Tạp văn nhiếp ảnh. Xin đừng đọc một cách nghiêm túc.

Hí ha hí hửng mua được cái máy ảnh “chuyên nghiệp”. Khổ luôn và ngay: làm gì có cái máy ảnh nào gọi là chuyên nghiệp bởi cái máy ảnh nào cũng là chuyên để chụp ảnh, tức là chuyên nghiệp rồi; cho nên, cái máy ảnh “chuyên nghiệp” nhưng cái ống kính lại không chuyên nghiệp chút nào, người ta gọi nó là ống KIT – mà không phải ai cũng hiểu KIT là cái gì đâu nha. Thế là đau đầu vì chọn ống kính cho nó chuyên nghiệp hơn.

VinaCamera Imaging
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa – tức là không liên quan nhiều!

Dù chọn lựa thế nào, cũng đừng bao giờ hỏi: “Ống kính này có tốt không?”
Ống kính nào cũng tốt cả. Nếu không tốt thì người ta làm ra bán cho ai. Các hãng máy ảnh và quang học cũng chẳng điên đến mức thiết kế, chế tạo, xây dựng dây chuyên sản xuất, bỏ tiền của ra quảng cáo để tung ra thị trường một cái ống kính mà đến cả người lơ ngơ còn hỏi “có tốt không”. Ống kính nào cũng tốt – xin nhắc lại. Nhưng mà bao giờ cũng có một ống kính tốt hơn thế – trên thị trường hoặc sắp có mặt trên thị trường.

Tôi muốn chụp ảnh gia đình, bạn bè, đi du lịch, đôi lúc chụp phong cảnh, thỉnh thoảng chụp chân dung và cũng có lúc muốn chụp côn trùng hoa lá thì nên chọn ống kính nào?
Thôi ông/bà bạn ơi, thế là chụp đủ mọi thứ trên đời rồi. Nhiếp ảnh cũng chỉ có ngần ấy thứ và hơn một tí như thế thôi. Nếu muốn hỏi như thế, bạn chỉ cần hỏi: Tôi muốn chụp đủ thứ thì nên chọn ống kính nào(?). Nói ngay và luôn: Ống kính nào cũng chụp được đủ mọi thứ, cứ kiếm đại một cái thử xem có đúng không thì biết.

Trong thế giới ống kính – và thiết bị quang học nói chung
“Cái ống này sao mà đắt vậy nhỉ?” là một câu hỏi thường thấy. Trong thế giới ống kính, cùng chức năng nhưng rất – và rất – có thể có những ống kính giá cả hết sức khác nhau. Mà đâu chỉ trong thế giới ống kính, thế giới (tức là linh vực nói cho oai) nào chả vậy – xe hơi con con cái nào chả từng đấy bánh mà chênh nhau đến cả chục lần không hiếm.

Những ai quan tâm hoặc/và chơi đồ quang học đều am hiểu để hiểu rõ, trong lĩnh vực này, mọi thứ đều công bằng và có giá của nó. Chả bao giờ có một món rẻ mà tốt hơn cái món đắt tiền hơn – trừ trường hợp cho tặng hoặc hối lộ. Vì vậy, chơi hàng đắt, hàng rẻ đều được, miễn là hiểu nó chỉ tốt như cái giá của nó mà thôi.

Điều quan tâm dầu tiên khi chọn lựa ống kính
Chọn đi chọn lại vẫn chưa ưng ý. Nếu gặp tình huống như vậy, cần quành về điều đầu tiên – tức là tiền đâu ấy mà. Đừng chọn lựa nhiều nếu trong túi bạn biết rõ chỉ có từng đó tiền. Cũng đừng chọn lựa nhiều nếu bạn không cần quan tâm giá cả vì có quá thừa tiền để chơi vài cái ống kính “lặt vặt”. Chỉ nên đắn đo – đôi chút thôi – khi bạn ở trong hoàn cảnh quan trọng bậc nhất ngay sau đây!

Điều quan trọng bậc nhất khi chọn lựa ống kính
Đơn giản thường lại quan trọng. Khi lựa chọn ống kính thì điều quan trọng nhất là hiểu được bạn muốn cái gì – có nghĩa là muốn chụp cái gì? Kết hợp với điều quan tâm đầu tiên, bạn sẽ chọn được ống kính phù hợp sau khi hiểu được mình muốn gì – tất nhiên là không nên bỏ qua bài này rồi.

Đừng đi mua ống kính vào sáng sớm tinh mơ
Nung nấu đã chín muồi. Tỉnh giấc. Chỉ kịp mặc quần áo. Thế là đã có mặt tại cửa hàng máy ảnh. Nếu bạn ở trong hoàn cảnh đó, có thể bạn sẽ cần nghĩ lại.

Nghĩ lại cái gì? Hãy nghĩ lại chút ít thôi, rằng thì là mà: Cái ống kính không tạo ra bức ảnh đẹp. Đừng bao giờ hy vọng một cái ống kính mới, nhất là giống cái bạn đang có về các tính năng, lại có thể cho bạn một bức ảnh đẹp hơn. Một ống kính tốt hơn – kể cả trong mơ – cũng chỉ cho bạn những bức ảnh có chất lượng tốt hơn chứ không thể cho bạn một bức ảnh đẹp hơn. Và điều tồi tệ nằm trong tóp 2 (top là hàng đầu ấy mà) – tức là thứ nhì – trong cái gọi là nhiếp ảnh chính là một bức ảnh có chất lượng cao ngất ngưởng nhưng không có ý tưởng gì cả. Không “hồn” với chất lượng cao là một thảm họa trong nghệ thuật nói chung, dĩ nhiên nhiếp ảnh không phải là ngoại lệ. Vậy cứ bình tĩnh, lúc nào rảnh rỗi, thư thái hãy đi mua ống kính nha.

Cuối cùng
Nếu không có gì bổ sung nữa, thì đây là tạp ý cuối cùng: Đừng có mà dùng tiếng Anh tiếng Ả (Rập) tiếng Bồ (Đào Nha) gì cho nó mệt. Cứ gọi là ống kính cho nó lành. Tiếng Việt là nhất. Ti toe dăm từ tiếng Anh làm gì mà phải khổ sở cho nó lòi tói cái “len”. Tiếng Anh thì người ta gọi ống kính là “lens” – luôn luôn có “sờ” = L-E-N-S. Thiếu cái “sờ” thì nó là sẽ lòi “ống kính” ngay. Vì thế, dùng thì cho đúng, cũng oai gì đâu mấy từ tiếng Anh bồi, cứ tiếng Việt mà chơi cho lành.

Hết.

VinaCamera.com
2008-2017