10 Câu hỏi nên cân nhắc khi chụp ảnh kỹ thuật số
Oct. 28, 2008 | Kỹ thuật nhiếp ảnh, video | 6,403x | Qui định | Tham giaMáy ảnh kỹ thuật số, kể cả các máy cao cấp ống kính rời DSLR, hiện đã trở nên hết sức phổ biến khiến số lượng người chơi ảnh gia tăng nhanh chóng. Để có được một bức ảnh đẹp có nhiều vấn đề kỹ thuật cần giải quyết; bên cạnh đó, nhiều khi vấn đề lại nằm ở bố cục của bức ảnh. Sau đây là 10 câu hỏi bạn nên tự đặt ra và trả lời mỗi khi giơ máy lên chụp.
1. Bức ảnh muốn nói lên điều gì?
Đây là một câu hỏi quan trọng giúp bạn đưa ra quyết định phù hợp về giải pháp kỹ thuật như bố cục, cúp hình, phơi sáng, v.v… Trước khi bấm nút chụp, bạn nên tự hỏi xem “mình chụp bức ảnh này để làm gì?”. Mục đích của bức ảnh và ý nghĩa bạn muốn chuyển tới người xem là gì. Có phải bức ảnh chỉ đơn thuần là ghi lại một khoảnh khắc, hay ghi lại cảm giác về khoảnh khắc đó, liệu bức ảnh này có đem khoe với người khác được không, bức ảnh có liên quan tới các bức ảnh khác tạo thành một loạt ảnh được không, và nhiều câu hỏi tương tự.
2. Tiêu điểm của bức ảnh là gì?
Khi xem, người xem sẽ chú ý tới chỗ nào trên bức ảnh? Bạn muốn hướng người xem vào đâu trong ảnh? Khi đã quyết định được tiêu điểm của bức ảnh, bạn nên cân nhắc thêm nên đặt tiêu điểm vào chỗ nào trong khuôn hình, có nên áp dụng Qui tắc một phần ba không, v.v…
3. Các tiêu điểm phụ trong ảnh là gì?
Sau khi đã xác định được tiêu điểm chính của một bức ảnh, bạn lại cần cân nhắc thêm về các tiêu điểm phụ có thể khiến người xem chú ý. Hãy quan sát khuôn hình xem liệu có tiêu điểm phụ nào làm phân tán sự chú ý của người xem hay không, cần thêm các tiêu điểm phụ ở đâu để tạo thêm chiều sâu cho ảnh, nên thêm bớt tiêu điểm phụ hay không, v.v… Nếu trong khuôn hình của bạn có hai ba tiêu điểm chính, cũng nên xem xét chụp nhiều bức, mỗi bực tập trung vào một tiêu điểm.
4. Hậu cảnh và tiền cảnh như thế nào?
Một trong những điểm làm một bức ảnh bị phân tán chính là các hình ảnh ở tiền cảnh và hậu cảnh. Bạn nên quan sát kỹ các đối tượng ở tiền cảnh và hậu cảnh rơi vào trong khuôn hình đang ngắm chụp. Cân nhắc xem có nên để hậu cảnh hay tiền cảnh, hay cả hai, nét căng hay nhòa mờ (Lưu ý: tiền cảnh nhòa thường làm nhức mắt khi xem).
5. Cự ly chụp đã đủ gần chưa?
Một trong những lỗi người chụp ảnh kỹ thuật số hay mắc phải đó là chủ thể của bức ảnh quá nhỏ do đứng quá xa để chụp. Chủ thể hiển thị đầy khuôn hình thường tạo cho bức ảnh những nét hấp dẫn hơn và thể hiện được nhiều chi tiết hơn. Để khắc phục điều này, bạn cần đứng gần vào chủ thể hơn nữa, hoặc tăng tiêu cự (focal length / zoom in) kéo chủ thể vào đầy khuôn hình đang ngắm chụp.
6. Nguồn sáng chính là gì?
Luôn luôn phải cân nhắc hướng các nguồn sáng. Thiếu sáng sẽ làm cho đối tượng muốn chụp bị mất chi tiết và độ nét trong ảnh thành phẩm, hơn nữa làm cho máy ảnh phải tự bù sáng bằng các biện pháp như tăng độ nhạy ISO (làm ảnh bị sạn vả rỗ hơn) cũng như phải giảm tốc độ (dẫn đến rung nhòe hình). Hãy quan sát nguồn sáng chính và các nguồn sáng phụ, cường độ đủ hay thiếu, có cần bật đèn flash hỗ trợ hay không, có nên đặt máy lên chân máy chụp để chống rung hay không, v.v…
7. Khuôn hình có ngay ngắn hay không?
Điều đáng nói là có rất nhiều bức ảnh kỹ thuật số đáng ra rất đẹp lại trở thành ảnh vứt đi vì các đối tượng trong ảnh bị xiên xẹo, đổ ngang đổ ngửa hay lệch vẹo chướng mắt. Các hiện tượng như đường chân trời xiên xẹo, người hay các tòa nhà, khung cửa trong ảnh đổ nghiêng ngả, luôn cần được chú ý khắc phục.
8. Nên tạo phối cảnh thế nào?
Tham khảo ảnh của cả chục người chụp ảnh kỹ thuật số trước một quang cảnh nhất định, người ta dễ dàng nhận thấy họ đều sử dụng các góc máy giống hệt nhau và ảnh của họ hoàn toàn giống nhau về phối cảnh. Để có được những bức ảnh độc đáo khác lạ, bạn nên thử nghiệm đặt máy theo các góc máy khác nhau, đôi khi là phá cách ít nhiều, để tạo phối cảnh sáng tạo và độc đáo.
9. Nên cầm máy như thế nào?
Nhiều người chụp ảnh luôn có thói quen cầm máy theo cùng một kiểu nhất định, ví dụ chụp phong cảnh thì cầm máy nằm ngang, chân dung thì chụp dọc). Ngoài những kiểu cầm máy thông thường, bạn nên thử thay đổi kiểu cầm máy để tạo được những góc máy cho ảnh đẹp hơn. Đừng quên cầm máy các kiểu khác nhau như nghiêng phải, nghiêng trái, v.v… phù hợp với từng chủ thể và đối tượng muốn chụp.
10. Bố cục đường nét, hình khối nên như thế nào?
Có một thực tế là khi bạn chụp một bức ảnh, bạn ngắm chụp với một khuôn hình cố định, trong khi đó, người xem ảnh lại có xu hướng rõi theo các đường nét và tập trung chú ý tới các hình khối và màu sắc trong bức ảnh. Vì vậy, cần cân nhắc tất cả các yếu tố này khi bấm máy để tạo ra những bức ảnh đặc sắc.
Mỗi lần giơ máy và ngắm chụp, bạn nên thử trả lời 10 câu hỏi trên, và có thể nhiều câu hỏi khác nữa, để có được những bức ảnh có giá trị. Sau một thời gian tự hỏi và tự trả lời như vậy, các câu trả lời sẽ ngấm vào tay máy của bạn, và bạn sẽ chụp được những bức ảnh đẹp hơn một cách hết sức tự nhiên.
Theo Digital Photography School
VinaCamera.com
2008
December 5th, 2011 at 19:29
Xin Anh Vina Giải thích dùm ký hiệu trên OK nikon 16-85mm như sau :Normal_Active .Trong trường hợp nào thì chọn 1 trong 2 chức năng đó..Xin cảm ơn Anh
December 5th, 2011 at 20:04
@ thanhliemabc: Trên ống Nikon 16-85mm – và ống Nikon có chống rung nói chung, NORMAL là chế độ chống rung thông thường (từ NORMAL có nghĩa là THÔNG THƯỜNG), sử dụng khi đứng ở các vị trí tĩnh; ACTIVE là chống rung tăng cường, sử dụng khi đứng/ngồi chụp trên các vật hay phương tiện mà bản thân nó cũng rung lắc như ngồi trên ô-tô, xe máy. Đa phần trường hợp bạn sẽ sử dụng NORMAL.
December 7th, 2011 at 17:56
Có thông tin :Nikon D800 sẻ bán ở Việt Nam vào cuối năm 2011..thí vụ (chỉ là thí dụ thôi ).Tiền bạc không thành vấn đề thì Anh VINA cho lời khuyên có nên mua không ? Tôi rất đam mê công nghệ mới và xin Anh cho một lời khuyên chân tình .Cãm ơn Anh trước
December 7th, 2011 at 20:40
@ thanhliemabc: Tin đồn về Nikon D800 chắc hẳn là có thực. D800 sẽ là người kế nhiệm vượt trội của D700, với cảm biến toàn khổ full-frame, được trang bị cảm biến 36MP và có chức năng quay video, vốn không có ở D700. Nghe nói đây là nỗ lực cạnh tranh của Nikon đối với Canon 5D Mark II (cũng có quay video). Còn bao giờ về Việt Nam thì xin chịu, nhưng chắc không lâu sau khi được tung ra bán ở các thị trường khác vì VN hiện cũng cập nhật thị trường rất nhanh, nhất là hàng xách tay…
- Giá chắc sẽ cao ngất ngưởng. Nếu bạn sẵn ngân lượng thì nên mua chiếc đầu tiên về Việt Nam cho nó sành điệu :)
- Nhưng cái đáng nói là đây có thể sẽ là thời điểm để mua D700 vì có thể sẽ xuống giá đối với ai từng nỗ lực “điên cuồng” chơi full-frame nhưng chưa thể chi tiêu cuồng điên được!
+ Riêng cá nhân tôi thì cho rằng, chơi cái gì thì chuyên vào cái đó. Chụp ảnh là chụp ảnh, quay video thì mua máy quay xịn. Chả chơi lẫn lộn, sử dụng không hết chức năng, vừa khó điều khiển, vừa thừa, lại có thể làm các chức năng chính chóng xuống cấp hơn (Cảm biến càng phơi sáng nhiều càng xuống cấp nhanh về chất lượng và độ bền). Còn nếu bạn thích All-in-One, tại sao lại lưỡng lự nhỉ…:D
D800 links:
http://www.wired.com/gadgetlab/2011/11/photos-nikon-d800-leaked/
http://www.nikon-d800.net/
December 8th, 2011 at 20:18
Được tiếp xúc với Anh VINA tôi cãm thấy rất gần gủi và thân thiện..cám ơn những ý kiến chân thành của Anh..hy vọng một ngày Anh tổ chức một ngày họp mặt thành viên ..rất mong được gặp Anh..
December 22nd, 2011 at 19:29
Chào Anh VINA trên trang Web :suntechvina.com có giới thiệu máy in ảnh .Thí vụ như máy in ảnh :KODAK 605 Photo Printer giá 28.500.000 vnđ .Tôi rất muốn mua ,nhưng không biết chất lượng có đáp ứng được như một mini lap không ..chẳng hạn như rọi hình cưới 13×18 ..và giá thành trên một tấm ảnh là bao nhiêu..Kiến thức của Anh VINA có thể giúp tôi và các anh em khác củng đang có nhu cầu như trên ,,Cãm ơn Anh trước .rất mong được Anh hướng dẩn
November 18th, 2013 at 09:24
Chào anh Liêm
Hiện nay CTY Việt Hồng là nhà phân phối độc quyền máy in ảnh KODAK 605 tại Việt Nam, anh có thể liên hệ lại em theo số 0935414633 để em tư vấn cho anh.