Ống kính: Chi tiết và nhóm (elements & groups)
Oct. 02, 2008 | Thuật ngữ - Giải thích | 5,273x | Qui định | Tham giaKhi mua sắm ống kính cho máy ảnh, nhiều người bối rối trước những thông số kỹ thuật của ống kính, đặc biệt là thông số về số lượng chi tiết (elements) và nhóm (group). Nhìn chung mọi người đều hiểu rằng có càng nhiều chi tiết và nhóm thì ống kính càng tốt. Nhưng thực chất những thông số này nói lên điều gì?
Trước tiên, chúng ta hãy làm quen với khái niệm chi tiết (elements). Thông số chi tiết cho biết ống kính có bao nhiêu thấu kính riêng lẻ được sử dụng để chế tạo ra ống kính đó. Mỗi thấu kính là một “miếng” kính (thủy tinh, nhựa hay vật liệu tổng hợp) được đúc và đánh bóng với độ chính xác cao dưới sự hỗ trợ của máy vi tính nhằm phục vụ một mục đích nhất định nào đó như hội tụ ánh sáng đi qua thấu kính theo một cách thức mong muốn, hay hỗ trợ khắc phục hiện tượng biến dạng sánh sáng do một chi tiết khác gây ra. Các chi tiết hay thấu kính này là các miếng kính có hình dáng giống các kính lúp hay kính mắt thông thường. Chế tạo ống kính / thấu kính chất lượng cao, đặc biệt là các loại ống zoom hiện đại, đòi hỏi một qui trình công nghệ hết sức phức tạp. Nhà thiết kế ống kính thường phải sử dụng một số thấu kính để chế tạo ra một ống kính.
Một nhóm các chi tiết bao gồm nhiều chi tiết kính được ghép chặt với nhau sử dụng keo trong suốt và tạo thành một hệ thống có chức năng cụ thể. Để chế tạo các chi tiết kính, người ta thường sử dụng các chất liệu kính được làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau nhằm điều chỉnh các thuộc tính của kính để đạt được tính năng mong muốn. Sau khi dùng keo ghép hai chi tiết với nhau, thường mỗi chi tiết làm từ một loại chất liệu khác nhau, sẽ tạo ra một nhóm thấu kính. Như vậy, một nhóm bao gồm hai hoặc nhiều chi tiết gắn liền với nhau.
Như vậy, mỗi một chi tiết và mỗi nhóm chi tiết được sử dụng nhằm kiểm soát các hiện tượng ánh sáng khác nhau, vậy thì liệu càng nhiều chi tiết và nhóm càng làm cho ống kính tốt hơn? Câu trả lời có thể có mà cũng có thể là không. Trên thực tế, mỗi chi tiết và mỗi nhóm thường được xử lý bằng các lớp phủ chống phản quang, và các lớp phủ này không phải lúc nào cũng tỏ ra hoàn hảo và mỗi lần ánh sáng đi qua bề mặt chuyển tiếp từ kính sang không khí rồi sang kính, ánh sáng có thể lại bị biến dạng ở hình thức này hay hình thức khác. Vì vậy, không phải cứ có nhiều chi tiết là chắc chắn có chất lượng hình ảnh tốt hơn. Nhiều khi các ống kính đơn giản lại cho hiệu ứng hình ảnh đẹp hơn. Vậy là được cái nọ thường lại mất cái kia. Các ống kính có nhiều chi tiết và nhóm có nghĩa là ánh sáng được kiểm soát tốt hơn, nhưng không phải sẽ hoạt động tốt trong mọi điều kiện môi trường ánh sáng. Ở đây, vấn đề quan trọng là nhà sản xuất xử lý đến mức độ nào các yếu tố ảnh hưởng tới chất lượng chứ không phải sử dụng bao nhiêu chi tiết hay nhóm để chế tạo ống kính.
Hơn nữa, càng nhiều chi tiết thì càng làm cho giá thành sản phẩm tăng cao hơn những ống kính tương tự nhưng có ít chi tiết hơn vì mỗi chi tiết đòi hỏi phải có thêm một công đoạn thiết kế và sản xuất. Thêm một chi tiết cũng có nghĩa là làm cho ống kính nặng hơn. Trọng lượng của các ống kính chuyên nghiệp thường làm cho nhiều người ngoại đạo ngạc nhiên. Nếu ống kính quá nặng làm bạn không muốn mang đi chụp thì chất lượng tốt có lẽ cũng chẳng để làm gì. Nếu muốn có những chức năng vượt trội của một ống zoom hiện đại, bạn nên chuẩn bị tinh thần phải mang theo mình một ống kính khá nặng vì thông thường các loại ống này có nhiều chi tiết và nhóm chi tiết. Ví dụ, ống zoom tầm trung Nikon AFS ED-IF 28-70mm f/2.8 có tới 15 chi tiết trong 11 nhóm và nặng khoảng 1kg, sẽ làm bạn khá mỏi vai và cả mỏi tay khi phải giơ lên, giơ xuống nhiều lần trong một chuyến dã ngoại chụp ảnh.
Trước đây, các ống kính chuyên nghiệp thường là các ống cố định chỉ có khoảng 4 chi tiết hoặc có khi chỉ có 3 chi tiết để giảm giá thành. Ngày nay, các ống zoom hiện đại thường có trên 10 chi tiết và các ống cố định cũng có tới 5, 6 chi tiết. Kết luận, số lượng các chi tiết và nhóm chỉ là một trong số nhiều thông số để đánh giá một ống kính tốt hay không tốt. Cách tốt nhất để quyết định chất lượng một ống kính vẫn là tự bạn chụp thử và đưa ra quyết định, hoặc tìm đọc các bài đánh giá ống kính của các tay chơi sành điệu để biết được chất lượng của ống kính đó.
Theo Earthbound Light
VinaCamera.com
2008
★ ★ ★ ★ ★