VinaCamera Imaging

RAW & JPEG – Gà tươi sống và gà đã chế biến

Chắc hẳn bạn đã từng “làm gà” hay mua gà tươi sống về nhà chế biến thành đủ loại món ăn yêu thích như gà rán, gà quay, gà hầm… Nhưng nhiều khi bạn cũng mua gà rán hay quay ngoài cửa hiệu về nhà ăn luôn. Mỗi hình thức đều có cái hay của nó. Với thịt gà tươi sống, bạn sẽ tha hồ chế biến theo nhiều cách riêng – nếu bạn là đầu bếp giỏi, còn mua gà đã nấu nướng sẵn cũng sẽ được thưởng thức khẩu vị của những đầu bếp chuyên nghiệp. Vậy mua gà về chế biến hay mua các món gà về ăn liền? Câu trả lời còn tùy thuộc vào từng người và từng mục đích.

Đó cũng chính là sự khác biệt giữa chụp ảnh lưu ở định dạng ảnh thô (RAW/.NEF/.CR2) và định dạng ảnh nén (JPEG).

Raw/.NEF/.CR2 và JPEG là gì?

Đây là 2 định dạng tệp ảnh khác nhau. Tất cả chúng ta đã rất quen thuộc với định dạng ảnh JPEG (hay JPG) bởi đây là định dạng ảnh phổ biến nhất trong thế giới kỹ thuật số. Điều đầu tiên cần biết về định dạng này là JPEG là một định dạng ảnh nén nhỏ và trong quá trình nén luôn xảy ra việc mất mát thông tin (màu sắc, chi tiết) nên định dạng này được xếp vào dạng ảnh nén bị mất dữ liệu (lossy). Ảnh càng nén nhỏ, càng bị mất nhiều dữ liệu và không đẹp và rõ nét, đầy đủ màu sắc bằng ảnh gốc. RAW là định dạng ảnh thô chưa qua xử lý trên nhiều loại máy ảnh số (thông thường các máy ảnh chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp mới cho phép lưu ảnh ở định dạng RAW, các máy ảnh du lịch nhỏ gọn thường chỉ cho phép lưu ở định dạng JPEG). Khi chụp ở định dạng RAW, máy ảnh không thực hiện việc nén ảnh và một số qui trình khác như cân bằng trắng, điều chỉnh tông/gam màu và sắc của ảnh (tones, hue, saturation…)

Một điều có thể làm cho nhiều người, kể cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp ngạc nhiên là định dạng RAW (.NEF) thật ra cũng là một dạng ảnh nén, tuy nhiên nén ở mức độ vừa phải và không làm mất dữ liệu (lossless compression). Ngoài ra có nhiều máy chuyên nghiệp cho phép lưu ở 2 định dạng thô là thô có nén (compressed RAW) và thô không nén (uncompressed RAW). Định dạng RAW cho phép một tệp ảnh lưu trữ đầy đủ thông tin hơn so với JPEG và giúp người chụp có thể “chế biến” đa dạng hơn bằng các phần mềm trên máy tính như Photoshop hay Lightroom – vì vậy, định dạng ảnh thô được ví như phim âm bản cho phép khẳ năng hậu kỳ hiệu quả hơn. Với định dạng thô RAW, ảnh có thể được chỉnh sửa hiệu quả hơn ở các thuộc tính như phơi sáng (“cứu” ảnh quá sáng hoặc quá tối), sắc màu, tông màu, ánh sáng, cân bằng trắng WB, v.v… Tuy vậy, cái phiền toái của việc lưu ảnh ở định dạng RAW là người chụp phải xem và chỉnh sửa ảnh trên máy tính và tất nhiên, phải biết cách chỉnh sửa cho bức ảnh đẹp hơn, nếu không sẽ rơi vào tính trạng “lợn lành chữa thành lợn què”, ảnh trở nên tệ hại hơn nếu không chỉnh sửa đúng cách, cả về kỹ thuật lẫn mỹ thuật.

So sánh lợi hại giữa RAW/.NEF/.CR2 và JPEG

Ưu điểm của RAW/.NEF/.CR2
- Phần lớn tệp ảnh RAW đều ở chế độ 16bit nên lưu được dải màu rộng hơn, cho phép chỉnh sửa đẹp hơn chế độ 8bit của JPEG.
- Ảnh RAW lưu trữ đầy đủ mọi thông tin mà cảm biến (sensor) ghi nhận được nên dễ xử lý hơn và không bị mất dữ liệu nếu đặt nhầm chế độ xử lý trên máy ảnh khi chụp.
- Việc chuyển đổi định dạng và chỉnh sửa ảnh được thực hiện trên máy tính thông mình hơn bằng những phần mềm mạnh hơn phần mềm cài cứng (firmware) trên máy ảnh nên sẽ hiệu quả hơn.
- Người chơi ảnh có thể dễ dàng thay đổi ý định – sau khi đã chụp ảnh mang về nhà – các thuộc tính của ảnh như phơi sáng, cân bằng trắng và một số thuộc tính khác.

Nhược điểm của RAW/.NEF
* Tệp ảnh RAW thường lớn hơn rất nhiều nên tốc độ đọc/ghi tệp lâu hơn, và tốn nhiều thẻ nhớ hơn khi chụp và ổ đĩa hơn khi lưu trữ.
* RAW phải được chỉnh sửa trên máy tính trước khi đem sử dụng (xem, in ảnh, v.v…) do nhiều phần mềm không nhận định dạng RAW.
* Nếu không có phần mềm chỉnh sửa và chuyển đổi định dạng, RAW không thể sử dụng được trên internet hay khoe ảnh với bạn bè nếu họ không có phần mềm đọc được RAW.

Nên sử dụng RAW hay JPEG?

Với những thông tin nêu trên, có thể thấy nên hay không nên sử dụng RAW phụ thuộc vào mục đích chơi ảnh cũng như khả năng xử lý ảnh của mỗi người.

Với những người chơi ảnh thông thường hoặc chụp các bức ảnh chỉ mang tính sự kiện, lưu niệm trong đó không đòi hỏi chất lượng thật hoàn hảo, JPEG là định dạng nên sử dụng. Hiện nay, với các đời máy ảnh KTS hiện đại, cả DSLR và các máy ảnh du lịch cao cấp, phần mềm trên máy cũng ngày được một cải tiến đê quá trình nén và xử lý hiệu quả hơn, cho ra đời các bức ảnh JPEG có chất lượng ảnh tốt hơn. Trong trường hợp người chơi ảnh ngại chỉnh sửa hoặc chưa thông thạo kỹ thuật xử lý ảnh (bằng Photoshop hay các phần mềm khác) thì JPEG là lựa chọn số 1.

Tuy nhiên, nếu bạn là người chơi ảnh nghệ thuật, am hiểu về kỹ thuật và các phần mềm xử lý ảnh, chất lượng ảnh đòi hỏi cao cả về màu sắc, ánh sáng và độ lớn của ảnh thì RAW là lựa chọn cần thiết. RAW – trong tay một “đầu bếp giỏi” – sẽ cho ra đời những “món gà” hợp khẩu vị và độc đáo hơn so với “mua gà đã chế biến” về dùng.

Một số lưu ý

- Dù chụp ở JPEG hay RAW, khi chụp vẫn cần điều chỉnh chế độ phơi sáng hợp lý nhất. Kể cả khi lưu ảnh ở định dạng RAW, một bức ảnh sáng quá hay tối quá cũng không thể xử lý thành ảnh đẹp dù phần mềm xử lý có thông minh đến đâu và bạn có là chuyên gia chỉnh sửa ảnh số cỡ nào đi chăng nữa.
- Khi chụp ở định dạng JPEG, luôn luôn lưu ảnh ở kích cỡ lớn nhất mà máy ảnh của bạn cho phép. Với việc thẻ nhớ giờ đây đã hạ giá và không thành vấn đề lớn đối với đa phần người chơi ảnh, kích cỡ ảnh lớn sẽ giúp máy xử lý nhanh hơn, nén ở tỷ lệ thấp hơn để cho hình ảnh đẹp hơn. Với kích cỡ lớn, sau này bạn muốn nén và thu nhỏ lại lúc nào cũng được, còn với kích cỡ nhỏ cơ hội phóng to rõ nét hầu như là vô vọng. Ngoài ra, nếu muốn in ảnh (ra giấy ảnh hoặc in bằng máy in màu) hay sử dụng làm tư liệu minh họa cho văn bản tài liệu, sách vở, v.v… kích cỡ lớn sẽ cho hình ảnh thỏa mãn mọi nhu cầu về ảnh.
- JPEG (Joint Photographic Experts Group) – đọc là jây-peg – tên định dạng (phần mở rộng hay đuôi tệp) lấy theo chữ viết tắt tên tiếng Anh của Nhóm liên minh chuyên gia ảnh.
- Phần mở rộng của tệp tin ảnh (image file): Mặc dù mang tính chất như nhau, mỗi hãng máy ảnh lại có 1 phần mở rộng tệp tin ảnh (đuôi tệp tin) khác nhau. Với Nikon là .NEF, Canon .CRW và .CR2, Sony .ARW, Pentax PEF, v.v…

VinaCamera Imaging

VinaCamera.com
2008-2014