Tìm hiểu thêm về khẩu độ mở (Aperture revisited)
Jul. 17, 2010 | Kỹ thuật nhiếp ảnh, video | 34,459x | Qui định | Tham giaAPERTURE REVISITED
Rât nhiều người chơi ảnh nghiệp dư quan tâm tới hiệu ứng của việc thay đổi khẩu độ mở. VinaCamera.com có bài viết cung cấp thêm thông tin sau đây.
Khẩu độ mở (aperture) được biểu diễn bằng giá trị f/ – hay F-stop trong tiếng Anh. Giá trị f/ càng nhỏ thì khẩu độ mở càng lớn (sở dĩ như vậy vì giá trị f/ là một hệ số). Hình 1 cho thấy các giá trị f/ thường được sử dụng.
Hình 1: Khẩu độ mở biểu diễn bằng các giá trị F-stop. F càng nhỏ, khẩu độ càng lớn.
Trước tiên, ta hãy trở lại với vấn đề giá trị phơi sáng (exposure value / EV). Một bức ảnh được tạo nên bởi 3 yếu tố cơ bản là: (1) tốc độ của chập (shutter speed) – thường tính bằng phần của giây; (2) độ mở to nhỏ của lỗ điều tiết ánh sáng trên ống kính (aperture) – thường tính bằng giá trị f/ và (3) độ nhạy bắt sáng ISO của phim hay cảm biến đối với máy ảnh số. Kết hợp 3 yếu tố này lại ta được giá trị phơi sáng của một bức ảnh (xem thêm tại đây). Khẩu độ mở càng lớn thì ánh sáng lọt vào bản phim hay cảm biến càng nhiều và nếu giá trị tốc độ cửa chập và độ nhạy ISO là không đổi, khẩu độ mở càng lớn thì bức ảnh càng sáng.
Như vậy, tác dụng đầu tiên của khẩu độ mở là điều tiết ánh sáng nhiều hay ít cho một bức ảnh. Tuy nhiên, khẩu độ mở không chỉ ảnh hưởng tới mức độ sáng tối chung của ảnh mà còn ảnh hưởng tới các yếu tố khác, bao gồm:
Hình 2: Khẩu độ mở ảnh hưởng tới nhiều hiệu ứng cho bức ảnh
• Chiều sâu ảnh trường (khoảng nét giữa các chủ thể xa gần máy ảnh và điểm căn nét chính). Khẩu độ mở càng lớn (f/ càng nhỏ) thì ảnh càng có chiều sâu nét mỏng hơn. Nói cách khác, với khẩu độ mở càng lớn, các chủ thể cách điểm căn nét (trước và sau) càng có xu hướng mất nét lớn hơn. Khẩu độ mở nhỏ làm tăng chiều sâu ảnh trường, tạo điều kiện để các chủ thể xa điểm căn nét chính về phía trước và phía sau đều nét hơn. Khẩu độ mở nhỏ thường được sử dụng để chụp phong cảnh khi đòi hỏi toàn bộ bức ảnh có độ nét (tương đối) như nhau, trong khi đó, khẩu độ mở lớn thường được sử dụng để chụp chân dung hay đặc tả trong đó chỉ có người/ vật cần nêu bật mới nét còn hậu cảnh và tiền cảnh mờ để làm tăng sự nổi bật của chủ thể chính.
• Diện tích khu vực nét. Với khẩu độ mở lớn, xung quanh điểm căn nét chính (có cự ly ngang bằng với chủ thể chính tới máy ảnh) có xu hướng nhòa mờ, càng xa chủ thể căn nét chính càng mờ hơn. Ngược lại, khẩu độ mở nhỏ khiến mọi vật xung quanh điểm căn nét tăng độ nét. Như vậy, nếu chụp một nhóm người, ta cần giảm khẩu độ mở xuống (tăng giá trị f/) – lên khoảng 5.6-8 – để bảm đảm mọi người trong ảnh đều nét.
• Hiệu ứng boke (bokeh). Hiệu ứng boke là sự xuất hiện của những vòng tròng sáng nhòa xung quanh các điểm sáng ở hậu cảnh, theo thẩm mĩ thời nay, các vòng tròn sáng này càng nhòa mịn càng đẹp, tạo ánh sáng lung linh lấp lánh cho hậu cảnh. Khẩu độ mở càng lớn thì hiệu ứng boke càng lớn (tất nhiên còn tùy thuộc vào chất lượng từng loại ống kính).
• Cường độ sáng xung quanh tâm điểm. Với khẩu độ mở nhỏ, ánh sáng trên toàn bức ảnh có xu hướng điều hòa hơn (sáng như nhau ở các khu vực khác nhau). Khẩu độ mở lớn tạo sự khác biệt giữa tâm điểm của bức ảnh với khu vực xung quanh. Khi đặt ở khẩu độ mở lớn, khu vực trung tâm bức ảnh sáng hơn, trong khi đó khu vực quanh tâm điểm giảm dần ánh sáng (rất ít và phải để ý mới phát hiện được; thường rõ hơn khi chụp diện tích lớn), càng xa tâm điểm độ sáng của ảnh càng yếu hơn.
Hình 3: Khẩu độ mở thay đổi chiều sâu ảnh trường (F/16 mở tới F/1.4)
Với các ảnh hưởng này, việc điều chỉnh khẩu độ mở thực sự là một kỹ thuật khó, và càng khó hơn khi phải kết hợp với tốc độ cửa chập để tạo ra bức ảnh vừa đủ sáng, vừa có được các hiệu ứng khác mang tính nghệ thuật cho bức ảnh.
Các trường hợp thường cần khẩu độ mở lớn hơn (mở khẩu)
- Chụp trong điều kiện ánh sáng yếu
- Chụp chân dung
- Chụp đặc tả một chủ thể chính (người / vật)
- Tạo hiệu ứng xóa phông (hậu cảnh nhòa mờ)
- Tạo hiệu ứng boke
- Cần tăng tốc độ cửa chập để chống rung tay máy
Các trường hợp thường cần khẩu độ mở nhỏ hơn (khép khẩu)
- Chụp trong điều kiện ánh sáng mạnh
- Chụp nhóm người (càng nhiều người dàn hàng ngang hoặc đứng trước sau càng cần khép khẩu hơn)
- Chụp phong cảnh, kiến trúc
- Chụp tĩnh vật, quảng cáo cần mọi người/ vật đều nét
Ghi chú: Do các yêu cầu về kỹ thuật trong công nghệ sản xuất thấu kính và ống kính, ống kính có khẩu độ mở càng lớn, đặc biệt là duy trì được khẩu độ mở lớn trên toàn tiêu cự ở các ống zoom (tiêu cự thay đổi) mà vẫn cho hình ảnh đẹp thì giá thành càng cao, và càng đắt. Các ống kính có khẩu độ mở lớn luôn là niềm mơ ước của người chơi ảnh, dù là nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Do cấu trúc từng loại ống kính với tiêu cự và kích thước khác nhau, diện tích vật lý của lỗ tròn khẩu độ điều tiết ánh sáng (aperture/iris) Ở CÙNG 1 KHẨU ĐỘ MỞ có thể khác nhau nhằm đảm bảo lượng ánh sáng đi vào cảm biến như nhau.
VinaCamera.com
2008-2013
September 12th, 2013 at 14:27
Xin chào #vinacamera !
Tôi muốn hỏi như sau :
ống kính của tôi là Tamron 17-50 f/2.8 VC, lắp trên body D90.
Khi ở chế độ P, f stop luôn luôn là 2.8. Khi tôi xoay bánh xe để tìm một “cặp” f stop + shutter khác thì có hiện lên chữ P* nhưng f-stop vẫn không thay đổi, giữ nguyên 2.8
Tôi muốn biết có phải ống bị sao không, hay là tính năng này nó phải như vậy.
Xin cám ơn và sorry nếu câu hỏi của tôi quá stupid !
September 12th, 2013 at 19:43
@ Amy: Khi ở P, máy sẽ tính toán cho bạn, có áp dụng các qui tắc như không nên giảm tốc độ quá chậm để tránh rung tay.
- Vì vậy, nếu bạn chụp trong điều kiện ánh sáng yếu, máy sẽ “nhận thấy” bạn nên mở khẩu lớn nhất mà không nên giảm thêm tốc độ, vậy là nó cứ để khẩu ở f/2.8. Cái dấu hoa thị ở chữ P (P*) là để báo cho bạn là bạn đã chọn một tổ hợp khác với tổ hợp ban đầu máy lựa chọn.
- Chú ý: Nhớ xoay bánh xe về cả 2 phía nhé, sẽ thấy nó khác đấy (Đây có thể là lý do cho f/2.8 của bạn :)
September 13th, 2013 at 14:01
@vinacamera : anh nói như thần ấy anh vinacamera ạ :-), tối qua tôi thử ngắm ra chỗ sáng thì thay đổi được f-stop và shutter như bình thường rồi ! Cám ơn anh nhiều !
September 13th, 2013 at 18:13
@ Amy: Cảm ơn bạn đã quá khen. Không phải thần đâu! Đó là logic của máy ảnh thôi mà :)
April 8th, 2014 at 12:22
cam on bai viet rat huu ich cua tac gia.
muốn hỏi tác giả thêm 1 vấn đề nửa . giá trị của f-stop = 2,8 co phai la f/2,8 khong ?
April 8th, 2014 at 13:05
@ thiemdao: Đúng rồi. Người ta thường viết dấu chấm (theo kiểu tây): f/2.8
January 15th, 2015 at 08:17
Chào VinaCamera
Tôi đọc ở 1 bài “Kiến thức căn bản” bên vnphoto, phần nói về khẩu độ có câu “Tại mỗi F-stop ta có đường kính lỗ mở d tương đương f/1, f/1.4 , f/2 f/2.8 … và f chính là độ dài tiêu cự ống kính” và “Và thêm một điều nữa là cùng một đường kính lỗ mở d nếu độ dài tiêu cự ống kính càng dài thì khẩu độ càng lớn”. Đọc xong tôi hoang mang vì kiến thức này khác với suy nghĩ của tôi từ trước tới giờ là cái đường kính lớn nhất (ở khẩu f/1) là cố định với mọi loại máy lẫn ống kính (tôi nhớ hồi sử dụng máy film, mở khẩu lớn hết cỡ với ống tiêu cự 50 thấy cái lỗ tóac hoác rồi, không tưởng tượng được cái lỗ của ống có tiêu cự 500 nó như thế nào ?!!. Giả sử các thấu kính không làm giảm độ sáng hoặc giảm không đáng kể, chả lẽ khi zoom từ 18mm đến 200mm thì lượng ánh sáng đến sensor/film gấp 11 lần).
Bài viết nói trên được viết từ 2005, được stick ở chuyên mục “Nhiếp ảnh cơ bản”, các bài viết kéo dài đến cuối năm 2014, tôi có đọc từng bài thì không thấy có ý kiến về câu trên, thầm chí cón được tác giả nhấn mạnh thêm 1 lần, như vậy là đã được đa số công nhận.
Nhờ VinaCamera giúp giải thích về cái đường kính lớn nhất (tạm gọi là d – ứng với f/1). Trong trường hợp d cố định, thì nó là khoảng bao nhiêu.
Xin cám ơn trước!
January 15th, 2015 at 08:43
@ Trường: Họ giải thích hơi khó hiểu, nhưng là đúng đấy. Để tối nay về tôi trả lời dài, vì bây giờ phải đi kiếm ăn cái đã. Mời bạn quay lại sau. Thực ra thì điều đó không có ý nghĩa nhiều với người chơi ảnh, nhưng tìm hiểu thì khá thú vị.
Have a nice day!
January 15th, 2015 at 15:28
Để cho dễ hiểu, mấy cái sơ đồ minh họa thường hay quy ống kính thành 1 thấu kính mỏng, vị trí các lá khẩu vẽ ở khoảng giữa thấu kính (quy ước) và film, do vậy nên tôi nghĩ các lá khẩu nằm sau cùng của ống kính, do đó không thể to được :). Chiều nay về nhà lục mấy ống kính cũ xem lại. Đúng là ống tiêu cự càng lớn thì đầu càng to, chắc là nó nằm đâu đó ở khúc đầu.
Nhân tiện chuyện khẩu độ, anh khi nào có thời gian vui lòng cho một bài về cấu tạo cái ống kính, cách xác định tiêu cự (tôi hiểu sơ về cái tiêu điểm nhưng tâm (quy ước) của hệ thấu kính thì còn chưa rõ lắm). Chắc cũng có nhiều người giống tôi, sử dụng ống kính thì muốn hiểu rõ hơn về cấu tạo và hoạt động của nó. Kiến thức của anh rộng, sâu, và các bài viết của anh rành mạch, dễ hiểu, vì vậy năn nỉ anh san sẻ một bài nha.
October 22nd, 2016 at 17:27
tại sao ở một số máy quay thì dùng iris để chỉ khẩu ở dòng chuyên nghiệp hơn thì dùng aperture add có thể giải thích cho e hiểu thêm dc ko ạ! cám ơn add
October 23rd, 2016 at 19:34
@ phạm dương: Bạn có hiểu 2 từ đó không? Bạn viết bằng tiếng VIệt xem nó là cái gì rồi tôi giải thích.