không tương thích ống kính truyền thống
• Ngắm chụp qua màn LCD hoặc qua ống ngắm điện tử
• Lai tạo giữa dòng du lịch cao cấp và dòng dSLR (không có gương phản xạ, nhiều chế độ chụp mặc định)
• Đa phần đều có chân đế gắn đèn ảnh rời
4. Máy ảnh ống kính rời hạng trung (prosumer / entry-level dSLR)
Một số mẫu máy ống kính trời hạng trung
Dòng máy này ở Việt Nam thường được các hiệu ảnh xếp vào chủng loại chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo quan niệm của giới chơi ảnh quốc tế, dòng này chỉ được coi là bán chuyên nghiệp, nghiệp dư hay prosumer dSLR (máy ảnh ống kính đơn gương phản xạ kỹ thuật số phổ thông).
Đây là dòng máy có đầy đủ tính năng của một máy ảnh “chuyên nghiệp”, cho phép lắp ống kính rời truyền thống và bên trong có gắn hệ thống gương phản xạ giúp người chụp ngắm trực tiếp qua ống kính (ngắm quang) và thường có chế độ chụp thủ công hoàn toàn (manual). Máy cũng được cài đặt các chế độ chụp mặc định khác nhau như ưu tiên tốc độ cửa chập, ưu tiên khẩu độ, lập trình và các chế độ chụp theo thể loại ảnh như chụp chân dung, thể thao, v.v… Máy còn có các chức năng cao cấp hơn như khóa căn nét, khóa phơi sáng, chụp nhóm ảnh (bracketing), v.v… Một đặc điểm khiến máy dòng này khác hẳn với các máy dòng “du lịch” compact là ở chỗ trên thân máy có nhiều nút bấm điều khiển trực tiếp các chức năng chứ không chỉ thông qua hệ thống menu trên LCD. Các máy dòng này thường gắn cảm biến cúp nhỏ (APS-C / crop) nên sẽ có một số ảnh hưởng phụ tới hiệu ứng hình ảnh khi sử dụng ống kính truyền thống. Một số mẫu máy dSLR tầm trung này hiện nay được tích hợp thêm khả năng quay video độ phân giải cao. Một số ví dụ của dòng máy này là: Nikon D80, D90, D300s, Canon EOS 550D, EOS 50D, Pentax K-7 hay Sony Alpha A500.
Nhìn chung, máy chủng loại này có gần như đầy đủ các chức năng của một máy ảnh chuyên nghiệp – và có thể vì vậy ở VN thường được xếp vào dòng máy chuyên nghiệp. Tuy nhiên sự khác biệt rất nhỏ nhưng lại rất quan trọng khiến dòng máy này chưa thể gọi là chuyên nghiệp chính là các chi tiết kỹ thuật đòi hỏi ở một máy ảnh chuyên nghiệp (tức được nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng) trong đó có: Cảm biến cúp nhỏ mà không phải là toàn khổ (full-frame), độ bền của cửa chập, số lượng ảnh chụp được / giây, tốc độ truy cập thẻ nhớ, và hệ thống nút điều khiển trên thân máy. Các khác biệt này tưởng chừng rất nhỏ nhưng trên thực tế lại ảnh hưởng rất lớn tới những đòi hỏi khắt khe của nhiếp ảnh chuyên nghiệp.
Tóm tắt đặc điểm dòng máy ống kính rời hạng trung
• Có khả năng lắp ống kính rời và lắp các ống kính truyền thống
• Thường ngắm chụp sống qua ống kính (TTL) và hệ thống gương phản xạ (một số mẫu mới có cả ngắm chụp qua LCD)
• Có hệ thống nút bấm điều khiển phức tạp
• Có chế độ chụp thủ công hoàn toàn
• Lưu ảnh ở định dạng nén JPEG và định dạng thô RAW/.NEF
• Đòi hỏi người chụp phải có am hiểu về nhiếp ảnh để sử dụng hiệu quả cả về hiệu ứng, chất lượng hình ảnh cũng như tính kinh tế
5. Máy ảnh ống kính rời chuyên nghiệp (professional dSLR)
2 mẫu máy ảnh chuyên nghiệp: Nikon D3 và Canon 1D Mark III
Các máy ảnh được xếp vào dòng máy ảnh dSLR chuyên nghiệp thường phải đáp ứng được nhu cầu khắt khe của người chụp ảnh chuyên nghiệp với cấu tạo giúp người chụp làm chủ hoàn toàn các yếu tố tạo nên một bức ảnh như hoàn toàn kiểm soát phơi sáng, có nhiều điểm căn sáng/ căn nét, tương thích hoàn toàn với các ống kính truyền thống, có độ bền cao (ví dụ Nikon D3 có độ bền cửa chập là ~300000 kiểu), đồng bộ đèn ảnh flash ở tốc độ cao, v.v…
Máy ảnh dòng chuyên nghiệp cần có cảm biến lớn bằng cảm biến của khổ phim truyền thống (35mm) và được gọi là máy toàn khổ (full-frame). Nói chung, đây là dòng máy có đầy đủ chức năng như một máy ảnh cơ truyền thống nhưng tích hợp các công nghệ cao cấp nhất – và luôn có giá đắt nhất trên thị trường.
Tóm tắt đặc điểm của dòng máy ảnh dSLR chuyên nghiệp
• Có đầy đủ chức năng và đáp ứng đòi hỏi khắt khe nhất trong nhiếp ảnh
• Có độ bền cao
• Lưu ảnh ở định dạng nén JPEG và định dạng thô RAW/.NEF
• Tích hợp công nghệ tiên tiến nhất và cũng sử dụng phức tạp nhất
• Giá đắt nhất trong các loại máy ảnh
Nên chơi dòng máy ảnh nào?
Trước tiên một điều cần phải nói là máy ảnh không làm nên một bức ảnh đẹp. Tất cả phụ thuộc vào con mắt và tay nghề của người chụp. Một chiếc máy ảnh du lịch nhỏ xinh trong tay một nhiếp ảnh gia nhà nghề cũng có thể cho ra đời những bức ảnh có chất lượng hình ảnh đẹp và tính nghệ thuật cao.
Vì vậy, nên chọn chơi dòng máy ảnh nào hoàn toàn phụ thuộc vào mục đích và khả năng làm chủ kỹ thuật và nghệ thuật của người chơi ảnh. Nếu ngại không muốn học chụp ảnh và chỉ để chụp cho có ảnh mà không cần quan tâm nhiều đến chất lượng, máy ảnh du lịch nhỏ gọn (Loại 1) có thể là lựa chọn tốt nhất. Nhưng nếu muốn chụp chất lượng ảnh đẹp hơn, có thể bạn sẽ phải lựa chọn Loại 2. Loại thứ 3 (được tiên đoán là tương lai của thị trường máy ảnh tiêu dùng) hiện nay còn hạn chế về ống kính nên khi chọn chơi cần cân nhắc, tuy nhiên dòng này lại có thể giúp bạn trở thành một người “sành điệu” đi trước thời đại (chút ít).
Còn nếu muốn có ảnh đẹp đồng thời học chụp ảnh để sau này nắm vững các kỹ thuật tiến tới chơi ảnh chuyên nghiệp, nhất thiết bạn sẽ phải sắm cho mình một máy dSLR với tính năng hoàn toàn giống một máy ảnh cơ trước đây. Nếu ngân sách không hạn hẹp thì các máy ảnh toàn khổ (Loại 5) chính là lựa chọn thú vị nhất, còn nếu ngân sách chưa thực sự cho phép, Loại 4 chính là lựa chọn thông mình cho bạn.
Lời kết
Nghề chơi lắm công phu! Để chơi ảnh ở trình độ cao đòi hỏi phải học hỏi và tập luyện rất nhiều. Máy ảnh không làm nên bức ảnh mà chính là người chụp. Hãy chọn lựa cho mình một máy ảnh vừa túi tiền và quan trọng hơn hết là hãy bắt đầu học chụp ảnh ngay khi bạn vừa bước ra khỏi hiệu ảnh với một chiếc máy mới trong tay, dù đó là loại máy nào đi chăng nữa.
Chúc các bạn có nhiều ảnh đẹp.
VinaCamera.com
2008-2014
October 8th, 2013 at 09:29
Bài viết rất hay, cô đọng giúp cho các bạn còn băn khoăn trong việc lựa chọn máy hình có định hướng rõ ràng trong việc mua máy. “Máy ảnh không làm nên bức ảnh mà chính là người chụp”. Câu nói này rất hay, rất đúng! Trong chụp hình, yếu tố con người hết sức quan trọng, còn máy móc chỉ là phương tiện, hỗ trợ cho người cầm máy mà thôi. Tôi là người ham thích nghệ thuật nhiếp ảnh, đã từng cầm máy nên rất hiểu điều đó. Cám ơn tác giả bài viết.