The Rule of Thỉrds

Qui tắc Một phần ba là một qui tắc vàng cho thiết kế bố cục trong nghệ thuật nhiếp ảnh và các lĩnh vực nghệ thuật khác như hội họa và thiết kế mỹ thuật. Theo qui tắc này, khuôn hình được chia làm chín phần đều nhau bởi hai đường kẻ ngang và hai đường kẻ dọc. Bốn điểm giao cắt của các đường ngang và dọc này được sử dụng để tạo bố cục trong nhiếp ảnh.

Qui tắc này cho rằng bố trí chủ thể của hình ảnh tại bốn điểm này sẽ tạo sự chú ý của người xem và làm nổi bật chủ thể hơn là bố trí chủ thể vào giữa khuôn hình. Đây là lý do tại sao trên nhiều máy ảnh có chức năng hiện đường phân chia – trong ống ngắm hoặc trên màn LCD -  thành chín phần với các điểm giao cắt để người chụp dễ tạo bố cục theo nguyên tắc Một phần ba hơn.

Cũng với qui tắc này, trong khuôn hình của một bức ảnh, các mảng đối tượng chụp khác nhau được bố trí lệch một phần ba – theo chiều ngang hoặc dọc – trên bức ảnh. Ví dụ, trong bức ảnh có trời và biển, thì đường chân trời sẽ được bố trí theo đường chia ngang thứ nhất (một phần ba bên dưới) hoặc đường chia ngang thứ hai (một phần ba phía trên). Nếu trong ảnh có một đối tượng thẳng đứng như một cái cây hay một người, đối tượng đó sẽ được bố trí dọc theo đường chia dọc thứ nhất (bên trái) hoặc đường chia dọc thứ hai (bên phải) chứ không nên bố trí vào trung tâm của bức ảnh. Cũng nên ghi nhớ rằng không nhất thiết phải chính xác đặt tiêu điểm của bức ảnh ở các điểm hay đường giao cắt  1/3 mà các khoảng phân chia này chỉ mang tính tương đối, có thể mở rộng ra ngoài rìa ảnh hoặc vào phía trong giữa ảnh, nhưng không nên chính giữa. Một lời khuyên chung khi vận dụng qui tắc này là: “Nếu không có lý do chủ ý đặt chủ thể hay tiêu điểm của ảnh vào chính giữa khuôn hình, hãy đặt lệch sang một bên trong mọi trường hợp. “

Qui tắc Một phần ba được nhiều nhiếp ảnh gia ứng dụng để tạo thêm tính nghệ thuật cho bức ảnh. Qui tắc này đầu tiên xuất hiện vào năm 1797 trong nghệ thuật hội họa phong cảnh.

Tuy nhiên, mặc dù công nhận qui tắc này giúp cho nhiếp ảnh gia và họa sĩ tạo bố cục tốt hơn cho ảnh hay tranh của mình, nhiều chuyên gia hội họa và nhiếp ảnh cũng cho rằng đây chỉ là một qui tắc mang tính tham khảo và không nên lúc nào cũng đem ra áp dụng bởi mỗi bức ảnh hay tranh hội họa đều cần sự sáng tạo với những bố cục độc đáo của người sáng tác. Điều này hoàn toàn đáng quan tâm bởi mọi qui tắc đều chỉ có thể áp dụng ở một chừng mực nhất định và những tác phẩm tuyệt tác luôn tìm tòi, khám phá những nét “phá cách” để đem đến cho người xem những góc nhìn mới mẻ trong nghệ thuật. Nhưng trước khi có thể “phá cách” một cách nghệ thuật, gì thì gì đi nữa, bạn cần biết và nắm vững những qui tắc cơ bản để nhận thức được mình đã và sẽ “phá” cái gì!

VinaCamera Imaging

VinaCamera.com
2008