Sơ lược về quay phim/video bằng máy ảnh DSLR/MILC
Nov. 23, 2017 | Kỹ thuật nhiếp ảnh, video | 9,583x | Qui định | Tham giaQuay phim, quay video với máy ảnh có hại cho máy không? Có làm cửa chập hỏng nhanh không? Tốc độ mành chập, khẩu độ mở và ISO nên đặt như thế nào cho quay video? Nên đặt độ phân giải nào? là những câu hỏi thường được đặt ra với những ai muốn sử dụng máy ảnh DSLR/MILC (có gương lật và không gương lật) để quay video.
Sau đây VinaCamera.com xin giới thiệu sơ bộ nhằm giúp trả lời phần nào các câu hỏi nêu trên.
Làm nhà trình tường – Vùng núi tây bắc Việt Nam
Đầu tiên, để giải toả nỗi lo lắng của nhiều người, với câu hỏi quay video có làm nhanh hỏng của chập, mành chập hay không(?) thì câu trả lời rõ ràng là: Không.
Khi quay video, cửa chập mở ra và mành chập (cơ khí, bằng kim loại hay chất liệu khác) đứng im ở vị trí mở hoàn toàn. Điều này là cần thiết để cảm biến có thể liên tục thu nhận hình ảnh, giúp quan sát liên tục trên màn LCD (và cả trong ống ngắm EVF của MILC), cũng như cho phép quay video với tốc độ hình/giây cao 24fps, 30fps, 60fps hay cao hơn nữa. Mành chập cơ khí không thể đáp ứng được tốc độ cao như vậy.
Nếu bạn còn băn khoăn rằng, như vậy thì “tốc độ mành chập” (shutter speed) cài đặt cho quay video là gì, có phải là mành chập cơ khí không? Câu trả lời vẫn là: Không. Khi quay video, mành chập điện tử (electronic shutter) được sử dụng – nôm na là đóng, ngắt, xả “điện” liên tục – để tạo ra hiệu ứng tốc độ mành chập. Nếu vẫn chưa tin, bạn có thể ghé tai vào thân máy và lắng nghe xem trong khi quay video, máy có phát ra tiếng xoạch xoạch của mành chập như khi bạn chụp ảnh tĩnh hay không để xác nhận thêm. Tất nhiên là bạn sẽ không nghe thấy tiếng “xoạch xoạch” liên tục với tốc độ 24, 30, 60… lần / giây đâu.
Thế còn cảm biến của máy: Cảm biến có hại gì, có nhanh tã khi quay phim không?
Tất nhiên là có hại hơn với việc chỉ thỉnh thoảng chụp ảnh chút ít rồi. Các mạch điện tử, các loại màn hình, cảm biến có dòng điện đi qua đều “nóng” lên đôi chút và càng dùng nhiều đều càng có tỷ lệ xuống cấp nhất định. Tuy nhiên, tốc độ xuống cấp là không đáng kể so với quá trình xuống cấp nếu không được bảo quản tốt (để ẩm mốc, điều kiện nhiệt độ bảo quản không phù hợp, v.v…) và cũng không xuống cấp nhanh bằng tốc độ phát triển của công nghệ, khiến việc có bảo quản tốt thì thời gian sử dụng thực tế cũng giảm đối với một thiết bị cụ thể do công nghệ đã phát triển nhanh chóng khiến thiết bị đó trở nên quá lạc hậu. Vậy bạn cứ vô tư xài thôi nhé.
GIỚI THIỆU SƠ BỘ CÁC CÀI ĐẶT QUAY VIDEO TRÊN DSLR/MILC
Tốc độ hình/giây (Frame rate / Frame per second / FPS / fps)
Như các bạn đã biết, phim hay hình ảnh chuyển động (motion picture / movie) thực hiện được nhờ vào khả năng “lưu ảnh” của mắt con người. Thông thường, mắt người có thể xử lý từ 1-5 hình mỗi giây để nhận biết đó là các hình ảnh riêng biệt. Khi tốc độ hình ảnh thay đổi nhanh hơn như vậy, mắt người sẽ coi đó là chuyển động. Tốc độ hình/giây là tốc độ hình ảnh liên tục thay đổi trong một giây, tạo cảm giác chuyển động khi xem. Hình ảnh thay đổi càng nhanh thì chuyển động nhận biết càng mượt mà. Giới hạn trước đây phim truyền thống (phim nhựa) đã đặt ra là 24 hình/giây trở thành tốc độ tiêu chuẩn cho phim truyền thống. Với tốc độ này, nếu bạn có cách nào đó, ví dụ dùng phần mềm để tách các hình ảnh ra, bạn sẽ thấy mỗi giây có 24 hình (bức ảnh), mỗi bức thay đổi chút xíu so với hình trước đó, cứ thế nối liên tiếp với nhau khi được trình chiếu, tạo ra một đoạn phim, nay thêm hình thức video, nhưng khái niệm hình/giây là không đổi.
Với kỹ thuật số, số lượng hình mỗi giây có thể tăng lên 30 (đôi khi là 31), giúp hình ảnh chuyển động mượt mà hơn qui chuẩn 24 hình/giây trước đây. Vì thế, nếu muốn hình ảnh tạo “cảm giác” hơi chậm như kiểu phim truyền thống, khi quay video, ta sẽ đặt tốc độ 24 hình/giây (24fps), còn muốn hình ảnh thật mượt, tạo cảm giác hiện đại của thời đại kỹ thuật số, tốc độ 30fps là phù hợp. Cảm giác này sẽ là khó mô tả, bạn có thể xem và so sánh phim xưa với nay để rõ thêm.
Máy quay hay máy ảnh kỹ thuật số ngày nay còn cho phép quay với tốc độ cao hơn như 60fps, 120fps hay thậm chí trên 1000fps. Tuy nhiên, khi trình chiếu, tốc độ phổ biến được sử dụng là 30fps đối với các thiết bị số (TV, vi tính, v.v…) Vậy quay với tốc độ nhanh như trên để làm gì? Đó là để cho ra những đoạn phim “quay chậm”. Nói là quay chậm, nhưng thực chất là quay nhanh và rất nhanh, sau đó chiếu chậm lại chậm hơn. Tức là quay nhanh hơn tốc độ xem 24fps/30fps, rồi chiếu lại với tốc độ này, kéo dài thời gian của chuyển động trong video hơn thực tế diễn ra ngoài đời thật. Quay với tốc độ 60fps rồi chiếu lại ở tốc độ 30fps sẽ cho hình ảnh chuyển động chậm bằng 1/2 thực tế, quay với tốc độ 1000fps rồi chiếu lại với tốc độ 24/25fps sẽ cho hình ảnh chậm bằng 1/250 thực tế, thường được gọi là quay nhanh gấp 250 lần. Các ví dụ thường thấy là các video clips quay nước bắn tung lên rất chậm và đẹp mắt.
Lưu ý thêm: Khả năng quay tốc độ cao, thời lượng mỗi đoạn video không những phụ thuộc vào khả năng của thân máy, mà còn phụ thuộc vào yêu cầu về thẻ nhớ cả về tốc độ ghi dữ liệu cũng như dung lượng của thẻ. Cần kiểm tra các yêu cầu kỹ thuật để đảm bảo cài đặt hiệu quả.
Tóm tắt đặt tốc độ hình/giây (FPS):
- Đặt 24/25fps cho video tạo cảm giác phim ảnh truyền thống, phim nhựa xưa (cinema).
- Đặt 30fps cho video tạo cảm giác hiện đại kỹ thuật số.
- Đặt 60fps hay cao hơn để sau đó chiếu lại với tốc độ chậm 24/30fps cho video “quay chậm”.
Độ phân giải, chất lượng video
Cũng như ảnh tĩnh, độ phân giải (resolution) theo hai chiều của các hình (frames) trong video liên quan trực tiếp tới mức độ thể hiện chi tiết của hình ảnh, và tất nhiên còn phụ thuộc vào khả năng của thiết bị trình chiếu (TV, màn hình vi tính, máy chiếu, v.v…).
Phụ thuộc vào mục đích sử dụng và chất lượng mong muốn, các cài đặt độ phân giải khi quay video có thể rất khác nhau, và phụ thuộc cả vào khả năng của máy quay, máy ảnh dùng để quay video.
Với tỷ lệ hình ảnh quay phim thường là 16:9, các độ phân giải phổ biến là 640×480 (SD), 1280×720 (HD), 1920×1080 (Full HD, hay còn gọi là 2K), 4K (với chiều ngang xấp xỉ trên dưới 4000px và không thống nhất giữa các loại máy khác nhau), tiến tới 5K hay 8K trong tương lai. Ngoài ra, có thể có thiết bị cho phép thay đổi tỷ lệ khuôn hình như có lựa chọn tỷ lệ 3:2 hay 4:3.
Khi cài đặt độ phân giải, cần lưu ý là có thể với những độ phân giải cao, với các thân máy DSLR/MILC nhất định sẽ có giới hạn về độ dài mỗi đoạn (clip) và có thể phụ thuộc vào tốc độ đọc/ghi dữ liệu và dung lượng của thẻ nhớ được sử dụng. Do độ lớn của tệp video không chỉ phụ thuộc vào thời lượng, độ phân giải mà còn tốc độ hình/giây (framerate), định dạng nén (MOV, MP4, AVI, AVCHD,…) và cách thức nén nên dung lượng thay đổi theo từng thân máy, từ đó đòi hỏi tốc độ ghi lên thẻ nhớ cũng như đòi hỏi dung lượng thẻ khác nhau cho cùng một đơn vị thời gian ghi hình. Người dùng cần kiểm tra các thông số này để đảm bảo không bị gián đoạn khi quay video. Nếu trong khi quay, thấy có hiện tượng giật hình, nghẽn hình, đứng hình hoặc thậm chí không quay tiếp được, bạn cần kiểm tra lại các thông số yêu cầu về kỹ thuật để đáp ứng đủ (và nên dư thừa đôi chút), giúp quá trình quay video được hiệu quả.
Xem thêm bài: Thẻ nhớ và tốc độ.
Tốc độ cửa chập
Khác với cơ chế của các máy quay chuyên dụng, máy ảnh DSLR/MILC sử dụng tốc độ cửa chập vốn có để kiểm soát thời gian phơi sáng của từng hình ảnh hay “khung hình” (frame). Trước tiên, cần phân biệt để tránh nhầm lẫn giữa tốc độ cửa chập (shutter speed) với tốc độ hình/giây (framerate/fps).
Tốc độ hình/giây (fps) của video không phải là tốc độ cửa chập (shutter speed). Đây là hai cài đặt khác nhau khi quay video trên máy ảnh DSLR/MILC.
Theo thông lệ kỹ thuật, cần cài đặt tốc độ cửa chập nhanh gấp (xấp xỉ) 2 lần tốc độ hình/giây để đảm bảo hình ảnh không bị mờ nhoà do chuyển động của chủ thể (người, vật được quay video). Ví dụ, muốn quay video với tốc độ hình/giây là 24fps (hoặc 25fps), cần đặt tốc độ cửa chập là 1/50s. Quay 30fps cần đặt tốc độ của chập là 1/60s hay 50fps cần đặt 1/100s. Trong một số trường hợp cần “cắt sáng” khi quay phim ngoài trời nắng to, có thể đặt tốc độ cửa chập cao hơn gấp đôi chút ít, nhưng không nên quá cao để tránh ảnh hưởng tới các hiệu ứng hình ảnh khác.
Tất nhiên, có đôi khi, có thể bạn sẽ muốn lợi dụng hiện tượng này để chủ động đặt cửa chập chậm, tạo ra các chuyển động nhoà (có vết) thú vị cho những cảnh quay của mình. Cũng như vậy, bạn có thể thử nghiệm ở các tốc độ cửa chập cao để đem đến những cảnh quanh đặc sắc như nhiều tay máy chuyên nghiệp đã từng làm.
Khẩu độ mở
Cũng như trong chụp ảnh, khẩu độ mở điều tiết lượng ánh sáng cũng như ảnh hưởng tới chiều sâu ảnh trường (DOF) trong quay video, từ đó ảnh hưởng qua lại tới việc cài đặt tốc độ cửa chập và ISO. Tuy nhiên, việc có thể sử dụng các ống kính thông dụng để tạo DOF mỏng, giúp xoá phông để tạo sự tập trung của người xem vào “nhân vật chính” cũng như các hiệu ứng nghệ thuật chính là sự hấp dẫn khiến nhiều người muốn sử dụng DSLR/MILC để quay video.
Nhắc thêm về DOF nếu bạn chưa biết hoặc chưa rõ: Khẩu độ mở của ống kính ảnh hưởng tới chiều sâu ảnh trường, tức tương quan độ nét giữa các điểm được căn nét chính và các khu vực trước và sau các điểm căn nét chính (so với máy ảnh). Khẩu độ mở hẹp (chỉ số f/ lớn như f/8, f/11 cho ảnh trường có chiều sâu hơn, giúp mọi vật trong khuôn hình đều nét; ngược lại, khẩu độ mở lớn (f/1.4, f/1.8, f/2, f/2.8) cho ảnh trường nông, kết hợp với khoảng cách chụp (từ máy tới chủ thể) ngắn sẽ giúp là nhoà mờ hậu cảnh, tạo tính nghệ thuật cho những khuôn hình đặc biệt. Vận dụng khẩu độ mở to nhỏ trong quay video cũng như cách ta vận dụng trong chụp ảnh. Chỉ lưu ý là, với ảnh trường rất mỏng khi đặt khẩu độ mở lớn, việc căn nét (trước/ tự động liên tục) cần được thực hiện cẩn trọng hơn, tránh để mất nét những khu vực hình ảnh cần nét nhất. Nên kiểm tra kỹ các tính năng căn nét tự động của thân máy và ống kính đang sử dụng để hiểu rõ các hạn chế, giúp sử dụng hiệu quả cho quay video.
Độ nhạy ISO
Về ISO, do tính chất xem video khác với xem (và với nhiều người là soi) ảnh, quay video thường có xu hướng chấp nhận mức ISO cao hơn so với chụp ảnh tĩnh. Đây nhiều khi cũng là đòi hỏi bắt buộc do cần tốc độ của chập nhanh ngay cả khi quay trong điều kiện thiếu sáng nên cần tăng ISO lên cao để đảm bảo đủ sáng.
Cũng như với chụp ảnh, ISO càng cao thì khả năng hình ảnh bị nhiễu (noise) cũng tăng lên, vì vậy người sử dụng nên thử nghiệm xem với thân máy cụ thể đang có, mức ISO nào có thể chấp nhận được cho quay video để điều chỉnh hợp lý. Hãy thử nghiệm ở ISO500, ISO1000, và lần lượt tới rất cao như ISO6400 hoặc cao hơn ở các máy cao cấp.
Các lưu ý khác
Có một điều tôi hay để ý ở nhiều người không phải chuyên nghiệp khi quay video (cả bằng máy quay chuyên dụng và DSLR/MILC) là thường quay liên tục những đoạn rất dài cả chục phút hoặc hết khả năng cho phép của DSLR/MILC (thường là 30 phút). Đây là điều nên thay đổi.
Trừ các trường hợp quay tư liệu hội thảo, hội nghị hay các loại tư liệu khác, quay video để sau đó dựng lại thành các video clips thú vị, bạn chỉ nên quay mỗi đoạn với thời lượng ngắn.
Như nhiều bạn có thể đã biết, trong các video (hay phim ảnh nói chung) chuyên nghiệp, để tạo thú vị, tránh làm người xem nhàm chán, tận dụng lợi thế của hình ảnh chuyển động (motion picture), cảnh quay thường thay đổi nhanh từ góc này sáng góc khác, kết hợp nhiều hoạt động khác nhau được lồng ghép vào nhau. Nếu xem phim, hay ngay cả các chương trình phóng sự, nếu bạn tinh ý có thể thấy cảnh quay chỉ kéo dài thông thường là 3 giây, nhiều lắm cũng chỉ 10 giây gì đó. Chính vì thế, bạn không cần quay những đoạn liên tục thật dài, mà có thể ngắt nghỉ, quay thành nhiều đoạn ngắn với góc máy thay đổi để sau đó có thể dễ dàng tìm kiếm, cắt dựng thành video clip hoàn chỉnh một cách dễ dàng hơn. Các đoạn video ngắn cũng cho dung lượng ngắn, dễ lưu trữ trong quá trình quay, và dễ mở hơn trên máy tính khi dựng video.
So sánh lợi hại quay video giữa máy quay chuyên dụng camcorder với máy ảnh DSLR/MILC
Cảm biến
DSLR/MILC có cảm biến lớn hơn nhiều các loại máy quay video thông thường, nhất là trong cùng tầm giá. Điều này cho phép máy ảnh lợi thế hơn khi có thể đạt chất lượng cao khi quay trong điều kiện thiếu sáng so với các máy quay phổ thông.
Thời lượng video
Máy ảnh, do nhiều hạn chế về kỹ thuật, giá thành cũng như khung thuế, có thời lượng cho mỗi đoạn video ngắn hơn nhiều so với máy quay chuyên dụng, thường dài nhất chỉ là 30 phút. Đây là điểm yếu của máy ảnh khi quay tư liệu cần thời gian dài, nhưng nếu biết xử lý cũng như hiểu được tính chất chuyển cảnh khi dựng phim/video, đây cũng không phải là bất lợi quá lớn đối với DSLR/MILC trong quay video.
Âm thanh
Thông thường, các máy quay chuyên dụng cho chất lượng âm thanh tốt hơn, cũng như có đầy đủ các giắc cắm micro ngoài được thiết kế hợp lý giúp bảo đảm khả năng ghi âm tốt hơn nhiều so với DSLR/MILC. Trừ các trường hợp quay hình về rồi chỉ lồng nhạc, nếu muốn đảm bảo lời thoại trong video được rõ nét với âm sắc trung thực, bạn sẽ thấy DSLR/MILC không phải là lựa chọn để quay video như vậy, và có thể bạn sẽ phải sử dụng thiết bị ghi âm rời (cả bộ) để ghi âm cho chuẩn, và mất nhiều thời gian để khớp tiếng trong quá trình dựng video.
Căn nét tự động và zoom
Đây là khác biệt lớn nhất giữa máy ảnh và máy quay chuyên dụng, và đáng tiếc là cho tới nay tình hình chưa được cải thiện nhiều. Máy ảnh đặc biệt “khó tính” khi căn nét liên tục trong quay video, độ chính xác thấp cũng như tốc độ căn nét chậm là yếu điểm lớn của DSLR/MILC (kết hợp với các ống kính chụp ảnh), đặc biệt với các thân máy tầm trung giá rẻ. Do khả năng bắt nét tự động hạn chế, kết hợp với thiết kế để chụp ảnh nên các ống kính chụp ảnh rất khó zoom mà bảo đảm được hình ảnh nét và chuyển mượt, nhất là khi cầm máy trên tay. Vì thế, nên hạn chế sử dụng các tiểu xảo hình ảnh như đối với máy quay video chuyên dụng. Nên đặt máy lên chân, căn nét sơ bộ trước, quay từng cảnh ngắn trước khi chuyển góc hay thế máy khác…
Kính lọc
Khác với máy quay chuyên dụng thường có hệ thống kính lọc cắt sáng tích hợp sẵn giúp đảm bảo điều tiết ánh sáng tốt khi quay video ngoài trời nắng to, DSLR/MILC, với tốc độ của chập chỉ nên tăng lên gấp đôi hoặc hơn chút ít tốc độ hình/giây (tức chỉ khoảng 1/50s hay 1/60s khi quay thông thường 1/24s hay 1/30fps, sẽ gặp các vấn đề về cắt sáng nếu muốn tạo ảnh trường mỏng và phải mở khẩu lớn. Tuy nhiên, người sử dụng vẫn có thể dùng thêm các kính lọc ND rời như trong chụp ảnh, mặc dù sẽ phải tháo lắp hơn bất tiện khi t hay đổi cảnh quay giữa các chỗ có ánh sáng khác nhau.
Ống kính
Dùng để quay video, DSLR/MILC tận dụng được các ống kính giá thành không cao nhưng vẫn có khả năng xoá phông, zoom xa cho chất lượng cao. Ngược lại, với các máy quay video chuyên dụng camcorder, thường được lắp các ống zoom liền cho khả năng zoom lớn hơn, tiện dụng hơn, nhưng chất lượng và hiệu ứng không bằng các ống kính chụp ảnh, còn nếu chơi các loại máy quay chuyên nghiệp với ống kính rời cũng chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy có một khoảng cách “rất xa” về giá cả mà nhiều khi phải đầu tư kinh doanh nghiêm túc mới dám nghĩ tới. Đây có thể nói là một lợi thế của DSLR/MILC trong quay video nghiệp dư, du lịch.
Cầm nắm
Tất nhiên, với công dụng chính là để quay video, các máy camcorder có thiết kế phù hợp hơn nhiều so với DSLR/MILC về mặt cầm nắm, việc đặt máy để quay ở các góc máy khác nhau cũng tiện dụng hơn nhiều. Vì thế, khi dùng DSLR/MILC để quay video, bạn nên tính toán trước nên cầm máy, đặt máy hay bố trí như thế nào để quay được những góc quay mong muốn, giúp chuẩn bị phụ kiện tốt hơn trước khi ra “phim trường’.
Xem thêm:
- Cài đặt tối ưu khi quay video với Canon DSLR
- Giới thiệu: Cài đặt cơ bản quay phim bằng DSLR
Sau đây là 2 video hướng dẫn cài đặt (tiếng Anh).
Cài đặt tối ưu cho quay video
Best DSLR Settings for Video
Bí quyết kỹ thuật quay video bằng DSLR
The Top Secret DSLR Video Techniques, Tips And Tricks
__________________________
* DSLR (Digital Single-Lens Reflex): Máy ảnh ống kính đơn phản xạ, có gương lật và ống kính rời.
* MILC (Mirrorless Interchangeable Lens Camera): Máy ảnh không gương lật ống kính rời.
VinaCamera.com
2008-2017
★ ★ ★ ★ ★