Hãng máy ảnh Nikon đã gần như cùng lúc tung ra thị trường 3 đời máy ảnh ống kính đơn gương lật phản xạ (DSLR) mới là D610, D5300 và DF. Trong khi D610 chỉ đơn thuần là đời máy nâng cấp của D600 với những tính năng cũng như khắc phục các lỗi của đời D600 (mà đáng nhẽ D600 đã phải sở hữu), cũng như D5300 là chiếc máy nâng cấp của đời máy D5200 dành cho người mới nhập môn, Nikon DF lại là một chiếc máy khác hẳn và hết sức thú vị. VinaCamera.com xin giời thiệu sơ bộ chiếc Nikon Df này.

VinaCamera Imaging

Trước tiên, có thể thấy DF có dáng vẻ hoài cổ của những chiếc máy cơ thời máy phim “xưa”, với nóc máy được bố trí các vòng bánh xe điều khiển dáng vẻ của một chiếc máy cơ. Bên trái có 2 lớp bánh xe điều kiển chồng lên nhau, lớp dưới điều khiển độ nhạy ISO từ ISO100 tới ISO12800 (với giá trị mở rộng thấp hơn là L1 ISO50 và cao hơn là H1-H4), và bánh xe lớp trên điều khiển bù từ sáng với giá trị tối đa +/-3 khẩu. Cả 2 vòng điểu khiển đều có lẫy và nút khoá tránh bánh xe xoay ngoài ý muốn.

Sát bên tay phải là bánh xe điều khiển các chế độ chụp, với 4 chế độ M (thủ công hoàn toàn), A (ưu tiên khẩu độ), S (ưu tiên tốc độ) và P (lập trình). Không có các chế độ tự động hoàn toàn như ở các dòng máy DLSR thấp cấp hơn.

Ngay sát chân cắm đèn rời, là bánh xe điều khiển tốc độ chụp (tốc độ cửa chập) với giá trị thấp nhất là 4 giây (4s) và cao nhất là 1/4000 giây (1/4000s), cộng thêm chế độ B (Bulk) bấm giữ nút tuỳ biến, T (Time) đặt theo thời gian và X đồng bộ đèn chớp flash. Ở chế độ 1/3 STEPS cho phép điều khiển độ chính xác của tốc độ tới 1/3 khẩu.

Nút nhấn chụp trên nóc máy, phía tay phải có chỗ gắn dây bấm ngoài như các máy ảnh cơ thời xưa, và có thể dùng với dây bấm ngoài “cổ xưa” như vậy.

Nikon DF có cảm biến 16.2MP và thừa hưởng hầu như mọi công nghệ có trên chiếc máy ảnh chuyên nghiệp “màu cờ sắc áo” của Nikon là chiếc Nikon D4. Thân sau, thân 2 bên của chiếc DF bố trí tương tự như tất cả các dòng máy DSLR khác của Nikon. Phía trước thân, bên tay trái là lẫy đặt chế độ căn nét AF/MF chuyển căn nét tự động và căn nét thủ công, ở giữa là nút điều chỉnh các chế độ căn nét (nhấn và giữ nút này, kèm xoay bánh xe) qua các chế độ căn nét tự động đa điểm, 1 điểm cũng như vùng căn nét căn nét tĩnh AF-S, căn nét liên tục AF-C và tự động hoàn toàn AF.

Nikon DF có gá lắp ống kính F-Mount tương thích với gần như mọi loại ống kính của Nikon (trừ khoảng 3 ống) – tất nhiên không phải ống kính nào cũng tương thích hoàn toàn về chức năng.

Một điểm hơn khác với các máy Nikon DSLR khác là bánh xe điều khiển ở mặt trước của thân máy nằm dọc áp trên thân trước chứ không nằm ngang như bánh xe sau. Và như thường thấy, bên trái thân trước còn có nút BKT (Bracketing) chụp nhóm ảnh (sử dụng kết hợp với bánh xe).

Phía sau thân, cạnh bánh xe điều khiển bên tay phải có 2 nút thông thường la nút khoá sáng/ khoá nét AE-L/AF-L và nút khoá căn nét AF-ON tiện lợi cho mọi thói quen sử dụng.

Thân sau, kèm với màn hình LCD 3,2 inch hiển thị bảng điều khiển đầy đủ, là hàng loạt nút điều khiển như vẫn thấy trên các máy Nikon DSLR, cũng như nút 4 chiều giúp tiếp cận hệ thống menu nhanh chóng, tiện lợi (Lưu ý: Nút 4 chiều được sử dụng điều chỉnh điểm căn nét khi căn nét 1 điểm, với nút OK có thể sử dụng để đưa điểm căn nét nhanh chóng về vị trí trung tâm).

Nikon DF có cấu trúc thân máy vững chắc, chống chịu va đập và tác động của thời tiết như chiếc Nikon D4 chuyên nghiệp (Nikon DF không có chức năng quay video và không dành cho người muốn quay video bằng máy ảnh DSLR).

Với cảm biến CMOS lớn toàn khổ FX nhưng chỉ có độ phân giải 16.2MP với phần mềm EXPEED 3 (tương đương của Nikon D4), tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc chụp ảnh trong điều kiện ánh sáng yếu vẫn có thể kiểm soát nhiều (noise) ở ISO cao, cộng thêm hình thức thiết kế hoài cổ, Nikon DF là một chiếc máy ảnh DSLR rất mạnh và hấp dẫn nhiều người ưa thích máy ảnh DSLR Nikon.

Cập nhật:

Gợi ý ai nên chơi Nikon DF

Với giá khởi điểm khoảng 2.700 USD, Nikon DF không phải là một đồ chơi rẻ tiền. Vậy bạn có nên chơi Nikon DF?

  • Nếu là người đã chơi DLSR và không phải lo nghĩ về mặt tài chính, chắc chắn bạn là người nên chơi Nikon DF để có thể sở hữu một chiếc DSLR tính năng mạnh và có dáng vẻ “tay chơi”.
  • Nếu bạn mới chơi DSLR và chưa nắm được đầy đủ các tính năng của một máy ảnh DSLR cũng như công dụng của các tính năng đó, có thể bạn sẽ không nên chơi Nikon DF vì máy này không có các chức năng tự động hoàn toàn. Bạn nên chơi các dòng máy đơn giản hơn (cũng như rẻ hơn) để dần nhập môn.
  • Nếu bạn có ý định đổi chiếc DSLR hiện có hoặc sắm thêm, thì Nikon DF là chiếc máy phù hợp hơn với chụp ảnh chân dung, đặc biệt ở điều kiện ánh sáng yếu như trong nhà, chụp thể thao trong nhà và các trường hợp khác đòi hỏi cảm biến toàn khổ với khả năng nhiễu thấp ở ISO cao.
  • Và tất nhiên, nếu bạn chỉ đơn thuần yêu thích dáng vẻ hoài cổ của chiếc Nikon DF và “nhà có điều kiện”, bạn cũng nên “tự thưởng” cho mình 1 chiếc DF ngay khi nó xuất hiện trên giá của các cửa hàng trong nước.

VinaCamera Imaging

VinaCamera Imaging

VinaCamera Imaging

VinaCamera.com
2008-2013