Các chế độ đo sáng (metering) trên máy ảnh KTS
Nov. 17, 2009 | Thuật ngữ - Giải thích, Thập Cẩm | 32,272x | Qui định | Tham giaCÁC CHẾ ĐỘ ĐO SÁNG TRÊN MÁY KTS

Giải thích các thuật ngữ căn sáng (metering)
1/ Evaluative metering
2/ Spot metering
3/ Partial metering
4/ Center-weighted average metering
Thuật ngữ tiếng Anh metering trong nhiếp ảnh nhằm chỉ chế độ đo (hay căn) ánh sáng cho bức ảnh để xác định độ phơi sáng (exposure) của một bức ảnh. Có nhiều điểm căn sáng và số lượng tùy thuộc từng dòng máy và đời máy. Do cả bức ảnh chỉ có thể thể hiện theo một giá trị phơi sáng duy nhất (tức là cả bức ảnh chỉ có 1 giá trị kết hợp giữa khẩu độ mở f và tốc độ cửa chập) nên cần cân nhắc ưu tiên điểm nào hay khu vực nào cần có ánh sáng tốt nhất trong bức ảnh, vì thế có nhiều chế độ đo sáng. Các chế độ đo sáng thông thường trên máy ảnh số:
1. Evaluative: (đo theo đánh giá chung) – Ở chế độ này (còn gọi là matrix), máy đo sáng ở nhiều điểm khác nhau trong khung hình rồi chia giá trị thành các nhóm khu vực để xác định độ sáng tốt nhất cho từng khu vực trên bức ảnh rồi chia trung bình. Sử dụng phù hợp khi muốn bức ảnh sáng đều trên toàn khuôn hình.
2. Spot: (đo một điểm) – Ở chế độ này, máy đo sáng ở một điểm nhỏ khoảng 5% khuôn hình trở xuống xung quanh điểm căn sáng chính và không (đúng hơn là ít) quan tâm tới các khu vực khác trong khuông hình. Sử dụng phù hợp khi muốn tập trung thể hiện một điểm (~5%) trên khuôn hình như phần mặt trên ảnh chân dung bán thân. Ánh sáng ở “điểm” này sẽ chuẩn nhất, các phần khác sẽ là thứ yếu.
3. Partial: (cục bộ / một phần) – Ở chế độ này, máy đo ánh sáng ở khoảng rộng diện tích khoảng 10-15% khuôn hình xung quanh điểm căn sáng chính và lấy giá trị trung bình (rộng hơn so với Spot). Sử dụng phù hợp khi cần ánh sáng điều hòa tốt ở một phần tỷ lệ như nêu trên trong bức ảnh.
4. Center-weighted: (đo trung tâm) – Ở chế độ này, máy đo toàn bộ khuôn hình nhưng ưu tiên khu vực khoảng 60-80% diện tích trung tâm bức ảnh và lấy ánh sáng trung bình. Phù hợp với việc cần có ánh sáng tốt nhất cho khu vực rộng ở trung tâm bức ảnh như chụp chân dung, nhóm người, cảnh vật nói chung. Đây là chế độ thông dụng nhất và thường lấy làm chế độ mặc định của nhà sản xuất.
VinaCamera.com
2008-2009
November 18th, 2009 at 20:22
Với hầu hết máy ảnh KTS, cả DSLR, khi điểm căn nét và ánh sáng là điểm trung tâm khuôn hình thì tốc độ xử lý của máy bao giờ cũng nhanh hơn (căn nét nhanh hơn). Để tận dụng tính chất này, bạn có thể sử dụng điểm trung tâm khi căn nét rồi lấy lại khuôn hình, hay còn gọi là bố cục lại bức ảnh (recompose) rồi mới bấm máy. Để làm được như vậy bạn cần cài đặt cho khóa AF/AE trên máy.
Trước tiên, ta cần hiểu cơ chế của nút chụp (release button), tức nút bấm chụp của máy KTS.
Nút bấm chụp của máy KTS được thiết kế có 2 nửa. Khi bấm một nửa đầu, máy sẽ xử lý các yếu tố như căn nét tự động (AF = automatic focus) và căn sáng tự động (AE = automatic exposure), sau đó, khi bấm nốt nửa còn lại của nút chụp, máy mới thực hiện thao tác chụp (đóng mở cửa chập theo chế độ vừa xác định ở nửa nút trước).
Tuy nhiên, khi giữ nửa nút đầu và lia ống kính đi chỗ khác với chỗ ban đầu muốn chụp, máy tiếp tục điều chỉnh căn nét và ánh sáng. Từ đó sinh ra chức năng KHÓA các chế độ này để nhiếp ảnh gia có thể sử dụng linh hoạt hơn.
Khi chưa khóa AF/AE, nếu giữ nửa nút và lia ống kính máy tiếp tục điều chỉnh như nói ở trên cho đến khi bấm nửa còn lại thực hiện thao tác chụp. Khi khóa AF/AE (AE/AE Lock), máy lấy giá trị ban đầu khi bấm nửa nút và giữ nguyên giá trị này cho tới khi bấm nửa phần còn lại mặc cho ống kính có chĩa vào chỗ khác đi nữa.
Ở phần lớn các máy KTS DSLR đều có thể cài đặt khóa cả AF và AE hoặc chỉ khóa một yếu tố AF hay AE. Tùy vào từng mục đích và từng kiểu ảnh, bạn sẽ phải cài đặt 2 khóa này cho phù hợp.
Khóa cả AF/AE: Bấm nửa nút máy căn nét và lấy ánh sáng, khi di chuyển điểm ngắm ra chỗ khác máy vẫn giữ nguyên giá trị AF/AE cho tới khi bấm nửa nút còn lại
Khóa AF, không khóa AE: Bấm nửa nút, máy căn nét và giữ nguyên giá trị căn nét, giá trị AE ánh sáng thay đổi theo điểm hay khu vực di chuyển ống kính khi bấm nửa nút còn lại để chụp. Giá trị AE của bức ảnh chính là giá trị của khu vực đo sáng cuối cùng khi bấm hết nấc nút chụp.
Khóa AE, không khóa AF: Bấm nửa nút, máy căn ánh sáng và giữ nguyên giá trị phơi sáng. Giá trị căn nét thay đổi theo điểm di chuyển ống kính tới khi bấm nửa nút chụp còn lại – Xoạch!
Ngoài ra, nếu bạn đặt máy ở chế độ căn sáng thủ công thì giá trị AE sẽ được đặt thủ công theo các chỉ số khẩu độ mở F và tốc độ cửa chập tùy ý nhiếp ảnh gia. Chức năng căn sáng tự động AE lúc này không hoạt động nữa chỉ còn lại chức năng căn nét tự động AF.
Đặt máy ở chế độ thủ công hòan toàn (chuyển chế độ sang MANUAL cả ở căn nét và căn sáng) thì bạn hòan toàn làm chủ các yếu tố. Lúc này bạn sẽ phải tự xoay ống kính để căn nét, tự đặt khẩu độ mở F và tốc độ cửa chập.
VinaCamera.com
2008-2009
September 27th, 2011 at 01:54
“Khóa AF, không khóa AE: Bấm nửa nút, máy căn nét và giữ nguyên giá trị căn nét, giá trị AE ánh sáng thay đổi theo điểm hay khu vực di chuyển ống kính khi bấm nửa nút còn lại để chụp. Giá trị AE của bức ảnh chính là giá trị của khu vực đo sáng cuối cùng khi bấm hết nấc nút chụp.
Khóa AE, không khóa AF: Bấm nửa nút, máy căn ánh sáng và giữ nguyên giá trị phơi sáng. Giá trị căn nét thay đổi theo điểm di chuyển ống kính tới khi bấm nửa nút chụp còn lại – Xoạch! ”
Em thật sự không hiểu cách sử dụng . Em thấy cả 2 đều bấm nữa nút mặc dù chức năng khác nhau . Mong vinacamera giải đáp dùm em không ạ .
Em chân thành cảm ơn
February 27th, 2013 at 14:39
một cái là khóa nét, không khóa đo sáng thì giá trị nét đc giữ từ lúc bấm nửa nút đến khi “xoạch”. sáng thì đc lưu tại thời điểm “xoạch”
một cái thì ngược lại
March 18th, 2013 at 17:16
Chào Vinacamera! Cho em hỏi là trong khi chụp chân dung, ta nên sử dụng đo sáng spot hay center? Và Vinacamera có thể nói rõ hơn cách sử dụng các chế độ đo sáng như là trong trường hợp chụp nào thì nên dùng đo sáng nào.
March 18th, 2013 at 18:38
@ Tùng: Đo sáng ở chế độ nào thì mục đích cuối cùng cũng là đo đúng sáng (đúng theo ý đồ thể hiện của bạn).
- Nếu các vùng khác nhau trong khuôn hình có ánh sáng tương đối đồng đều, bạn có thể sử dụng chế độ center (hoặc matrix/evaluative) để đo sáng.
- Nếu các vùng khác nhau trong khuôn hình có ánh sáng mạnh, yếu, trung bình lẫn lộn, bạn nên sử dụng chế độ spot và đo vào điểm bạn muốn đúng sáng nhất. Ví dụ chụp chân dung, nếu bạn muốn khuôn mặt đúng sáng, bạn sẽ đo vào khuôn mặt Hay trong trường hợp chụp ngược sáng, hậu cảnh có nguồn sáng mạnh hơn chủ thể (người được chụp) thì bạn dùng spot sẽ cho phép đo đúng sáng của chủ thể – điều này cũng có nghĩa bạn sẽ phải “hy sinh” các vùng không ưu tiên để có ánh sáng vừa đúng nhất cho vùng ưu tiên trong khuôn hình. Bạn cũng có thể dùng spot đo vào hậu cảnh để tạo những bức ảnh bóng đen chủ thể như ảnh ví dụ sau.
- Nói tóm lại, đo bằng spot giúp bạn đo vào một điểm nhỏ và làm chủ hoàn toàn ánh sáng theo mong muốn thể hiện trên bức ảnh.
March 19th, 2013 at 18:18
Cảm ơn Vinacamera! Nhân tiện sắp tới em có đi chụp áo dài, Vinacamera có thể giúp em một vài kinh nghiệm khi chụp áo dài. Em dự định chụp trong chùa và ngoài đường có hàng cây :), em nên dùng lens nào trong hai lens sau 70-200 và 24-70?
March 19th, 2013 at 19:33
@ Tùng: Câu trả lời có vẻ như ba phải, nhưng là thực tế: Bạn cần cả 2 ống.
- Để chụp chân dung nửa người và phần đầu, bạn sẽ cần 70-200mm, đặc biệt nếu muốn xóa phông mù mịt
- Để chụp cả người, và sáng tạo các bố cục với phông nền hậu cảnh rộng lớn (nếu cảnh đẹp), bạn sẽ cần 24-70mm hơn. Nếu sử dụng thân máy crop cảm biến nhỏ, thậm chí bạn còn cần góc rộng hơn 24mm.
- Ngoài ra tiêu cự nào còn phụ thuộc vào không gian ngoại cảnh bạn chụp. Ví dụ, nếu muốn lấy nhiều hậu cảnh mà không thể lùi xa được (như sẽ phải đứng ra giữa đường có xe cộ đi lại tấp nập) hay chụp lấy cả mái chùa cong cong ở trên cao, thì bạn sẽ cần các tiêu cự ngắn và rất có thể 24-70mm sẽ phù hợp hơn.
March 19th, 2013 at 22:23
cảm ơn Vinacamera :) giờ em rõ hơn nhiều rồi!
March 20th, 2013 at 17:56
Vinacamera cho em hỏi về cách dùng AE-L/AF-L trên máy Nikon. Khi em ấn 1/2 nút chụp để lấy nét rồi em ấn AE-L/AF-L để khóa, nhưng khi em di chuyển ống kính ra chỗ khác thì máy vẫn tiếp tục lấy nét. Em có phải giữ hay chỉ ấn rồi thả AE-L/AF-L khi khóa nét không? Em dùng D700 :)
February 25th, 2017 at 22:59
Chú ơi, có cái link của vinacamera nói về đo sáng khu vực nào sẽ cho kết quả ra sao ah chú, có 3 hình cái bụi tre và cổng chùa mà cháu kiếm hoài ko thấy, chú giúp cháu với, cháu đá bookmark mà vẫn ko thấy?