Kỹ thuật căn siêu nét (hyperfocal focusing)
Oct. 29, 2008 | Kỹ thuật nhiếp ảnh, video | 28,739x | Qui định | Tham giaHyperfocal Focusing
Khi chụp phong cảnh, làm thế nào để có thể căn nét căng đối với mọi đối tượng trong khuôn hình? Nói cách khác: Làm thế nào để tăng tối đa chiều sâu (DOF/ depth of field) trung bình của các đối tượng được chụp?
Điều này có thể thực hiện được với các ống góc rộng (wide-angle lens) và có tiêu cự ngắn, ví dụ 20mm hay 35mm, khi chụp phong cảnh đặt khẩu độ mở nhỏ (nhằm tăng chiều sâu của ảnh) – phổ biến ở các khẩu độ f/11, f/16 và f/22 – bằng cách sử dụng kỹ thuật hyperfocal focusing (xin tạm dịch là “căn siêu nét”). Lưu ý, không thể căn nét với DOF cực sâu đối với các ống tiêu cự dài bởi những ống này không được thiết kế cho mục đích như vậy.
Kỹ thuật căn siêu nét giúp cân bằng độ nét cao ở mức tối đa đối với các đối tượng “xa và gần”. Một số nhiếp ảnh gia cho rằng đặt tiêu cự ở vô cùng (kí hiệu: ∞) sẽ căn nét được tất cả mọi đối tượng trong ảnh phong cảnh. Xét tương đối, điều này là đúng. Tuy nhiên, với tiêu cự đặt ở vô cùng, các đối tượng ở tiền cảnh vẫn có thể dễ dàng bị mất nét. Như vậy, nguyên tắc đặt vô cùng như nêu trên không hoàn toàn chính xác.
Ống kính: Các thông số và điểm căn siêu nét
Thông thường chụp ảnh phong cảnh, các đối tượng chụp thường có khoảng cách rất xa máy ảnh (cự ly rất lớn), và thường đòi hỏi phải đặt tiêu cự ở vô cùng để lấy nét và đặt khẩu độ mở nhỏ (chỉ số f-number lớn, thường là f/11, f/16 hay f/22) nhằm tăng tối đa chiều sâu của ảnh để các đối tượng trong ảnh có độ nét như nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, chiều sâu ảnh trường thường mở rộng thêm 1/3 về phía trước cự ly lấy nét (tức là gần máy ảnh hơn so với điểm căn nét chính) và 2/3 về phía sau điểm nét (tức là xa máy ảnh hơn). Như vậy, nếu đặt tiêu cự ở vô cùng, ta sẽ “lãng phí” một khoảng cho nét cao ở sau đó (nếu lấy nét ở điểm vô cùng thì khoảng này phần lớn sẽ nằm ngoài khuôn hình đang ngắm chụp – quá xa không thể nhìn thấy trong khuôn hình).
Vì vậy, điều nên làm ở đây là “lùi” cự ly căn nét lại một chút về điểm trước điểm vô cùng để bảo đảm toàn bộ khoảng nét nằm trọn trong khuôn hình. Nếu trên ống kính của bạn có thước độ sâu (DOF scale), hãy sử dụng thước này để điều chỉnh ký hiệu vô cùng về giá trị bằng giá trị khẩu độ mở đang đặt, ví du: Khẩu độ đặt ở f/22 > xoay ký hiệu vô cùng về thẳng hàng với số 22 trên thước độ sâu; khẩu độ mở f/16 > xoay về số 16; khẩu độ mở f/11 > xoay về số 11. Cách làm này cho độ nét cao nhất với f/22, tuy nhiên ở f/16 và f/11, độ nét trung bình giữa các đối tượng xa gần cũng được cải thiện rất nhiều so với đặt tiêu cự ở vô cùng.
Đối với các ống kính không có thước độ sâu, bạn có thể dùng công thức để tính toán ra tiêu cự siêu nét, hoặc tốt nhất là dùng các bảng qui đổi siêu nét có rất sẵn trong các tài liệu nhiếp ảnh và trên mạng internet. Các bảng qui đổi này cũng giúp bạn căn nét chuẩn hơn do đã tính toán tới các yếu tố ảnh hưởng tới chiều sâu ảnh và căn nét: Góc ống kính càng rộng thì tiêu cự càng ngắn và chiều sâu càng lớn, ví dụ ống 18mm sẽ có chiều sâu lớn hơn ở ống 105mm; khẩu độ mở càng nhỏ cang làm tăng chiều sâu, ví dụ khẩu độ mở f/16 sẽ cho chiều sâu lớn hơn nhiều so với f/5.6.
Bảng qui đổi cự ly và tiêu cự siêu nét (Áp dụng với máy toàn khổ Full-frame/FX)
Bạn cũng có thể tự tính toán cự ly căn nét giúp tăng tối đa chiều sâu ảnh trường (hyperfocal distance) bằng công thức sau:
Hyperfocal Distance = [ F * F / ( f/n * CoC) ] + F
- Trong đó: F là tiêu cự sử dụng (focal length), f/n là khẩu độ sử dụng (f-number), CoC là khuyên tán xạ, thường sử dụng chỉ số 0.025 hoặc 0.019 (có sai số chút ít).
TÓM TẮT: ĐỐI VỚI MỘT TIÊU CỰ NHẤT ĐỊNH Ở MỘT KHẨU ĐỘ MỞ NHẤT ĐỊNH CŨNG CÓ MỘT KHOẢNG CÁCH CHỤP GIÚP TĂNG TỐI ĐA CHIỀU SÂU ẢNH TRƯỜNG. ĐÓ LÀ KHOẢNG CÁCH (ĐIỂM) CĂN SIÊU NÉT – CĂN NÉT VÀO “ĐIỂM” ĐÓ CHO ẢNH TRƯỜNG TỐI ƯU, TỨC TẤT CẢ MỌI VẬT THỂ TỪ ĐIỂM ĐÓ TỚI VÔ CÙNG (BACKGROUND) ĐỀU NÉT, VÀ KHOẢNG NÉT TỪ ĐIỂM ĐÓ TRỞ VỀ MÁY ẢNH (FOREGROUND) LÀ LỚN NHẤT.
Với máy ảnh kỹ thuật số sử dụng ống kính không có vòng điều chỉnh khẩu độ mở – và không có thước chiều sâu (DOF scale), bạn cần chuyển về chế độ căn nét thủ công (manual) hoặc chế độ ưu tiên khẩu độ mở (apature priority) – thường ký hiệu là A hoặc Av – rồi đặt khẩu độ mở ở các giá trị f/11, f/16 hay f/22, v.v… trên thân máy. Sau đó áp dụng cách làm như nêu trên dựa vào bảng tính toán.
Đối với các ống không có vòng tiêu cự thì không thể làm được điều này. Tuy nhiên, với thực tế khoảng nét mở rộng về phía trước điểm nét 1/3 và về phía sau 2/3, bạn có thể sử dụng qui tắc căn nét ở vị trí đường ngang cách đáy khuôn hình 1/3 để đạt được độ nét chiều sâu tối đa cho bức ảnh phong cảnh của bạn. Qui tắc căn nét ở 1/3 từ đáy khuôn hình lên này cũng được nhiều nhiếp ảnh gia phong cảnh áp dụng rộng rãi.
Ảnh: WinVista Beta
* GHI CHÚ: Có nơi gọi kỹ thuật này là “căn nét tối ưu”, nơi khác lại gọi là “căn nét vượt tiêu”, đều là hyperfocal focusing trong tiếng Anh.
VinaCamera.com
2008-2012
January 27th, 2011 at 06:12
Hyper-Focal Focusing – điều này thọat đầu nghe có vẻ “có lý” nhưng thực chất ra chỉ là trên Lý Thuyết ! Vì thực chất trong khỏang tác động của DOF thì sẽ có vị trí rõ nét nhất (nơi focus chính) và độ rõ nét giảm dần từ “Tâm” này theo hình vòng tròn xa Tâm. Vì vậy qui tắc 1/3 trước và 2/3 sau chỉ nên dùng trong vài trường hợp,vd: 1 hàng người, hàng cây … mà khi đó các đối tượng “giống nhau”, có độ ưu tiên ngang nhau. Còn trong ảnh phong cảnh thì không nên dùng nguyên tắc này, vì theo nguyên tắc ưu tiên của Bố Cục thì những vật thể chính nằm ở vị trí “Điểm Mạnh” sẽ được người xem focus và săm soi nhiều hơn. Cụ thể trong ảnh ví dụ của Tác giả, nếu áp dụng nguyên tắc “1/3 trước” để mong có Dof trải dài tòan ảnh thì như vậy, chủ thể chính là Tảnh núi đá nằm ở 1/3 sau bên Trái sẽ kém nét hơn Tảng đá ở Tiền Cảnh
January 28th, 2011 at 08:59
Cảm ơn bạn bimsu đã bổ sung thông tin. Tất cả mọi nguyên tắc đều chỉ là lý thuyết và cần áp dụng sáng tạo theo cách riêng của từng người chụp và từng bức ảnh, hay nói cách khác cần biết qui tắc, biết cách trước khi định “phá cách”. Nguyên tắc hyper-focal này cũng không có giá trị lắm nếu ảnh có DOF rất mỏng. Nguyên tắc này phù hợp nhất trong chụp phong cảnh nếu muốn toàn bộ khuôn hình có độ nét ngang nhau (cũng chỉ là tương đối).
August 11th, 2011 at 20:39
bác cho em hỏi chút dấu chấm đỏ trên số 4 trên thang DOF là để làm gì a???ở các ống kính nikon MF đều có dấu này
August 11th, 2011 at 20:59
Theo tôi vừa tìm hiểu, cái dấu đỏ đó được sử dụng hỗ trợ chụp hồng ngoại (infrared/ IR). Khi chụp hồng ngoại cần lắp kính lọc hồng ngoại (kính này cản mọi tia sáng mắt thường nhìn thấy được) nên không thể ngắm và căn nét chụp được (tia sáng không phản xạ vào gương lật và không truyền lên ống ngắm), nên cần sử dụng cái chấm đỏ đó để căn nét. Cái chấm này gọi là infrared index mark (chỉ dấu chụp hồng ngoại). Chụp hồng ngoại cần có phim hay cảm biến bắt tia hồng ngoại. Khi chụp hồng ngoại, phải ngắm nét trước khi lắp kính lọc hồng ngoại, sau đó lắp kính này vào và chụp; nhưng do nếu mở khẩu quá lớn thì sẽ có sai lệch về độ nét giữa ngắm trước khi lắp kính và độ nét sau khi lắp kính; dẫn tới chấm (hoặc vạch) đỏ đó đánh dấu khẩu mở tối đa cho phép mà vẫn bảo đảm độ nét (như khi ngắm không có kính lọc hồng ngoại) ??!!!
- Hy vọng là thông tin này chính xác! Tôi sẽ tìm hiểu thêm và trả lời bổ sung sau.
April 1st, 2013 at 17:02
Xin Vinacamera cho em biết căn siêu nét trên lens k có thước dof và có cửa sổ tiêu cự căn nét thì khi căn siêu nét theo trị số trong bảng cự ly siêu nét tức là xoay vòng lấy nét sao cho tiêu cự lấy nét ở cùng trị số trên bảng trùng với cái vạch căn nét (thường là màu trắng) thao tác như vậy có đúng k ạ?
April 1st, 2013 at 18:24
@ Xe Đẩy: Bạn lắp ống kính vào thân máy, đặt lên một chiếc xe nhỏ (ví dụ xe nôi), đẩy từ chỗ đứng chụp tới chỗ chủ thể muốn chụp,. vừa đẩy vừa đếm bước chân, rồi kéo lùi về sau 2/3 số bước chân đã đếm được và đánh dấu điểm đó (ví dụ bằng một cái cờ nhỏ). Tiếp theo, kéo lùi xe về điểm xuất phát (chỗ đứng chụp), căn nét vào điểm đã đánh dấu (cái cờ) sẽ đạt được độ nét cực căng.
- Lưu ý: Hướng ống kính xuống mặt đất trong quá trình đẩy xe.