Lại nói về ba yếu tố cơ bản: Khẩu độ, tốc độ và ISO
Aug. 02, 2011 | Kỹ thuật nhiếp ảnh, video | 77,728x | Qui định | Tham giaTrong nhiều trường hợp của cuộc sống, có nhiều điều cơ bản nói đi nói lại mãi mà vẫn không thừa, ví như lời khuyên đi xe máy phải cẩn thận, hay ăn uống phải giữ gìn bởi cái miệng của con người ta đâu phải cái sọt rác để mà muốn vứt cái gì vào thì vứt. Trong nhiếp ảnh, nhất là đối với những người mới làm quen với máy ảnh ống kính rời gương phản xạ KTS (Digital SLR), ba yếu tố cơ bản tạo ra giá trị phơi sáng của một bức ảnh cần được nhắc đi nhắc lại, nghe đi nghe lại đến khi nào không cần nghĩ đến chúng nữa mới thôi, đến khi nào nghe lại mà không thấy chán mặc dù có thể đã thuộc lòng đến không cần nghe thêm một từ nào nữa.
Vậy VinaCamera.com xin nói lại nhé! Bạn nào muốn nghe thì xem tiếp, bạn nào chán rồi thì cầm máy lên chụp vài kiểu cho đỡ xì-chét vì những điều “biết rồi, khổ lắm nói mãi”.
Một bức ảnh được tạo ra bởi việc cho phơi sáng (expose) bản phim hay cảm biến ra ngoài ánh sáng (có hình ảnh muốn chụp) – vậy mới gọi là phơi sáng. Mỗi lần phơi sáng có một giá trị ánh sáng duy nhất, được gọi là giá trị phơi sáng – nghe như chuyện trẻ con học bài vậy :), trong tiếng Anh gọi là EV (exposure value). EV là giá trị phơi sáng của một bức ảnh – hay của một lần bấm máy. Mỗi bức ảnh chỉ có một giá trị phơi sáng duy nhất, được tạo ra bởi 3 yếu tố: Khẩu độ mở, Tốc độ cửa chập và Độ nhạy ISO.
Thế rồi sao? EV (giá trị phơi sáng) được tạo ra bởi 3 yếu tố cơ bản.
1. KHẨU ĐỘ MỞ:
Là độ mở to nhỏ của lỗ điều tiết ánh sáng nằm trong ống kính.
Lỗ mở càng to thì ánh sáng lọt vào càng nhiều, và ngược lại, lỗ mở càng nhỏ thì ánh sáng lọt vào càng ít. Khả năng có thể mở to đến đâu của cái lỗ này phụ thuộc vào từng ống kính nhất định. Ống kính càng mở được to thì… đầu tiên là càng đắt tiền, và càng tạo cho nhiếp ảnh gia khả năng hoạt động linh hoạt hơn trong sáng tạo.
Để tính độ mở của lỗ điều tiết ánh sáng này (gọi là aperture trong tiếng Anh, và viết tắt là A), người ta dùng đơn vị gọi là f/stop – hay trong tiếng Việt gọi là “khẩu” cho nó ngắn gọn. Do đây là một đơn vị tính bằng hệ số, nên giá trị f/stop càng nhỏ (ví dụ f/1) thì lỗ mở càng lớn, còn giá trị f càng lớn, thì lỗ khép lại càng nhỏ (ví dụ f/22). Việc mở to lỗ ánh sáng ra – để nhiều ánh sáng lọt vào bản phim hay cảm biến quang – thường được gọi là “mở khẩu”, và thu nhỏ lỗ ánh sáng – để lượng ánh sáng đi qua lỗ vào phim/cảm biến giảm đi – được gọi là “khép khẩu”, hay “đóng khẩu”. Mở khẩu là giảm giá trị f/stop, khép/đóng khẩu là tăng giá trị f (Quả là lẩn thà, lẩn thẩn!). Giá trị f/stop của một ống kính ngày nay có thể nhỏ bằng 1 (f/1) hay thậm chí bằng 0.95 (f/0.95), tức là cái lỗ ấy cực cực lớn, nhưng chỉ đối với các loại ống kính sản xuất đặc biệt. Với các ống kính thông thường, kể cả chuyên nghiệp, khẩu mở tối đa thường chỉ ở f/2.8, đôi khi lớn tới f/2, f/1.8 hoặc f/1.4. Khẩu khép tối đa của một ống kính thường là f/22 hoặc f/32, đôi khi là f/64.
Các khẩu độ mở truyền thống của ống kính gồm (từ mở khẩu lớn tới nhỏ dần): f/1.4 – f/2 – f/2.8 – f/4 – f/5.6 – f/8 – f/11 – f/16 – f/22 – f32. Khoảng cách giữa khẩu nọ tới khẩu kế tiếp kia có giá trị bằng 1 stop, tức bằng 1 khẩu. Điều này có nghĩa là nếu đang ở f/1.4 khép/đóng khẩu vào f/2 là giảm đi 1 khẩu (với lượng ánh sáng giảm đi một nửa so với khẩu trước đó là f/1.4), từ f/2 khép vào f/2.8 lại giảm đi một khẩu nữa (lượng ánh sáng lại giảm đi 1 nửa so với f/2), f/2.8 khép xuống f/4, lại giảm đi một khẩu nữa (nửa lượng sáng của khẩu f/2.8 trước đó). Mỗi lần giảm như vậy gọi là giảm 1 khẩu. Từ f/1.4 khép xuống f/4 tức là giảm đi 3 khẩu. Cũng như vậy, nếu từ f/16 mở khẩu ra thành f/4 là tăng lên 4 khẩu. Giá trị giữa các mốc truyền thống từ f/1.4 đến f/32 như nêu trên đều hơn kém nhau 1 khẩu. “Khẩu” là đơn vị thống nhất để điều chỉnh và cả bàn luận về khẩu độ mở của ống kính và của một bức ảnh. Sau này, nhất là từ thời đại ảnh kỹ thuật số, máy ảnh kết hợp với các ống kính hiện đại hơn cho phép điều chỉnh tăng giảm với giá trị nửa hoặc một phần ba khẩu, ví dụ từ f/1.4 => f/1.6 => f/1.8 => f/2, giúp cho việc điều chỉnh khẩu độ mở có độ chính xác cao hơn (Từ f/1.4 đến f/2 là một khẩu, và f/1.4 đến f/1.6 là 1/3 khẩu).
Công năng của ống kính: Mỗi ống kính có giới hạn nhất định về khả năng mở khẩu và khép khẩu tối đa. Các ống kính cao cấp và đắt tiền cho phép mở khẩu rất lớn, giúp lượng ánh sáng vào ảnh lớn hơn, vì thế có thể chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn. Trên ống kính, giá trị khẩu độ mở thường được biểu diễn bằng các con số như 1:1.4 hay 1:3.5 (tức khả năng mở khẩu tối đa là f/1.4 hay f/3.5). Với các ống zoom (có khả năng thay đổi chiều dài tiêu cự giúp chụp xa gần hiệu quả) cũng có loại có khả năng mở khẩu tối đa và không đổi suốt dọc chiều dài tiêu cự, ví dụ ống Nikon 70-200mm f/2.8 có khả năng mở khẩu rộng f/2.8 cả ở tiêu cự 70mm cũng như ở tiêu cự dài hơn gấp gần 3 lần là 200mm. Các ống như vậy thường có giá thành và giá bán cao hơn rất nhiều so với các ống kính có khẩu độ mở tối đa thay đổi theo chiều dài tiêu cự, như ống Nikon 18-135mm f/3.5-5.6 chỉ có thể mở rộng khẩu ở f/3.5 ở tiêu cự 18mm, còn khi kéo tiêu cự (kéo zoom) ra 135mm, ống chỉ cho phép mở khẩu tối đa ở f/5.6, tương đối hẹp và kém giá trị khi chụp với tiêu cự 135mm trong điều kiện thiếu sáng, và vì vậy, các loại ống có khẩu mở tối đa thay đổi theo chiều dài tiêu cự này có giá thành rẻ hơn (hay được định giá là rẻ hơn!).
Các tác dụng và hiệu ứng liên quan tới khẩu độ mở:
- Dĩ nhiên, khẩu độ mở có tác dụng điều tiết ánh sáng nhiều hay ít cho một bức ảnh. Mở khẩu càng lớn (chỉ số f/ càng nhỏ) thì càng nhiều ánh sáng, khép khẩu các nhỏ (chỉ số f/ càng lớn) thì càng ít ánh sáng vào ảnh. Tuy nhiên, kèm theo việc điều tiết ánh sáng, đóng mở khẩu độ ống kính còn có các hiệu ứng khác về quang học dưới đây.
- Khẩu độ mở càng lớn thì chiều sâu ảnh trường (depth of filed hay DOF) càng mỏng (***), và khép khẩu càng nhỏ thì chiều sâu ảnh trường càng dày, ảnh càng nét ở mọi khu vực trên bức ảnh.
- Mở khẩu lớn, do chiều sâu ảnh trường mỏng, sẽ làm các khu vực ngoài khu vực căn nét chính bị nhòa mờ (cả các chủ thể phụ trước và sau chủ thể chính), cũng như các chủ thể phụ nằm ngang hàng với chủ thể chính nhưng ở rìa của khuôn hình.
- Khẩu mở lớn, rìa của ảnh có thể có các hiệu ứng tối dần, nhất là độ tối có thể dễ quan sát được ở các góc và mép ảnh gọi là hiện tượng tối góc/ mép ảnh (vignetting).
- Nhiếp ảnh gia đóng mở khẩu độ mở của ống kính, ngoài tác dụng tăng giảm lượng ánh sáng cho ảnh, còn có tác dụng tạo hoặc triệt tiêu các hiệu ứng nét dày/mỏng, tối góc ảnh hay sáng đều trên ảnh, cũng như tạo các vòng tròn sáng mịn và mờ ở hậu ảnh của bức ảnh – gọi là bokeh (đọc là bô-kê) và thường được vận dụng làm các công cụ giúp nhiếp ảnh gia đạt được mong muốn về độ nét, ánh sáng giữa các vùng trên ảnh, tạo giá trị nghệ thuật cho bức ảnh, ví dụ như chụp chân dung, để thu hút chú ý của người xem ảnh vào chủ thể chính được chụp (người, vật), nhiếp ảnh gia thường mong muốn mở khẩu tối đa để làm nhòa mờ các vùng ngoài, trước/ sau chủ thế.
2. TỐC ĐỘ CỬA CHẬP:
Là tốc độ đóng mở của tấm chắn sáng giữa lỗ điều tiết ánh sáng trong ống kính và bản phim hay cảm biến ảnh số.
Nếu bạn đọc những điều nêu trên về khẩu độ mở của ống kính đã thấy tương đối phức tạp, thì công nghệ máy ảnh còn phức tạp hơn nhiều do khẩu độ mở không phải là yếu tố duy nhất điều chỉnh ánh sáng cho ảnh. Ngoài việc điều tiết ánh sáng bằng khẩu độ mở, máy ảnh SLR/DSLR còn có một tấm chắn giữa ống kính và bản phim/ cảm biến ảnh số để ngăn ánh sáng. Tấm chắn này được gọi là cửa chập (hay shutter trong tiếng Anh) có tác dụng mở ra rồi đóng vào như cũ để khống chế thời gian phơi sáng của phim hay cảm biến số. Tốc độ mở rồi đóng lại của tấm chắn này thường vô cùng nhanh và được tính bằng một phần của giây (có thể là phần chục, phần trăm hay phần nghìn của giây). Cũng do mở rồi lại đóng ngay lại nên tấm này được gọi là cửa chập. Ở vị trí không chụp bình thường, của này luôn đóng để ngăn ánh sáng không xuyên tới phim hay cảm biến số.
Khi nhiếp ảnh gia bấm chụp một kiểu ảnh, tấm chắn sáng này – tức cửa chập – mở ra (rất nhanh) rồi lại đóng ngay lại (cũng rất nhanh), vì vậy chỉ cho phép phim hay cảm biến số tiếp xúc với ánh sáng trong một khoảnh khắc cực ngắn. Thời gian ngắn ngủi này được gọi là thời gian phơi sáng (tiếp xúc với ánh sáng) của một bức ảnh.
Các giá trị tốc độ cửa chập thường thấy (được tính bằng giây và phần của giây – tiếng Anh giây là second và viết tắt là s): 1s, 1/2s, 1/4s, 1/8s, 1/15s, 1/30s, 1/60s, 1/125s, 1/250s, 1/500s, 1/1000s, v.v… Ở đây có thể dễ dàng nhận thấy các mốc tính được cách nhau một khoảng (xấp xỉ) gấp đôi, hoặc chia đôi.
Điều thú vị và cả đáng kinh ngạc là các nhà chế tạo máy ảnh đã tính toán sao cho giá trị phơi sáng (EV) giữa các giá trị tăng giảm cửa chập theo cách nhân đôi hoặc chi đôi thời gian ĐÚNG BẰNG giá trị tăng giảm giữa các khẩu độ mở của ống kính, tức là chênh nhau 1 khẩu độ (xét về giá trị ánh sáng). Và vì vậy, khi tính giá trị ánh sáng được điều tiết (hay khống chế) bởi tốc độ cửa chập, người ta cũng tính bằng đơn vị khẩu (stop). Nếu tốc độ cửa chập tăng lên gấp đôi (tức một khẩu) thì lượng ánh sáng tiếp xúc với bản phim/ cảm biến số giảm đi một nửa (tức giảm 1 khẩu), và nếu tốc độ của chập giảm đi một nửa (tức một khẩu), giá trị ánh sáng sẽ tăng lên gấp đôi (tức tăng 1 khẩu).
Ngoài tác dụng điều tiết lượng ánh sáng để tạo phơi sáng phù hợp cho bức ảnh, tốc độ cửa chập còn là công cụ để tạo ra các hiệu ứng về mặt thời gian cho bức ảnh. Nếu muốn “bắt chết” một khoảnh khắc của một chủ thể đang chuyển động, một giá trị tốc độ của chập cao sẽ giúp nhiếp ảnh gia làm được điều này vì trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi của chập mở ra rồi đóng ngay lại với tốc độ hết sức cao/nhanh (ví dụ 1/1250s), sự di chuyển của chủ thể sẽ là không đáng kể và hình ảnh sẽ được “dừng lại” trong khuôn hình của nhiếp ảnh gia. Ngược lại, khi muốn ghi nhận các chuyển động với tính chất thời gian (ví dụ như tia sáng của pháo hoa từ lúc đạn pháo hoa ra khỏi nòng súng tới lúc bay lên cao và nổ bung với những ánh sáng đủ màu), nhiếp ảnh gia có thể điều chỉnh cho tốc độ của chập (mở/đóng) chậm hơn nhiều (ví dụ 1/2s, 1s, hay 3s) để toàn bộ “vết” pháo hoa được ghi lại trong khuôn hình.
Tốc độ cửa chập tạo ra các ảnh hưởng lớn trên ảnh đối với các chủ thể chuyển động, cũng như việc cầm máy không chắc, để run tay khi chụp. Ảnh chụp run tay với thời gian của chập mở ra lâu (tốc độ cửa chập mở/đóng chậm) sẽ làm hình ảnh bị nhòa vào nhau (mong muốn hay không mong muốn). Hiểu và sử dụng có chủ đích tốc độ cửa chập cũng sẽ giúp nhiếp ảnh gia chủ động tạo ra các hiệu ứng nghệ thuật trên bức ảnh.
3. ĐỘ NHẠY BẮT SÁNG ISO:
Là độ nhạy bắt ánh sáng của bản phim hay cảm biến ảnh số.
Công nghệ máy ảnh không chỉ dừng lại ở 2 yếu tố cơ bản đầu tiên là khẩu độ mở và cửa chập, mà còn càng trở nên phức tạp với khái niệm độ nhạy của bản phim (ngày nay được thay thế bằng cảm biến ảnh số trên máy ảnh DSLR).
Để hình ảnh được ghi lại trên phim, bản phim cần có khá năng bắt ánh sáng và chuyển hóa tất cả thành các giá trị nhất định (về hóa học) để khi đem tráng phim và rửa ảnh sẽ tạo ra độ sáng tối (đen/trắng) và màu sắc (phim màu) của hình ảnh. Tương tự như vậy, cảm biến ảnh số ngày nay cũng có khả năng ghi nhận ánh sáng và màu sắc , chỉ khác là sẽ chuyển thành các giá trị số hóa để ghi lại hình ảnh.
Độ nhạy bắt sáng của bản phim hay cảm biến ảnh số có khả năng giúp nhiếp ảnh gia điều tiết phơi sáng của một bức ảnh. Độ nhạy này được tính bằng giá trị ISO (trước đây là ASA hoặc DIN đều cùng như nhau). ISO càng cao thì độ nhạy (khả năng bắt sáng nhanh) càng cao, giúp cho việc tăng tốc độ cửa chập lên cao (tức giảm thời gian phơi sáng) với giá trị lớn hơn, giúp cho việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu hiệu quả hơn.
Các giá trị ISO thường được sử dụng là: ISO 100, ISO 200, ISO 400, ISO 800, ISO 1600, ISO 3200, ISO 6400, …
Ở đây lặp lại điều thú vị như trên: Giá trị ISO đã được tính toán sao cho tương đương với việc tăng lượng ánh sáng lên gấp đôi hoặc giảm lượng ánh sáng xuống còn một nửa của các giá trị kế tiếp. Vì vậy, việc điều chỉnh tăng giảm ISO cũng có thể được tính theo đơn vị khẩu. ISO 200 so với ISO 100 chênh nhau 1 khẩu, ISO 800 sẽ sáng hơn ISO 200 là 2 khẩu, v.v…
Một điều lưu ý duy nhất khi điều chỉnh ánh sáng cho ảnh dựa vào ISO là: Do công nghệ chế tạo, ISO càng lớn có ưu điểm bắt sáng càng nhạy nhưng lại gây ra càng nhiều nhiễu (noise) cho hình ảnh ghi nhận, cả ở phim và cảm biến ảnh số (ở phim là do để bắt sáng nhạy hơn thì các hạt hóa chất phải to hơn, ở cảm biến ảnh số do tốc độ bắt sáng lớn hơn thì càng bị “rơi vãi” nhiều “hạt ánh sáng hơn” – đó là VinaCamera.com xin tạm diễn đạt nôm na như vậy, xin các bạn đừng bắt bẻ về khoa học :). Chính vì điều này, trong các trường hợp chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng, sau khi đã tăng hết khả năng mở khẩu và giảm tốc độ tới ngưỡng cho phép, nhiếp ảnh gia mới phải nhờ cậy tới khả năng tăng ISO – với việc hiểu rằng ISO cao ảnh có khả năng càng bị nhiễu cao, làm giảm chất lượng ảnh, nhất là khi muốn phóng to hình ảnh sau này. ISO là yếu tố cuối cùng nhiếp ảnh gia phải vận dụng để tăng độ sáng của ảnh. Ghi chú: Với công nghệ hiện nay, các nhà chế tạo ngày càng cho ra đời nhiều cảm biến ảnh số (photo sensor) có độ nhiễu thấp ở ISO cao. Để biết được “khả năng chịu đựng” nhiễu của một máy ảnh cụ thể, các bạn cần thử nghiệm ở các ISO khác nhau và chịu khó đọc các đánh giá của giới chuyên nghiệp, từ đó sử dụng phù hợp và tự tin với yếu tố độ nhạy ISO trên máy ảnh của mình.
4. TƯƠNG TÁC GIỮA KHẨU ĐỘ MỞ – TỐC ĐỘ CỬA CHẬP – ISO
Tăng tăng, giảm giảm – tăng giảm, giảm tăng. Câu chuyện về 3 yếu tố cơ bản dường như chỉ là câu chuyện dài xoay quanh việc tăng và giảm các yếu tố này để tạo ra một bức ảnh có ánh sáng đẹp và chất lượng cao. Còn việc tăng giảm thế nào, cái nào và khi nào nên cao, khi nào nên thấp phụ thuộc chủ yếu vào kinh nghiệm, con mắt nhà nghề và tay máy, cũng như các thủ pháp nghệ thuật với sự sáng tạo không giới hạn của nhiếp ảnh gia.
Tuy vậy, VinaCamera.com cũng xin chỉ ra một vài mối quan hệ và hiệu ứng cơ bản trong cái guồng tăng giảm này như sau.
- Một bức ảnh, dù đẹp hay xấu, chỉ có một giá trị phơi sáng DUY NHẤT, hy vọng là giá trị tối ưu nhất với ý đồ thể hiện hình ảnh của người chụp. Để tạo ra một giá trị phơi sáng nhất định (mà bạn cho là phù hợp), bạn sẽ phải tăng giảm 3 yếu tố cơ bản phù hợp trong từng tình huống và mong muốn cụ thể. Nếu mong muốn giá trị phơi sáng là không đổi, tăng yếu tố này sẽ phải giảm yếu tố kia để ảnh không quá sáng và không quá tối.
- Điều may mắn là các yếu tố trên đều được tính toán với một đơn vị thống nhất là “khẩu”: Tăng một khẩu của yếu tố này sẽ phải giảm một khẩu của yếu tố kia để giá trị phơi sáng là không đổi – tức giữ nguyên độ sáng của bức ảnh.
Hãy xem các tình huống dưới đây và quan sát gợi ý về tăng giảm 3 yếu tố cơ bản minh họa để hiểu thêm về sự tương tác giữa 3 yếu tố này.
Bài viết tặng Ngọc Minh và cháu Phương.
(***) – Chiều sâu ảnh trường (depth of field / DOF) là khoảng không gian trước và sau điểm căn nét có độ nét tương đối gần như nhau, hay có thể chấp nhận được. (Xem thêm ở các bài khác trên VinaCamera.com)
VinaCamera.com
2008-2011
August 5th, 2011 at 21:36
Cảm ơn VinaCamera, bài viết quá tuyệt, đúng kiến thức mình đang tìm hiểu.
Một lần nữa xin chân thành cảm ơn
October 13th, 2011 at 14:17
Cảm ơn tác giả về những kiến thức chặt chẽ và súc tích.
November 12th, 2011 at 11:26
mình vừa sắm được con EOS 550D, đọc được bài này mình đang thắc mắc ở giá trị ISO bao nhiêu thì 550D mới bộc lộ noise lộ liễu, hoặc nói 1 cách khác là có thể chỉnh ISO đến mức nào để còn “an toàn” cho ảnh ko bị nhiễu tệ? (nếu đã tính đến thiết lập hạn chế nhiễu trong menu máy)
cảm ơn VC nhiều!
November 12th, 2011 at 18:41
@ Trường [ISO cho 550D]: Thực sự cái này còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Nếu chỉ rửa ảnh nhỏ thì ISO 1600 vẫn chấp nhận tốt. Nếu in ảnh lớn thì ISO 200-400 dường như là giới hạn. Nếu chụp chân dung bạn muốn có nhiễu giả phim ngày xưa thì ISO800 vẫn OK. Bạn sẽ phải thử nghiệm để biết được chính xác độ nhiễu bao nhiêu phù hợp với nhu cầu của chính bạn. Nếu là ảnh thời sự, bạn sẽ “hy sinh” để đặt ISO cao mà vẫn chụp được sự kiện mong muốn chẳng hạn. Cái khó là cân nhắc cho từng tình huống, vì vậy thực sự không có công thức cụ thể nào cả. Rất tiếc, tôi không có 550D để thử cụ thể hộ bạn!
November 15th, 2011 at 22:20
Cám ơn vì bài viết rất tuyệt!
Em xài Nikon D90, thường để chụp các con là chính, D90 và lens 35mm f/2D.Xin cho em hỏi, muốn chụp cho các con khi chạy nhảy, hoạt động thì chỉnh chế độ nào là tối ưu nhất.Em đang tìm hiểu các thông số, qua bài này thấy tinh thần tăng cao vì mở mang nhiều lắm! Tuy vậy, em vác máy chụp cho con, chỉnh S, làm thế nào cũng thấy nhòe, còn khi con đứng yên, tương đối là ảnh đẹp (theo tiêu chí của em thôi) Cám ơn vinacamera nhiều lắm!
November 15th, 2011 at 22:40
@ Mickey [Chụp ảnh cho trẻ em]: Trẻ em rất hiếu động, vì vậy ảnh dễ bị nhòe. Cái khó nữa là nếu tăng tốc độ lên cao, khả năng chụp trong nhà sẽ bị thiếu sáng, không thể chụp được. Giải pháp:
- Nếu chụp ngoài trời sáng, tăng tốc độ lên khoảng 1/125s hoặc hơn, chuyển máy sang chế độ căn nét liên tục (continuous focusing) để máy liên tục căn lại nét sau khi đã nhấn nửa nút chụp để bắt nét.
- Chụp trong nhà, nên bật đèn và tăng tốc lên 1/200s (không cao hơn khi dùng đèn). Nên có đèn rời để ánh sáng khỏe hơn. Đèn cóc (built-in flash) chỉ nên chụp trong phạm vi 3-4m đổ lại. Nên để đèn ở chế độ TTL (cả cóc hoặc rời) và đặt trừ sáng cho đèn khoảng -1 hoặc -0.7.
- Để trẻ em chú ý nhìn vào máy, lấy cái hoa hay đồ chơi gì đó cài vào gá đèn rời trên máy hoặc cài vào túi áo người chụp để trẻ em tập trung…
Chúc bạn có nhiều ảnh gia đình đẹp!
December 12th, 2011 at 10:15
Anh VC cho em hỏi:
-ở bài trên nói chỉnh đèn ở chế độ TTL là thế nào ạ, em mới sd Canon 550D nên em chưa hiểu.
-mới đây em chụp Dinh Thống Nhất lấy toàn cảnh + hồ phun nước (ánh sáng ban ngày), do em muốn làm cho nhòe tia nước nên em cố tình chỉnh tốc khoảng 1s, mặc dù đã khép khẩu min và ISO 100 nhưng máy vẫn báo dư sáng, trong trường hợp này mình có thể xử lý thế nào, anh VC chia sẻ với em nhé!
Cảm ơn anh nhiều!
December 12th, 2011 at 18:30
@ Trường:
- TTL (Through-The-Lens) là chế độ máy/đèn tự xác định cường độ sáng dựa vào tốc độ, khẩu độ và ISO của kiểu ảnh cũng như khoảng cách từ máy tới chủ thể.
- Dư sáng do tốc độ quá chậm, ngay cả ở khẩu hẹp nhất như f/22, f/32 và ở ISO thấp nhất vẫn thừa sáng. Do vậy người ta mới làm ra các kính giảm sáng ND (Neutral Density) để lắp vào giảm ánh sáng đi 2, 4, 8 khẩu, tùy loại kính.
- Nếu không có kính, bạn chọn lúc trời chiều tối thẫm hoặc trước bình minh để chụp.
*** Xin lỗi cho hỏi, VC là thằng nào? Nếu ai gọi bạn là Tr thì bạn cảm thấy thế nào? Để tư vấn được cho bạn, có người phải ngồi tìm kiếm và đánh máy nhiều dòng, chỉ có mỗi một cái tên, gõ đầy đủ chắc không khó lắm!
December 23rd, 2011 at 12:28
Em có một thắc mắc. Tại sao khi đáng lẽ khi mở khẩu độ lớn thì tốc độ chụp cũng phải nhanh hơn khi khẩu độ nhỏ. Nhưng tại sao em chụp trên máy 30d len 50 1.8f chụp ở chết độ Av thì khi chụp ở f/1.8 lại thấy tốc độ chụp chậm hơn so với chụp ở f/5.6?
December 24th, 2011 at 06:53
@ Việt: Trong cùng điều kiện ánh sáng và giá trị đo sáng tự động không đổi, khi mở khẩu càng lớn thì tốc độ càng nhanh do giá trị đo sáng không đổi và khẩu lớn thì tốc độ tăng nhanh để trừ vào ánh sáng khẩu đã tăng. Nếu giá trị đo sáng không đổi, ở chế độ AV, khi mở khẩu (giảm giá trị f/), tốc độ chắc chắn phải nhanh hơn.
- Trong thử nghiệm của bạn đã có một yếu tố không ổn định, khả năng là đo sáng thay đổi.
- Để thử lại, bạn chụp ở trong nhà, dưới ánh sáng đèn bình thường và đặt máy cố định, nhằm vào 1 điểm có ánh sáng cố định, chắc chắn sẽ đúng như trên.
* Ghi chú: Sử dụng các chế độ tự động hoặc bán tư động như Av, Tv, điều quan trọng nhất là khi đo sáng sử dụng chế độ nào, nhắm vào đâu để đo sáng.
February 2nd, 2012 at 18:28
anh ơi anh cho tôi hỏi tại sao tôi dùng máy ảnh canon 60d dùng thẻ clsic10 8gb khi tôi để chế độ qality thấp dung lượng khoảng 2mb/file thì thấy trên màn hình phụ cứ mãi ở số 999 chứ không lùi dần từng file như để ở chế độ qality cao mà tôi chụp ở chế độ thấp cũng đến 5 hay 6 chuc file hay là máy làm sao? máy tôi mới mua bóc hộp ở lbm
February 3rd, 2012 at 03:20
trới ơi eooi muốn đăng kí để vào diễn đàn mà thật khó vì trình độ có hạn nên chẳng biết câu trả lời người ta hỏi máy ảnh tiếng anh gọi là gì thật là đánh đố những người không biết tiếng anh
February 3rd, 2012 at 17:55
@ tien: Đó là do màn hình chỉ hiển thị được 3 chữ số, và anh để dung lượng ảnh thấp, nên thẻ chứa được trên 10000 ảnh, nhưng chỉ hiển thị được 999 chỗ còn lại. Anh cứ chụp tự nhiên, khi nào số ảnh còn lại dưới 999 thì tự nó trở lại bình thường, và sẽ lùi dần. Hiện nay số đếm cũng lùi dần nhưng vẫn còn thừa hơn 999 cái nên nó nháy báo để người dùng biết là còn nữa…
February 3rd, 2012 at 18:10
@ tiến [đăng ký diễn đàn]: Cố lên bạn ơi. Nếu là người yêu thích chụp ảnh, chắc chắn bạn biết từ đó!
:)
February 5th, 2012 at 01:24
Tooixin rất chân thành cảm ơn vinacamera đã trả lời tôi nhưng nhân đây cũng muốn bạn hiểu vì rawngf những người nhỡ nhỡ như tôi chắc cũng nhiều vì nawmnay cũng đã 60 tuổi rồi và lại ko phải là người học hành tử tế cho lắm nhưng chỉ thú chụp ảnh thôi nên ko mấy hiểu biết những ngôn từ về kĩ thuật nay tiếp xuc với những phương tiện kts thật khó khăn nên thấy trang này hay qa nhưng lắm khi chỉ muốn đăng kí vào diễn đàn cũng fair tìm tòi vài ngày chứ ko như những bạn trẻ và để đánh dc tiếng việt có dấu thì cũng mất tg qa chỉ vài dòng thế này thôi tôi cũng fair mất đến gần nử tiếng và rất cảm ơn vinacamera một lần nữa nhé. nhân đây tôi xin dc anh chỉ giùm một điều nữa là tại sao máy ảnh canon60d của tôi len18x135 mà tôi ko thực hiện dc khi muốn đặt iso ở mức 100-180 mà máy chỉ cho chụp ở iso 200 trở lên là tại sao. rất mong vinacamera trả lời giúp vì tôi thấy vina camera thật trân thành chứ thời buổi này lắm khi hỏi ngoài đời mất tiền mà còn chẳng hiu chi hết.
Chúc vinacamera cường thịnh nhé . mong hồi âm
February 5th, 2012 at 10:18
@ tien: Cảm ơn bác đã có nỗ lực gõ tiếng Việt có dấu. Mong bác thường xuyên ghé thăm.
- Dải ISO cho phép của Canon 60D là từ 100-6400, nên có thể đặt xuống dưới ISO200. Tuy nhiên, trong máy có chức năng giới hạn ISO, vậy bác cần tìm hiểu xem có cài đặt gì cho máy trước đó chưa.
- Lưu ý, ở chế độ ISO tự động (Auto ISO), máy sẽ tự điều chỉnh ISO. Để làm chủ ISO, bác cần cài đặt bỏ Auto ISO, và chuyển sang chụp ở các chế độ M, Tv, Av, P. Nếu chụp ở chế độ Auto/ Full auto thì rất có thể máy sẽ tự điều chỉnh ISO.
- Ống kính không liên quan tới việc cài đặt ISO, trừ trường hợp ở Auto ISO, do một số ống kính khẩu mở hẹp, thường thiếu sáng và máy sẽ tự nâng ISO để bù cho đủ sáng.
February 6th, 2012 at 00:28
CÀI ĐẶT CHẾ ĐỘ ISO MANUAL
Xin cảm ơn vinacamera nhiu khi cung fai mò mãm đôi chút và dùng cách
chọn lọc dần và tôi cũng đã tìm ra dc , tìm ra cũng chỉ là để đạt dc sự hiểu biết là máy có trục trặc gì ko chứ còn fair học nhiu lắm , đầu tiên là tôi rets lại máy và trở về măc định của nó và sau đó tiến hành cài từng faanf một nhưng luôn kiểm tra lại xem có thay ddoooir gì ko cuối cùng thì tôi vào cái faanf gì ý và tắt nó đi mới dc. nhưng ko có vncmr nhắc là xem có cài đặtgì ko thì tôi mới mò mẫm đc thật là KHÔNG THẦY ĐỐ M LÀM NÊN. CẢM ƠN VINACAMERA NHIU LĂM
April 30th, 2012 at 09:07
Cám ơn Vinacamera đã chia sẽ một bài viết bổ ích và hay tuyệt !!
May 7th, 2012 at 11:09
Đọc xong em thắc mắc là tăng sáng với giảm sáng EV khác thế nào so với việc điều chỉnh khẩu, tốc, iso. Khi nào thi tăng giảm EV thay cho điều chỉnh mấy thông số kia, nếu trường hợp máy thiết lập chế độ ưu tiên khẩu hay tốc thì tăng giảm EV nó có tác động vào khẩu tốc ko và nếu có thì nó tác động vào thằng ưu tiên hay thằng ko ưu tiên?
May 7th, 2012 at 13:04
@ Trần Hùng: Tăng giảm EV tức là điều chỉnh 3 yếu tố. EV là “cái” bạn mong muốn, 3 yếu tố trên là “công cụ” để đạt được “cái” bạn muốn.
- Ở bất kỳ trường hợp nào, thay đổi EV có nghĩa là thay đổi các yếu tố cơ bản trên. Thằng nào ưu tiên thì bạn tự chỉnh thủ công, thằng nào không ưu tiên thì máy sẽ tự động điều chỉnh theo ưu tiên của bạn.
May 29th, 2012 at 11:01
có công thức để tính Ev không bạn, Ev tiêu chuẩn là bao nhiêu vậy?
May 29th, 2012 at 18:00
@ Anh Đức: Như đã trả lời một số bạn, không có công thức tính EV và không có EV tiêu chuẩn. EV là giá trị phơi sáng của bức ảnh và tùy thuộc vào ánh sáng từng kiểu ảnh bạn chụp.
June 15th, 2012 at 10:51
Chào Vinacamera, A Cho e hỏi: em đang sài Nikon D90 và lens kit 18-55. Buổi đêm khi phơi sáng thì ánh đèn đường vẫn không cách nào sắt như hình “ngôi sao” được. Vậy khép khẩu như thế nào ? Có phải mình xoay xoay ống kính ra vào không anh ??? Và khẩu đó có hiện lên màn hình cho mình biết ko ??? lens 18-55 khép khẩu tối đa là bao nhiêu vậy a ? F/22 được ko ? Cám ơn anh rất nhiều.
June 15th, 2012 at 19:37
@ Lê Phúc: Nếu bạn muốn ánh đèn có hình ngôi sao, bạn cần có kính lọc ngôi sao, gọi là star filter. Nếu không, nó sẽ hiện lên rất nhiều tia, và phần nào tùy thuộc vào số lá khẩu độ trên ống kính.
- Xem ví dụ tại đây: http://www.tiffen.com/star_filters.htm
June 22nd, 2012 at 09:21
hiẹn tại em đang định mua máy nikon d5100 để phục vụ chụp ảnh thẻ và một số ảnh giải tri khác . nhưng em chưa hiểu về các thông số ghi trên máy chẳng hạn như AF-S 18-55mm . f3.5-5.6 là cái gì vậy ? những thông số này có chụp đcj ảng phòng khong? em xin cam on !
June 22nd, 2012 at 17:07
@ kiều văn diệp: Các thông số ống kính đó không ảnh hưởng gì nhiều tới việc chụp ảnh thẻ hay bất kỳ loại ảnh nào, bạn cứ yên tâm sử dụng.
June 30th, 2012 at 15:59
xin chào VinaCamera
Hiện tại em đang dùng Canon 550D , cho em hỏi nếu mình thay đổi EV thì ảnh sẽ thừa hoặc thiếu sáng phải không ạ . nhưng khi để chế độ M thì lại ko thay đổi đc ? ví dụ như mình muốn chụp nhiều ảnh để làm HDR thì mình sẽ điều chỉnh như thế nào , mong đươc Vinacamera hướng dẫn .
July 1st, 2012 at 18:51
@ quốc minh: EV là giá trị phơi sáng. Bất kỳ tổ hợp nào giữa 3 yếu tố khẩu độ + tốc độ + ISO đều cho 1 EV nhất định. Tuy nhiên, tôi hiểu là bạn đang hỏi về bù trừ sáng, bù trừ EV hay exposure compensation (+/-EV).
- Bù trừ sáng là chức năng của máy số DSLR. Chức năng này cho phép máy, sau khi đã căn sáng tự động thì cộng hoặc trừ một giá trị EV nhất định do người chụp đặt, chẳng hạn nếu bạn đặt +0.7EV thì sau khi máy bình thường đo được là f/5.6 + 1/125s sẽ cộng thêm giá trị 0.7EV bạn đã đặt. Tùy thuộc chế độ chụp mà máy xử lý, nếu ở Av (Canon) thì máy sẽ giữ nguyên f/5.6 và giảm tốc (để tăng EV) xuống 1/80s; nếu Tv (Canon) thì máy sẽ giữ nguyên tốc độ 1/125s và mở khẩu thêm thành f/4.5.
- Do máy sẽ phải điều chỉnh 1 trong 2 yếu tố tốc độ hoặc khẩu độ, nếu bạn sử dụng chế độ M thủ công hoàn toàn thì máy không còn đường nào để làm việc đó nữa. Như vậy, bù trừ EV chỉ có tác dụng ở các chế độ tự động hoàn toàn hoặc một phần như Av, Tv, P…
- Để chụp HDR với các kiểu ảnh chênh sáng, bạn nên sử dụng chế độ Av, sau đó đặt giá trị bù trừ (thường là 1 khẩu hay 1EV) rồi đặt chế độ chụp nhóm ảnh bracketing (nhiều cái liên tục) với giá trị 1EV khác nhau như trên. Số lượng ảnh bracketing tùy thuộc từng máy, thông thường là 3 ảnh. Với ví dụ trên, nếu đặt bracketing với 1EV, và ở chế độ Av, máy đo sáng được f/5.6 + 1/125s, thì khi chụp liên tục 3 kiểu sẽ cho bạn 3 ảnh là (1) đúng như đo được tức f/5.6 + 1/125s, (2) trừ 1EV tức f/5.6 + 1/250s và (3) cộng 1EV tức f/5.6 + 1/60s. Sau đó bạn về lồng ghép 3 cái lại (trên Photoshop chẳng hạn) để có 1 cái HDR.
- Lưu ý là khi chụp bracketing, bạn nên chuyển sang chế độ chụp liên tục nhiều ảnh (nhấn và giữ nút chụp 1 lần, máy tự chụp nhiều ảnh liên tục), không nên để ở chế độ chụp từng cái.
Chúc thành công.
July 2nd, 2012 at 10:04
cám ơn Vinacamera rất nhiều để mình thử xem !
July 11th, 2012 at 08:08
em đang dùng nikon d90 (mới dùng) em chụp hay dể ở chế đọ (p) như vậy em có được chỉnh khẩu độ ko ?
July 11th, 2012 at 14:16
@ diep: Bạn có thể chỉnh được, nhưng không hoàn toàn. Ở chế độ P, bạn xoay bánh xe về 2 chiều, máy sẽ CÙNG LÚC tự điều chỉnh tổ hợp tốc độ và khẩu độ tương ứng. Ví dụ, nếu đo sáng ban đầu được 1/125s + f/5.6, xoay bánh xe về một bên sẽ được: 1/60s + f/8, và về chiều kia được: 1/250s + f/4. Bạn cứ xoay như vậy đến khi khẩu độ mở bạn mong muốn hiện lên thì dừng lại.
- Lưu ý: Khẩu độ mở tối đa còn phụ thuộc vào ống kính của bạn.
July 11th, 2012 at 14:56
Em đang dùng ống 18-70 muốn chụp chân dung thi dể o bao nhiêu la hợp lý nhất ?
February 26th, 2013 at 10:32
Em đang dùng con G12 để chụp sản phẩm trang sức ,sử dụng 2 bóng compac 50W để 2 bên và hộp chụp ,thông số cài đặt máy AV ,AWB ,tăng sáng +1.3 ,Iso 80 nhưng cho ra hình nền bị xám xịt không trắng, Anh VinaCamera chỉ giúp em với làm sao chụp sản phẩm cho ra nền trắng tinh được ạ .Em cảm ơn
February 26th, 2013 at 11:25
@ vũ đình khanh: Nền sáng bị chuyển thành xám xịt là do bị thiếu sáng. Bạn tăng cường công suất hoặc số lượng đèn lên là được. Lưu ý: Đèn compact rất yếu, nếu phải chiếu xuyên qua hộp sản phẩm thì càng yếu, khả năng bạn phải dùng 12 cái trở lên. Nên dùng cùng loại để màu sắc ánh sáng đồng đều.
March 5th, 2013 at 17:33
TKS ANH VINACAMERA RẤT LÀ NHIỀU ĐÃ CẢI THIỆN ĐƯỢC PHẦN NÀO MONG MUỐN
February 12th, 2014 at 00:38
Trong đoạn “Mở khẩu độ….”
….người ta dùng đơn vị gọi là f/stop – hay trong tiếng Việt gọi là “khẩu” cho nó ngắn gọn. Do đây là một đơn vị tính bằng hệ số, nên giá trị f/stop càng nhỏ (ví dụ f/1) thì lỗ mở càng lớn, còn giá trị f càng lớn, thì lỗ khép lại càng nhỏ (ví dụ f/22).
===> sao chỗ này tui xem đi xem lại nhưng không hiểu nha! (có sự rối bởi giữa f/stop và f!!?) trong vài tài liệu dịch hình như cũng ghi như vậy thì phải! Đọc mà nhức cái đầu.
Theo tôi hiểu thi:
f/stop: tỷ số? như vậy: (f là biến, stop là một số và là min và max trên ông lens). ví dụ: trên ống kính ghi 1: 3,5 – 5,6, nếu ta chỉnh lens nhìn xa nghĩa là max = 5,6, nếu chỉnh lens để nhìn gần nghĩa là min = 3,5. Có nghĩa là f có thể chỉnh trong phạm vi từ 3,5 đến 5,6, về hướng 3,5 là mở khẩu, về hướng 5,6 là đóng khẩu.
giá trị stop càng nhỏ (ví dụ: 1) tỷ số đó càng lớn thì lỗ mở càng lớn.
giá trị stop càng lớn(ví dụ: 22) tỷ số đó càng nhỏ thì lỗ mở càng nhỏ.
Nếu sai nhờ các sư phụ chỉ giáo. (tui rất mê cái vụ chụp hình này nhưng mới tập tành thôi)
Cảm ơn
February 12th, 2014 at 22:25
@ huevi: Bạn hiểu thế là đúng rồi. Còn cách gọi thì bạn có thể gọi thế nào để hiểu là được, tỷ số mà bạn gọi . Trong giới chơi ảnh thì người ta gọi là “khẩu”.
- Ở ống kính có ghi 1:3.5-5.6 là ghi 2 giá trị khẩu độ mở lớn nhất (đều là lớn nhất) khi ở tiêu cự ngắn nhất (f/3.5) và ở tiêu cự dài nhất (f/5.6).
March 2nd, 2014 at 06:34
Cám ơn VinaCamera đã cho tôi 1 bài học rất hửu ích. Lần đầu dùng DSLR nên không biết gì cả. Cứ để Auto :D
April 13th, 2014 at 13:45
Em đang làm một đề tài nghiên cứu khoa học chụp ảnh huỳnh quang da. Trong phòng tối em dùng ánh sáng đèn led 380nnm chiếu lên da sau đó da sẽ phát quang những as nhỏ liti em dùng máy ảnh chụp lại những ánh này.Em đang dùng máy ảnh EOS 550D em phải chỉnh các thông số (khẩu độ, tốc độ, iso ) như thế nào để được ảnh rõ nét nhất. Em xin cảm ơn !
April 13th, 2014 at 19:47
@ Bạch Phi Ngọc: Phải biết được cường độ của ánh sáng phát ra mới biết nên làm thế nào để tối ưu. Hoặc bạn sẽ phải thử từng ít một.
- Ánh sáng từ da phát quang mắt thường có nhìn thấy không? Nó sáng hơn ánh đèn led bạn dùng để chiếu vào hay tối hơn? Nó phát ra liên tục hay chỉ chớp lên rồi tắt, hay phát thành tia ngắn kiểu như tia lửa hàn điện? v.v…?
April 14th, 2014 at 09:24
Cường độ ánh sáng khá yếu nhưng mắt thường có thể nhìn thấy được tùy vào loại da (da thường hay da bệnh)chổ nào có vi khuẩn thì sẽ phát quang những chấm nhỏ liti kích thước như lỗ chân lông. VÀ cho em hỏi là có phải ống kính có khẩu độ càng nhỏ thì càng mắc tiền không vì em thấy trên bảng giá loại f/1.8 II rẻ hơn nhiều so với f/2L hay f/4L và theo anh trong trường hợp này em đầu tư ống kính f/1.8 II có được không ạ. Em xin cảm ơn
April 14th, 2014 at 12:26
@ Bạch Phi Ngọc: Bạn sẽ phải thử thực tế mới rút ra kết luạn được. Nếu ánh sáng các tia sáng phát ra yếu thì phải chụp trong điều kiện ánh sáng môi trường (xung quanh, trong phòng) cũng rất yếu thì ánh sáng đó mới lên được. Khả năng là phải tắt hết đèn đi và chụp trong phòng tối.
- Ống kính có khẩu mở càng lớn (tức chỉ số khẩu f/ càng nhỏ) thì càng đắt tiền.
- Bạn sẽ cần thân máy khá tốt để có thể tăng ISO và khép khẩu vẫn có được tốc độ đủ không rung (do người bệnh nhúc nhích) vì máy tốt mới chụp được ở ISO cao mà không bị nhiễu ảnh. Máy cũng cần có tốc độ chụp liên tục (tính bằng hình/giây) cao để chụp liên tục nhiều kiểu liền để bắt kịp thời điểm phát sáng của các tia sáng đó nếu tia sáng không phát ra liên tục trong khoảng thời gian tương đối dài (như vài giây).
- Bạn cũng cần tiêu cự để có thể để máy đủ xa, không ảnh hưởng tới hoạt động khác xung quan, và lấp đầy khuôn hình khuôn mặt của người bệnh. Ví dụ, nếu ống 50mm trên thân máy crop thì khoảng cách khoảng 1m sẽ lấp đầy được khuôn mặt trong khuôn hình). Lấp đầy khuôn hình thì các chi tiết nhỏ li ti mới rõ, có thể phóng to trên ảnh để quan sát tốt được.
June 15th, 2014 at 22:31
Cảm ơn VinaCAmera vì khi xem bạn tư vấn cho mọi người , tôi cũng sáng ra nhiều điều ,Vì tôi cũng hay lẫn lộn khái niệm EV ( cứ tưởng tăng giảm ISO là bù trừ EV )
June 16th, 2014 at 12:08
@ Nguyenphuccan: Vâng. EV trong tiếng Việt thường gọi là “khẩu”, mặc dù là do ba yếu tố khẩu độ mở ống kính, tốc độ cửa chập và ISO kết hợp tạo nên. Gọi đúng thì là “giá trị phơi sáng” – Exposure Value. Tăng EV bằng cách tăng ISO, hoặc/và giảm tốc, hoặc/và mở khẩu lớn hơn. Giảm EV bằng cách giảm ISO, hoặc/và tăng tốc, hoặc và khép khẩu.
October 25th, 2014 at 01:46
Xin phép hỏi VinaCamera trong bảng Tăng giảm:khẩu độ mở,tốc độ cửa trập&ISO
Đo đúng sáng:F/5.6+1/125+ISO200=GIÁ TRỊ PHƠI SÁNG:EV=11….
Đo đúng sáng ở đây hiểu là gì ? máy tự động đo hay người sử dụng máy ảnh đo ?
Xin chân thành cảm ơn.
October 26th, 2014 at 01:58
@ Lý Bảo Ngọc: Đúng là trong ví dụ giả sử đo và cài đặt ban đầu như vậy là đúng sáng. Đúng theo bạn mong muốn.
November 23rd, 2014 at 00:52
Cảm ơn ad vì bài viết rất bổ ích ạ.
Mình cũng vừa mới làm quen với Dslr và còn nhiều bỡ ngỡ, sẽ còn phải học hỏi nhiều hơn nữa.
Ad cho mình hỏi thêm là nếu dùng cho quay phim ( dạng chân dung và chỉ focus vào nhân vật như người dẫn chương trình vậy ạ) bằng canon 60D,lens 18-35mm f/1.8 thì nên set up những thông số này như thể nào để ghi được hình ảnh chủ thể chính được rõ nét nhất ạ ?.
Mình cảm ơn
November 23rd, 2014 at 07:51
@ Trần Lan Anh: Chưa hiểu bạn nói “rõ nhất” có ý gì. Nét là do căn nét. Căn nét tự động hoặc thủ công. Kiểm tra lại máy xem có cho căn nét khi đang quay không, vì nhiều máy DSLR quay phim phải căn nét trước, khi quay chỉ căn nét tay chứ autofocus không hoạt động.
November 23rd, 2014 at 15:42
em mới học sử dụng máy DSLR và có con Nikon d90, hiện khẩu độ là f/5.6 và e muốn chỉnh khẩu xuống f/.2.8 thì làm như thế nào ạ??? máy này e đc cho nên k có hd sử dụng. mong vinacamera giúp đỡ. e cảm ơn :))
November 24th, 2014 at 09:36
@ minhhang: Nó phụ thuộc vào ống kính của bạn, không phụ thuộc vào thân máy. Bạn chơi ống gì?
November 29th, 2014 at 15:51
Cảm ơn Ad, ý mình là quay được chất lượng tối ưu nhất ạ. Nhân tiện mình cũng muốn hỏi thêm là có thể thay đồi khẩu độ khi đang ở chế độ quay không ạ ( ống của mình có f 3.5 – 5.6), nhưng nó luôn mặc định là 5.6, liệu có thể chỉnh được không ạ, mình chỉ biết chỉnh khẩu độ ở chế độ Av, còn chế độ quay thì chưa biết làm thế nào ?
Cảm ơn bạn
December 2nd, 2014 at 08:19
@ Trần Lan Anh: Không.
February 8th, 2015 at 18:42
Thanks Vina Camera.
Mình đọc nhiều bài viết mà không nhớ hết được do chưa hiểu bản chất.
Bài viết của bạn rất chi tiết, xin phép cho mình share.
Cảm ơn bạn.
April 20th, 2015 at 16:44
Phiền Vinacamera chỉ giáo dùm:tôi đang dùng Body Canon 50D (Body cũ). Ảnh chụp luôn tối hơn so với Canon 60D rất nhiều (tôi đặt cùng chế độ ISO, khẩu, tốc và sử dụng cùng 01 ống kính), muốn có ảnh sáng như 60D tôi phải đặt tốc bằng 1/2 60D (VD: 60D tôi đặt tốc 100 thì 50D tôi phải đặt tốc 50). Xin cho hỏi lý do vì sao (tôi không có Body 50D khác để thử)
Cảm ơn bạn!
May 9th, 2015 at 18:54
@ Hai Long: Thân máy nào nếu đặt cùng khẩu/tốc/ISO trong môi trường ánh sáng như nhau đều phải cho ra ảnh có ánh sáng như nhau (sai số không đáng kể).
- Bạn kiểm tra lại xem có đặt bù trừ sáng không. Khả năng là đang đặt trừ sáng.
February 3rd, 2016 at 10:52
em mới tập chơi máy ảnh. anh VinaCamera tư vấn dùm e mấy loại máy ảnh nào dể sử dụng được không ạ. cảm ơn a nhiều ạ.
February 3rd, 2016 at 22:14
@ Tai: Bạn định bỏ ra bao nhiêu tiền để chơi?
June 8th, 2016 at 06:05
Toi xin hỏi VinaCamera một câu (có thể là ngô nghê với nhiều người ) nhưng rất mong các bạn cho ý kiến tư vấn:
Toi đang dùng một lens CZ 16-70 f4 cho máy Sony A6000 crop. Khi chụp với điều kiện thiếu sáng với f chỉ là 4 tôi để ISO tự động va có cảm giác tốc độ bắt nét chậm và thậm chí out nữa. Như vậy câu hỏi của toi là liệu toi có thể tăng ISO lên tương ứng chẳng hạn là 800 hoặc hon để bù lại về f tương đương với f2 hoặc f1.8 được không nhằm đảm bảo có một EV không đổi ? Rất cảm on mọi người.
June 9th, 2016 at 10:35
@ Phan Văn Thanh: Trước khi nhấn chụp, ống kính luôn mở khẩu hết cỡ để đủ ánh sáng ngắm chụp, độ nhạy bắt nét cũng tốt hơn. Về lý thuyết thì 1 ống kính khẩu lớn sẽ giúp quá trình này tốt hơn trong điều kiện thiếu sáng. Nhưng trên thực tế, điều kiện đã thiếu sáng đến mức f/4 cũng bắt nét khó khăn thì f/1.4 cũng không khá khẩm gì hơn cả. ISO không ảnh hưởng tới quá trình bắt nét.