Về mặt định dạng ảnh số, có thể ví thế giới ảnh số như một nồi lẩu thập cẩm! Ngoài những nguyên liệu đã trở nên quen thuộc với người chơi ảnh số như BMP, GIF, JPEG, PNG, còn có rất nhiều định dạng khác, trong đó có các định dạng ảnh “thô” (RAW) giúp cho người chụp ảnh lưu giữ nhiều thông tin hơn về hình ảnh đã chụp, để có thể chỉnh sửa hậu kỳ một cách hiệu quả hơn. Mọi thứ càng trở nên phức tạp bởi không chỉ có 1 định dạng ảnh RAW duy nhất mà có rất nhiều dạng, mỗi hãng máy ảnh lại sử dụng một dạng khác nhau như NEF của Nikon, CRW và CR2 của Canon và DNG của Adobe.

Kèm Hướng dẫn sử dụng Adobe DNG Converter

VinaCamera Imaging

Nhân việc có nhiều độc giả gần đây gặp phải vấn đề với việc mở xem và chỉnh sửa ảnh RAW mới của đời máy Nikon D600 được tung ra thị trường vào tháng 10/2012 và đặt nhiều câu hỏi liên quan gửi tới VinaCamera.com, chúng tôi có bài viết này giúp các bạn hiểu thêm về các định dạng ảnh thô để có cách xử lý cá nhân phù hợp.

1. Ảnh thô RAW là gì?

  • Ảnh thô RAW là định dạng ảnh được coi là “âm bản” ảnh số (digital negative), chứa đầy đủ thông tin được cảm biến số của máy ảnh ghi lại, chưa được xử lý hậu kỳ và nén nhỏ thành các định dạng khác như JPEG.
  • Với biệt danh là “âm bản” chưa xử lý, định dạng ảnh thô giúp người chơi ảnh tăng khả năng chỉnh sửa hậu kỳ bằng các phần mềm chỉnh sửa ảnh trên máy vi tính như Photoshop hay Lightroom, góp phần làm tăng khả năng xử lý hậu kỳ hiệu quả hơn cũng như sửa chữa các sai lầm có thể đã mắc phải trong quá trình chụp ảnh.
  • Mặc dù gọi chung là ảnh thô RAW, mỗi hãng máy ảnh lại có một định dạng riêng cho ảnh thô của hãng, ví dụ Nikon có định dạng NEF, Canon có định dạng CRW hay CR2. Bản thân mỗi định dạng này lại có các phiên bản khác nhau và người chỉnh sửa ảnh luôn phải cập nhật phần mềm để có thể mở xem cũng như chỉnh sửa các định dạng ảnh thô như trường hợp nhiều người sử dụng máy ảnh DSLR Nikon D600 gần đây.
  • Xem thêm bài viết về RAW và JPEG của VinaCamera.com tại đây

2. DNG là gì?

  • DNG (Digital NeGative) cũng là một định dạng ảnh âm bản – một dạng ảnh thô RAW – do hãng Adobe tạo ra (năm 2004) với hy vọng thống nhất các định dạng ảnh thô để trở thành phiên bản định dạng ảnh thô phổ biến dùng chung trong cộng đồng. Mặc dù nỗ lực này của Adobe chưa đi tới thành công bởi mỗi hãng máy ảnh hiện nay vẫn tiếp tục sử dụng các định dang phiên bản ảnh thô khác nhau, đặc biệt hai ông lớn là Canon (với định dạng CRW và CR2) cùng Nikon (với định dạng NEF theo nhiều phiên bản khác nhau), DNG vẫn được một số nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp tin dùng, đưa vào qui trình xử lý ảnh của họ việc chuyển đổi các tệp ảnh NEF,CRW/CR2 sáng DNG và lưu trữ thay vì lưu trữ trực tiếp.
  • Adobe cũng có cam kết cung cấp miễn phí định dạng DNG cho các nhà phát triển sản phẩm ảnh số (máy ảnh, phần mềm chỉnh sửa ảnh) và hiện đang cung cấp và tiếp tục cập nhật các phiên bản của phần mềm chuyển đổi từ các định dạng ảnh thô khác nhau của các hãng máy ảnh sang định dạng DNG là phần mềm Adobe Camera Raw and DNG Converter (có phiên bản cho cả 2 hệ điều hành Windows và MacOS); phiên bản mới nhất tại thời điển này là ACR 7.4 có khả năng chuyển đổi các tệp ảnh RAW NEF của Nikon D600 mới được tung ra thị trường vào tháng 10/2012.

3. Nên sử dụng định dạng nào NEF, CRW/CR2 hay DNG?

Trong giới chuyên nghiệp, giờ đây vẫn còn rất nhiều tranh cãi nên sử dụng định dạng nào trong các định dạng này làm định dạng tiêu chuẩn để lưu giữ và chỉnh sửa ảnh thô. Các tranh cãi này chủ yếu xoay quanh vấn đề định dạng nào sẽ thắng thế trong tương lai và lo sợ các vấn đề bản quyền giữa các hãng có thể làm cho một trong các định dạng, dù là của các hãng máy ảnh hay của Adobe, không được tiếp tục hỗ trợ trong tương lai.

Với người dùng thông thường, một điều có thể thấy là dù dùng định dạng nào, vẫn phải lệ thuộc vào một bản quyền của một hãng nhất định, và các hãng máy ảnh như Nikon và Canon, cũng như hãng phần mềm về hình ảnh nổi tiếng như Adobe đều là các hãng lớn nhất thế giới, đều sẽ phải có những cam kết nhất định và lâu dài với khách hàng. Vì vậy, sử dụng định dạng nào dường như trở thành vấn đề sở thích cá nhân hơn là vấn đề lựa chọn kỹ thuật bởi tất cả các định dạng nêu trên đều đã khá phổ biến và được hỗ trợ – ít ra là để xem – bởi rất nhiều phần mềm lớn nhỏ, trong đó có cả phần mềm miễn phí như FastStone Image Viewer.

Nếu bạn còn băn khoăn, so sánh sơ bộ dưới đây có thể giúp bạn đưa ra quyết định riêng cho mình:

RAW NEF, CRW/CR2 – Ưu, nhược điểm

  • Ưu điểm: (1) Tệp RAW lưu trữ đầy đủ thông tin xem trước thông qua JPEG của máy ảnh trong đó có các cài đặt trên máy ảnh khi chụp (Lưu ý đây là thông tin giúp xem trước bức ảnh sau khi chuyển đổi “ngầm” sang JPEG, bản thân tệp RAW vẫn lưu giữ mọi thông tin đầy đủ hơn JPEG và hoàn toàn chưa nén qua quá trình loại bỏ dữ liệu – gọi là lossy – như JPEG. (2) Có thể lưu trữ các thông tin khác trong quá trình chụp như vị trí điểm căn nét, các chế độ chụp, v.v… (3) Được hãng máy ảnh hỗ trợ hoàn toàn và có thể mở xem, chỉnh sửa với đầy đủ chức năng bằng các phần mềm do hãng máy ảnh cung cấp – miễn phí hoặc phải mua.
  • Nhược điểm: (1) Không phải phần mềm xem và chỉnh sửa ảnh nào cũng mở được tất cả các phiên bản ảnh RAW của tất cả các hãng máy ảnh; nếu là phiên bản mới, có thể sẽ phải đợi chờ – đôi khi là rất lâu – các hãng phần mềm cập nhật phiên bản mới có bản tương thích. (2) Do định dạng RAW của hãng máy ảnh không thể can thiếp trực tiếp bằng các phần mềm của hãng thứ 3 (như Photoshop), các chỉnh sửa sẽ được lưu lại bằng một tệp phụ đi kèm (gọi là sidecar file) như tệp XMP khi dùng Photoshop, dẫn đến việc quản lý, lưu trữ, gửi tệp ảnh thêm cồng kềnh vì kéo thêm cái đuôi là các tệp phụ này.

DNG – Ưu nhược điểm

  • Ưu điểm: (1) Không lệ thuộc vào phần mềm bản quyền của các hãng máy ảnh, có thể chỉnh sửa bằng các phần mềm bất kỳ có khả năng mở DNG. (2) Tệp DNG chuyển đổi từ RAW có kích thước tệp nhỏ hơn (khoảng 10-20% tùy từng ảnh). (3) Các thay đổi khi chỉnh sửa DNG được lưu ngay trong tệp DNG, không tạo thêm các tệp phụ đi kèm. (4) DNG – tùy cài đặt lúc chuyển đổi – có khả năng lưu trữ cả mặc định xem trước JPEG (JPEG preview), lẫn toàn bộ tệp ảnh RAW gốc (tất nhiên dung lượng sẽ tăng lên gấp đôi nếu làm như vậy) để đề phòng các trường hợp sau này xảy ra. (5) Adobe liên tục cập nhật các phiên bản chuyển đổi định dạng RAW của các hãng máy ảnh (cả phần mềm độc lập lẫn sử dụng như các plug-in cắm thêm) giúp người dùng thống nhất định dạng lưu trữ là DNG.
  • Nhược điểm: (1) Quá trình chuyển đổi từ RAW sang DNG khiến tốn thêm thời gian. (2) DNG không tương thích với các phần mềm chuyên dụng của các hãng máy ảnh. (3) DNG loại bỏ một số thông tin meta của ảnh như điểm căn nét, chế độ chụp khiến không thể truy vấn các thông tin này trong tương lai nếu cần. (4) Do các thông tin thay đổi khi chỉnh sửa được lưu trực tiếp vào tệp DNG, khi lưu bản dự phòng (backup) sẽ phải lưu trữ toàn bộ tệp ảnh lớn DNG.

Nếu bạn đã có thói quen và một qui trình làm việc hiệu quả với định dạng hiện đang dùng, thì việc đi theo RAW hay DNG thực ra không thành vẫn đề. Hãy làm theo qui trình bạn cho rằng hiệu quả như đang làm.

4. HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG Adobe DNG Converter (cập nhật theo phiên bản ACR) độc lập

Để chuyển đổi RAW (NEF, CRW/CR2) sang DNG, giúp bạn mở và chỉnh sửa ảnh thô trên các phiên bản Photoshop hay phần mềm khác dễ dàng hơn, ít phụ thuộc hơn vào quá trình nâng cấp, bạn có thể sử dụng phần mềm Adobe cung cấp miễn phí là Adobe DNG Converter để làm việc này.

BƯỚC 1: Tải chương trình và cài đặt

  • Vào trang Download ACR của Adobe sau đây và lựa chọn tải xuống máy phiên bản mới nhất. Lưu ý chọn phiên bản chạy độc lập (không có chữ update viết kèm): tại trang này của Adobe (phiên bản cho Windows); hoặc phiên bản Adobe DNG Converter ACR 7.4 mới nhất (Windows) 5/2013 tại đây.
  • Sau khi cài vào máy tính. Tìm chạy tệp Adobe DNG Converter.exe – thường được cài vào thư mục C:\Program Files\Adobe. Bạn có thể đưa shortcut của tệp này ra ngoài desktop đâu đó để dễ truy cập lần sau.

BƯỚC 2: Chạy chương trình chuyển đổi ACR
Mở tệp Adobe DNG Converter.exe

VinaCamera Imaging
Cửa số DNG Converter – Adobe Digital Negative Converter

Mục 1: Chọn thư mục chứa ảnh RAW gốc muốn chuyển đổi (Select the images to convert)

  • Lựa chọn thư mục chứa ảnh gốc RAW đã chụp (có thể chính là thư mục trên thẻ nhớ của bạn) bằng cách nhấn Select Folder… .
  • Nếu thư mục này của bạn chứa các thư mục con cũng chứa ảnh RAW muốn chuyển đổi, bạn cần dánh dấu lực chọn Include images contained within subfolders.
  • Nếu có chứa các tệp RAW bạn đã chuyển đổi từ trước và không muốn chuyển đổi lại thêm 1 lần nữa, dánh dấu bỏ qua các tệp đã chuyển đổi, tức Skip source image if destination image already exists.

Mục 2: Chọn thư mục đích chứa ảnh DNG sau chuyển đổi (Select location to save converted images)

  • Nhấn Select Folder… và duyệt tìm thư mục chứa ảnh DNG mới. Bạn có thể tạo thư mục mới trên máy tính luôn tại đây để sau đỡ phải chép lại ảnh sang máy tính thêm một lần nữa.
  • Nếu muốn lưu cấu trúc thư mục lớn nhỏ như hệ thống chứa ảnh RAW gốc, nhấn chọn Preserve subfolders.

Mục 3: Chọn tên ảnh DNG mới (Select name for converted images).

  • Nếu bạn không muốn thay đổi tên các tệp ảnh như đã chụp trên thẻ, có thể bỏ qua mục này.
  • Nếu muốn thay đổi, hoặc thêm tên, sử dụng 4 ô lựa chọn để thêm (hoặc đổi tên), thêm ngày tháng, đánh số, v.v…
  • Có thể lựa chọn số bắt đầu khi đánh số bằng cách điền số của ảnh đầu tiên vào mục Beginning number.
  • Có thể lựa chọn đuôi tệp chữ hoa .DNG hoặc chữ thường .dng ở mục File extension (phần mở rộng của tệp).

Mục 4: Mặc định tùy biến
Mục này chứa thông tin các mặc định khác có thể cài đặt cho quá trình chuyển đổi. Để điều chỉnh mặc định, nhấn Change Preferences.

VinaCamera Imaging
Cửa số DNG Converter > Preferences

  • Compatibility: Lựa chọn phiên bản tương thích với Camera Raw tích hợp trên Photoshop hoặc Lightroom.
  • Preview/Fast Load Data: Lựa chọn kích cỡ tệp ảnh JPEG để xem trước. Lưu ý: Tệp ảnh DNG vẫn giữ nguyên kích cỡ tệp và kích thước ảnh cũ, đây chỉ là cài đặt hiển thị xem trước JPEG. Tuy nhiên, khi mở tệp DNG bằng các phần mềm xem ảnh thông thường, ảnh sẽ chỉ hiển thị theo kích thước mặc định tại đây, nếu mở DNG và lưu ảnh bằng các phần mềm mềm không hoàn toàn tương thích chỉnh sửa DNG, ảnh có khả năng chỉ lưu theo kích thước mặc định tại đây. Do chứa thêm thông tin ở mục này để giúp nạp tệp nhanh hơn, tệp DNG có thể sẽ lớn hơn không lựa chọn đôi chút.
  • Compression/Image Size: Đánh dấu mục Use Lossy Compression (nén có mất thông tin) nếu muốn nén nhỏ tệp ảnh chuyển đổi. Quá trình nén nhỏ sẽ làm mất thông tin và vì vậy không nên lựa chọn mục này.
  • Original Raw File: Nếu muốn nhúng toàn bộ ảnh RAW gốc vào bên trong tệp DNG mới chuyển đổi, lựa chọn Embed Original Raw File. Toàn bộ tệp RAW gốc sẽ được nạp vào bên trong tệp DNG, tạo điều kiện thuận lợi truy xuất lấy lại sau này; tuy nhiên, kích thước tệp sẽ tăng lên gấp đôi vì phải chứa cả tệp gốc.
  • OK/Cancel: Nhấn OK để lưu các mặc định hoặc Cancel để hủy bỏ các mặc định và trở về của sổ ban đầu.

Sau khi đã hoàn thành các bước trên, nhấn Convert để chương trình tự động chuyển đổi các tệp RAW gốc sáng định dạng RAW mới DNG.

Bài viết tặng độc giả Minh Tuấn D600 và các bạn có thói quen chơi ảnh RAW.

VinaCamera.com
2008-2013