Thuật ngữ – ký hiệu ống kính các hãng
Oct. 01, 2008 | Thuật ngữ - Giải thích | 34,123x | Qui định | Tham giaLENS GLOSSARY – TERMINOLOGY – ABBREVIATIONS
Thuật ngữ & ký hiệu ống kính
Canon | Nikon | Pentax | Sigma | Tamron | Tokina | Fujifilm | Sony | Leica
Các thuật ngữ – ký hiệu chung
1. Ký hiệu tiêu cự MM (mi-li-mét). Trên mọi ống kính đều có chỉ số tiêu cự của ống kính tính bằng mi-li-mét (mm).
- Tiêu cự của ống kính càng ngắn thì góc ảnh càng rộng, và ngược lại, tiêu cự càng dài thì góc ảnh càng hẹp.
- Ống kính có tiêu cự khoảng 50mm là các ống kính tiêu chuẩn (có góc ảnh giống với mắt người nhất). Ống kính có tiêu cự rất ngắn (ví dụ 20mm) thường được gọi là các ống kính góc rộng. Các ống kính góc rộng thường được sử dụng để chụp phong cảnh, nhóm nhiều người. Các ống kính tiêu cự dài được gọi là các ống tele, dùng để chụp xa (cận cảnh chủ thể). Ống kính có tiêu cự trong khoảng 70mm đến 200mm thường được dùng để chụp chân dung do góc hẹp giúp loại bỏ được các chi tiết thừa ở hậu cảnh.
- Nếu ống kính chỉ có 1 chỉ số tiêu cự, ví dụ 50mm, hay 85mm, ống kính đó là một ống kính tiêu cự cố định (còn gọi là ống fixed). Với các ống tiêu cự cố định, để thay đổi khuôn hình, người chụp sẽ phải tiến gần hoặc ra xa chủ thể muốn chụp (hay được gọi vui là zoom bằng chân).
- Nếu ống kính có 2 chỉ số tiêu cự, ví dụ 18-55mm hay 70-200mm, ống kính đó là một ống có zoom (đọc là /dum/). Ống kính zoom tạo thuận lợi trong việc thay đổi khuôn hình bằng cách zoom ra (thu nhiều không gian chủ thể hơn) hay zoom vào (chụp cận cảnh chủ thể hơn).
2. Ký hiệu khẩu độ mở 1:[chỉ số]. Trên mọi ống kính đều có ký hiệu cho biết khẩu độ mở lớn tối đa của ống kính. Khẩu độ mở được tính bằng đơn vị f/stop (gọi là “khẩu” trong tiếng Việt). Ví dụ, trên ống kính ghi 1:2.8 tức ống kính có khẩu độ mở lớn tối đa là f/2.8 – ống kính này cũng thường được biểu diễn bằng cách ghi f/2.8. Khẩu độ mở tối đa càng lớn thì ống kính càng có thể giúp chụp ảnh phù hợp trong các điều kiện ánh sáng yếu, cũng như giúp “xóa phông” tốt hơn.
- Nếu ống kính có một chỉ số khẩu độ mở, ví dụ f/2.8 hay f/4, ống kính sẽ là ống kính có khẩu độ mở lớn tối đa không đổi, còn được dân chơi ảnh gọi là ống kính 1 khẩu cố định. Nếu ống kính 1 khẩu là ống zoom sẽ cho phép mở khẩu tối đa ở mọi tiêu cự khi zoom dài ra hoặc zoom ngắn lại.
- Nếu ống kính có hai chỉ số khẩu độ mở, ví dụ 1:3.5-5.6 (hay cách khác là f/3.5-5.6), ống kính sẽ có khẩu độ mở lớn tối đa thay đổi, hay còn gọi là ống kính đa khẩu hoặc 2 khẩu. Đây thường là các ống zoom mà khi zoom ra vào sẽ thay đổi khẩu độ mở lớn tối đa. Ví dụ ống kính 18-55mm f/3.5-5.6 sẽ cho phép mở khẩu lớn tối đa ở 18mm nhưng khi zoom dài tới 55mm thì khẩu mở lớn tối đa có thể mở được chỉ là f/5.6.
- Ống kính còn có khẩu mở hẹp tối đa. Nếu trên ống kính có vòng điều chỉnh khẩu độ, thông số này là giá trị lớn nhất trên vòng khẩu độ. Tuy nhiên, trên nhiều thân ống kính đời mới không có vòng khẩu độ và không ghi rõ giá trị khẩu độ hẹp tối đa (ví dụ f/22 hay f/32) mà phải đọc thông số này trên bảng thông số chi tiết của ống ở tài liệu hướng dẫn sử dụng. Điều này cũng nói lên phần nào rằng khi lựa chọn ống kính người ta chỉ quan tâm nhiều tới khẩu độ mở lớn tối đa chứ không quan trọng khẩu độ mở hẹp tối đa của ống kính.
* Đôi khi, trên 1 ống kính nhất định còn có ký hiệu T/stop. Khác với f/stop là một chỉ số mang tính lý thuyết để xác định độ mở lớn nhỏ của lỗ điều tiết ánh sáng, với khả năng sai số (thường tối đa khoảng 1/3 khẩu) do nhiều yếu tố như chất lượng thấu kính, mức độ tán xạ, v.v… T/stop là chỉ số chuyền dẫn ánh sáng (T = transmission) và được đo đạc chính để xác định lượng ánh sáng thực tế đi qua thấu kính (và đi tới cảm biến). Các ống kính khác nhau ở cùng khẩu độ mở f/stop, và ngay cả ở cùng tiêu cự cũng có thể có T/stop khác nhau.
3. Khoảng cách căn nét gần nhất. Mỗi ống kính đều có giới hạn khoảng cách (từ ống kính tới chủ thể cần chụp) mà ống kính có thể căn nét. Ký hiệu này biểu diễn bằng mi-li-mét (mm) hoặc mét (m). Đây là khoảng cách gần nhất (giữa ống kính và chủ thể) ống kính có thể lấy nét, nếu gần hơn sẽ không thể lấy nét được. Ví dụ, ống kính có ký hiệu ∞ – 1.5m là ống kính có khả năng căn nét gần nhất ở 1.5m (cho tới vô cực). Ống kính càng có khả năng căn nét gần hơn càng giúp chụp được chủ thể bé to hơn trên ảnh, ví dụ các ống kính macro/micro cho phép chụp các vật thể ở gần vài chục mm.
4. Chỉ số đường kính kính lọc. Chỉ số này được biểu diễn bằng ký hiệu “phi” φ và cho biết đường kính lắp kính lọc là bao nhiêu. Ví dụ ống kính có chỉ số φ77mm sẽ cho phép lắp kính lọc φ77mm.
Đây chỉ là các ký hiệu chung của mọi ống kính. Mỗi ống kính còn có rất nhiều các thông số và ký hiệu khác như có hay không có chống rung, có gắn mô-tơ căn nét trên thân ống hay không, có cơ chế căn nét trong hay không, v.v… và mỗi hãng lại có cách đánh ký hiệu và sử dụng các thuật ngữ khác nhau. Để biết chi tiết về một ống kính cụ thể, mời các bạn lựa chọn hãng ống kính cụ thể liệt kê tại đây.
Canon | Nikon | Pentax | Sigma | Tamron | Tokina | Fujifilm | Sony | Leica
Gửi phản hồi và đặt câu hỏi về các thuật ngữ chưa có trong danh sách để được giải thích thêm.
VinaCamera.com
2008-2016
October 8th, 2012 at 09:33
Sao ko có các thông số của loại ống kính Olympus1 nhỉ? Ở VN ít người dùng quá hay sao vậy?
October 8th, 2012 at 20:18
@ Trần Nam San: Đúng rùi bạn à. VN toàn chơi DSLR Nikon và Canon là chính, các loại khác giờ ít người chơi nên ít có thông tin. Mong bạn thông cảm.
June 28th, 2015 at 14:57
chào anh cho em hởi tại sao khi lấy nét máy không bao và không nghe tieng bíp bíp khi lấy nét vậy anh, em dang xai máy Nikon d 90
June 28th, 2015 at 15:37
@ khởi: Kiểm tra xem có tắt tiếng bip không. Ngoài ra, còn có thể đặt khi nào không căn nét được thì không cho chụp, bảo đảm phải có nét mới bấm chụp được.
- Để ở chế độ căn nét tay thủ công thì máy cũng không báo gì cả.
August 24th, 2015 at 10:55
Chào bạn! Mình đang dùng máy Nikon D5300, vui lòng tư vấn cho mình mua một ống kính chụp phong cảnh. Cám ơn bạn
August 25th, 2015 at 10:38
@ Huỳnh Ngọc Xuân: Bạn chọn ống nào góc rộng là được, ví dụ Tokina 11-16mm f/2.8. Tamron hay Sigma 17-50mm f/2.8 cũng chụp phong cảnh tốt.