Windows hay MacOS cho chỉnh sửa ảnh số?
Sep. 18, 2017 | Photoshop nhiếp ảnh, Thập Cẩm | 2,586x | Qui định | Tham giaWindows or MacOS X for photo-editing?
Nhiều người chơi ảnh số băn khoăn không biết nên lựa chọn hệ điều hành nào, Windows hay MacOS, cho công việc chỉnh sửa ảnh số của mình. Phải nói ngay và luôn: Hệ điều hành nào cũng vậy nếu bạn có một chiếc máy tính – desktop hay laptop – đủ tốt cho công việc cần làm.
Vậy thế nào là một máy tính đủ tốt với công việc chỉnh sửa ảnh?
Dĩ nhiên, máy tính cứ có cấu hình cao với chip vi xử lý thế hệ mới (Core i5, Core i7, v.v…), RAM lớn (tối thiểu 8GB, hay cao hơn là 16GB và hơn nữa), có card đồ hoạ mạnh (1GB, 2GB+) và chạy ổn định đều là các máy tính tốt. Tuy nhiên, với công việc chỉnh sửa ảnh, một yêu cầu tối quan trọng đó là màn hình.
Màn hình dành cho công việc chỉnh sửa ảnh đòi hỏi đầu tiên là có khả năng hiển thị màu sắc trung thực, thường là các màn hình với chuẩn IPS hay Retina. Do công việc chỉnh sửa ảnh đòi hỏi nhiều công đoạn nhìn bằng mắt thường để điều chỉnh màu sắc chính xác như mong muốn, việc có được màn hình hiển thị màu sắc trung thực nhất (kết hợp với card đồ hoạ tương thích và được căn chỉnh chuẩn màu) sẽ giúp chỉnh sửa ảnh thuận lợi, tối ưu với các công đoạn khác là chụp ảnh và in ấn ảnh.
Màn hình dành cho chỉnh sửa ảnh còn đòi hỏi có độ tương phản tốt, thể hiện dải sáng (gradience) đầy đủ từ tối tới sáng, có kích thước lớn và có độ phân giải cao đáp ứng nhu cầu quan sát kỹ các chi tiết ảnh. Các màn hình máy để bàn (desktop) có kích thước 27 inch với độ phân giải 5K (thông thường 5120x2880px) được cho là đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho chỉnh sửa ảnh, mặc dù hiện nay trên thế giới bắt đầu xuất hiện các màn hình lên tới 8K cho chi tiết hình ảnh hết sức rõ ràng và sắc nét. Với máy xách tay (laptop) – đúng ra gọi là máy tính để đùi :) – thì độ phân giải nên là 2K+ (thông thường 2560×1440/1600px) tốt hơn nhiều các màn hình Full HD chỉ có độ phân giải là 1920×1080, còn các màn hình máy xách tay 1K+ với độ phân giải vỏn vẹn 1366x768px được cho là không nên sử dụng với công việc chỉnh sửa ảnh chuyên nghiệp.
So sánh nhỏ: Màn hình 5K (5120×2880) có độ phân giải chung gấp 2.6 lần so với màn hình 2K+ (2560×1600) và gấp tới 7.1 lần so với màn hình Full HD (1920×1080).
Màn hình lớn với độ phần giải cao cho phép hiển thị các bức ảnh cần chỉnh sửa với chi tiết cao ở ngay chế độ khít khung hiển thị ảnh (trừ đi diện tích dành cho các thanh công cụ và menu), giúp người dùng vẫn có thể quan sát toàn bộ bức ảnh lẫn các chi tiết nhỏ đồng thời để chỉnh sửa từng khu vực hài hoà với nhau; cũng như hiện thị ảnh ở chế độ 100% (1:1) không bị phóng to quá nhiều giúp việc di chuyển bức ảnh qua lại các khu vực nhanh hơn và dễ chính xác hơn.
Một điều nữa ta đều thấy là thường các sản phẩm cao cấp lại có chất lượng cao ở mọi khía cạnh, trong khi các sản phẩm đại trà chất lượng trung bình thường phải thoả hiệp chất lượng ở điểm này hay điểm khác. Các màn hình lớn với độ phân giải cao, không những đã có lợi thế về 2 khía cạnh đó, lại thường được tích hợp các công nghệ tốt nhất giúp hiển thị màu sắc trung thực hơn nhiều với độ tương phản và dải sáng tốt, góc nhìn cũng tốt hơn so với các màn hình loại nhỏ rẻ tiền hơn.
Ngoài màn hình, công việc chỉnh sửa ảnh số thực chất không cần chip CPU quá cao như đối với chơi game hiện đại, chip Core i5 hoàn toàn có thể đáp ứng chỉnh sửa các ảnh lớn 36MP hoặc lớn hơn với việc cùng lúc mở nhiều lớp ảnh (layers) – tất nhiên thì Core i7 hay sau này cao hơn là Core i9 vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, với công việc chỉnh sửa ảnh, RAM lớn là một đòi hỏi. RAM tối thiểu 8GB thực tế sẽ hơi thiếu khi đòi hỏi cần chỉnh sửa phức tạp với nhiều lớp ảnh vì vậy nên có RAM 16GB hoặc lớn hơn. Với RAM thấp, đôi khi bạn sẽ cần phải “rửa cache” liên tục hoặc khởi động lại phần mềm chỉnh sửa ảnh sau một loạt các thao tác phức tạp tốn RAM, các thao tác phức tạp như vá víu, chạy các filter/plugin cũng sẽ chậm hơn khiến màn hình thay đổi chậm giữa ảnh trước và sau khi đã chỉnh lại, gây khó khăn cho việc so sánh các thay đổi đó.
Vậy nên sử dụng máy tính WIndows hay MacOS X?
Như đã nói ở trên, hệ điều hành nào cũng đều như nhau nếu có một chiếc máy tính đủ tốt như đã đề cập. Hãy xem xét một vài mẫu máy tính Windows và Mac OS X thường được các chuyên gia khuyên dùng cho chỉnh sửa ảnh dưới đây.
Desktop – HP Envy 34″ Curved All-in-One. Tất cả trong một. Đã có màn hình cong 34” (~$2.200)
2017 HP ENVY 34 CURVED All-In-One Desktop (Intel Core i7-7700T Quad Core Processor, 34″ WQHD LED (3440×1440) Display, AMD Radeon RX460, Win 10 Pro, 256GB PCIe + 2TB Hard Drive, 16GB DDR4 RAM)
Desktop – Dell XPS x8910 – Chưa có màn hình (~$900)
Dell XPS8910-7020BLK Desktop (6th Generation Intel Core i7, 16GB RAM, 1 TB HDD) NVIDIA GeForce GTX 750Ti
Desktop – Apple 27” iMac Retina. Tất cả trong một. Đã có màn hình (~2.000)
Apple iMac MK482LL/A 27-Inch Retina 5K Display Desktop (Intel Quad-Core i5 3.3GHz, 8GB RAM, 2TB Fusion Drive, Mac OS X). Có thể nâng RAM với giá khoảng $160 cho 16GB bổ sung.
Desktop – Lenovo ThinkCentre M900. Chưa có màn hình (chưa có giá)
VCI Lenovo ThinkCentre M900 – Intel Core i7-6700 – 16GB – 1 TB SSD – 4TB HDD – Win 10 Pro
Laptop – Dell XPS 15” 9560. ~$1.870
0C17R (15” 4K Touch Display, i7-7700HQ 2.80GHz, 16GB DDR4, 512GB SSD, GTX 1050, Thunderbolt 3, Backlit Keyboard, Windows 10 Pro 64
Laptop – Apple 15″ MacBook Pro, Retina. ~$2.600
Touch Bar, 2.9GHz Intel Core i7 Quad Core, 16GB RAM, 512GB SSD, Space Gray, MPTT2LL/A
Về giá cả, so sánh một số mẫu máy đầu bảng cho chỉnh sửa ảnh, có thể thấy nếu có cấu hình và màn hình chuẩn IPS/Retina như nhau thì giá cả ngang ngửa nhau, ở một số mẫu máy PC/WIndows giá còn có phần nhỉnh hơn, trong khi ngược lại, Apple iMac cũng có thể có giá cao hơn một số PC/Windows khác có cùng cấu hình.
Về giá laptop, Apple Macbook Pro luôn có giá nhỉnh hơn đôi chút. Nhưng lưu ý là pin (batteries) ở các laptop của Apple luôn cho ta thời lượng sử dụng thoải mái hơn, đảm bảo trong một phiên làm việc một buổi 4 giờ thường không phải lo tìm chỗ sạc pin.
Thực tế, việc tranh cãi xem máy nào tốt hơn, giả cả phù hợp hơn là một cuộc tranh cãi đã bắt đầu từ lâu và tới nay vẫn không có hồi kết, cũng không mấy hữu ích cho những ai đang tìm hiểu để mua sắm cho mình một bộ máy tính phù hợp. Mỗi hệ điều hành (kèm các mẫu máy) đều có ưu và nhược điểm. Với người VN đa phần đã từ lâu quen sử dụng Windows/PC thì thì máy Windows/PC có lợi thế hơn hẳn về tính năng và thói quen sử dụng, nhiều phần mềm cần thiết cho công việc chỉ có trên Windows nên việc ngộ nhỡ có muốn chuyển đổi sang MacOS cũng sẽ gặp một số khó khăn nhất định. Còn với ai đã sử dụng MacOS lâu lâu thì thấy về bản chất các tính năng sử dụng cũng không khác nhiều so với Windows, có thể làm quen với các thao tác “khác” trước đây trong vòng 1-2 tuần, và dần dần có thể tìm kiếm các phần mềm thay thế cho các phần mềm vẫn sử dụng với Windows trên MacOS.
Trong trường hợp, vì một lý do nào đó, bạn “ngộ nhỡ” muốn chuyển đổi từ Windows (phiên bản mới nhất Windows 10) sang MacOS X (phiên bản mới nhất MacOS Sierra 10.12) thì cần xem xét xem các phần mềm nào cần thiết cho công việc khác chỉnh sửa ảnh có thể và không thể thay thế khi chuyển sang MacOS X, các cách khắc phục là như thế nào(?).
Cá nhân tôi, hiện sử dụng cả 2 hệ điều hành (sử dụng Windows từ 1990, làm quen Mac 1993, chuyển đa phần công việc sang Mac 2015), cho các công việc chỉnh sửa ảnh, thiết kế đồ hoạ, soạn thảo văn bản, coding đơn giản cho website, đôi khi hiệu đính video và một vài công việc khác thì thấy một số điểm thú vị – không dám nói là hơn – khi chuyển sang MacOS X, bao gồm:
- iMac desktop tất cả trong một nhỏ gọn, màn hình khá chuẩn màu sắc cho chỉnh sửa ảnh. 5K tuyệt vời: Khi bạn đã không thể soi lỗi thì ít ai có thể soi thấy lỗi trên ảnh bạn chỉnh sửa – 8K thì không biết trên cả tuyệt vời như thế nào(!); Macbook pro có pin cho thời lượng 8-10 tiếng, đủ dùng cho 1 phiên làm việc không phải lo tìm chỗ cắm sạc.
- MacOS X đi kèm máy, cập nhật dễ dàng và “miễn phí” cập nhật lên phiên bản mới, với mức độ tương thích cao và ít xảy ra lỗi vặt.
- Vẫn có thể cài đặt và sử dụng bộ MS Office trên MacOS X như trên Windows, mặc dù gần 10 năm nay tôi chuyển sang dùng OpenOffice chứ không dùng cái kia nữa. Các trình duyệt web ưa thích như Chrome, Cốc Cốc, Firefox đều có phiên bản cho MacOS và chạy hoàn toàn bình thường.
- Phần mềm quản lý tệp tin (file manager) của MacOS là Finder khá thú vị, cho phép tạo shortcuts đi tới các thư mục tuỳ chỉnh, hiển thị ở nhiều chế độ, có thể xem trước tài liệu và ảnh dễ dàng (thường xuyên được cập nhật để tương thích với ảnh RAW của các máy ảnh đời mới), tích hợp sẵn công cụ đổi tên tệp hàng loạt cũng như nén và giải nén (zip) ngay trong phần mềm.
- Giá cả thì không chênh lệch nhiều, nếu sắm màn hình Windows chuẩn với kích thước và độ phân giải lớn giá cả cũng sẽ khá cao, và khó tìm mua ở VN.
Một số khó khăn tôi gặp phải khi chuyển từ Windows sang MacOS X bao gồm làm quen với các thao tác chuột (Magic mouse), bàn phím rời nhỏ, và đặc biệt là hệ thống file và quản lý file là Finder. Nhưng không sao, 1 tuần làm quen là có thể làm việc với hiệu suất hoàn toàn bình thường. Còn về các phần mềm chỉnh sửa ảnh và video thì hoàn toàn tương thích với giao diện y chang, có phần chạy nuột hơn và ít thoát ra bất thình lình hơn (có thể bởi chiếc PC của tôi cũng đã cũ với cấu hình chưa đủ mạnh).
Phần mềm tôi tiếc nhất không có trên MacOS X là FastStone Image Viewer trên Windows, một phần mềm khá mạnh để duyệt ảnh và chỉnh sửa sơ bộ phù hợp nhu cầu đăng ảnh nhanh, đọc và hiển thị ảnh thô (RAW) màu sắc rất chuẩn. Nhưng không sao, tôi có thể sử dụng Finder thay thế cho việc duyệt và xem trước tệp ảnh.
Nếu bạn mới sử dụng MacOS X và gặp khó khẳn với Finder, bạn có thể tham khảo hướng dẫn sử dụng Finder tôi biên soạn sơ bộ tại địa chỉ này: https://goo.gl/h6bv5f (PDF, 5 trang, 523K). Tôi cũng có thể (thỉnh thoảng) hỗ trợ các bạn làm quen nhanh hơn với MacOS X thông qua Facebook của tôi: https://www.facebook.com/vinacamera và các trang và nhóm liên quan.
Vậy cuối cùng nên là Windows hay MacOS X cho chỉnh sửa ảnh số? Tất nhiên là tuỳ bạn thôi; cũng như chụp ảnh, chỉnh sửa đẹp hay không là do bạn, chứ không phải là do cái máy. Chúc các bạn tìm được bộ máy tính yêu thích phù hợp với công việc chỉnh sửa ảnh và đồ hoạ của mình.
VinaCamera.com
2008-2017
★ ★ ★ ★ ★