Photography – An introduction

BoHo_6FX6709vinacamera2_PID5554
Mục lục bài học nhiếp ảnh online


1. Nhiếp ảnh là gì?

Đầu tiên, ta hay xem xét đôi chút về từ “nhiếp ảnh”. Trong tiếng Anh, nhiếp ảnh là PHOTOGRAPHY. Từ này được cấu tạo bởi 2 phần là PHOTO và GRAPH. PHOTO có nghĩa gốc là ánh sáng, GRAPH có nghĩa gốc là vẽ, phác thảo. PHOTOGRAPHY hiểu một cách cơ bản là vẽ hay tạo ra hình ảnh bằng ánh sáng. Vì vậy, với “nhiếp ảnh”, ánh sáng là yếu tố quan trọng nhất. Để “nhiếp ảnh” đạt được trình độ cao, người thực hiện “nhiếp ảnh” cần có hiểu biết về ánh sáng, và các cách thức vận dụng, kiểm soát công cụ để vận dụng ánh sáng theo đúng mong muốn của mình trong quá trình tạo ra hình ảnh “bằng ánh sáng”.

Trong tiếng Việt, từ “nhiếp ảnh” có gốc Hán. “Nhiếp” có nghĩa gốc là “đem lại” hay “dẫn đến”. NHIẾP ẢNH, hiểu có bản, có nghĩa là làm ra, tạo ra một bức ảnh – tức là CHỤP ẢNH. Nhiếp ảnh chẳng qua là chụp ảnh mà thôi, tuy vậy, trong nhiều kết hợp từ thì lúc dùng “nhiếp ảnh”, lúc dùng “chụp ảnh”, về nghĩa cơ bản là hoàn toàn như nhau. Có đôi khi ta cảm thấy từ “nhiếp ảnh” có gì đó cao sang hơn “chụp ảnh”, nhưng về bản chất hai từ này là một. Học nhiếp ảnh cũng là học chụp ảnh, chỉ có vậy!

Nhưng mà từ ngữ chỉ là từ ngữ, kệ nó đi. Nhiếp ảnh là một bộ môn nghệ thuật. Cũng như bất kỳ môn nghệ thuật nào, dù tài năng dến đâu, nhiếp ảnh đầu tiên đòi hỏi một sự khổ luyện nhất định đối với người tham gia. Xét theo “công thức thành công” về thời gian là 10 ngàn giờ (tức 8 tiếng/ngày trong suốt 3 năm liền), để thành công tối thiểu trong nhiếp ảnh, bạn cũng sẽ cần luyện tập trong một khoảng thời gian tương đương. Nếu qui đổi khoảng thời gian đó sang số lượng kiểu ảnh, thì với thời máy ảnh sử dụng phim, đó là khoảng 10 ngàn bức ảnh chụp có suy nghĩ, còn với thời máy ảnh số khi người ta có xu hướng bấm máy nhiều hơn (do không phải tốn phim), và nhiều khi là bấm bừa, thì số lượng đó có thể sẽ là 100 ngàn bức ảnh, hoặc nhiều hơn thế tuỳ thuộc mức độ bấm bừa của từng người.

Là một môn nghệ thuật, nhiếp ảnh cũng yêu cầu tâm hồn và con mắt nghệ thuật. Cả hai điều này phụ thuộc ít nhiều vào năng khiếu bẩm sinh, nhưng chủ yếu đều có thể luyện tập để phát triển. Việc thường xuyên xem ảnh, đưa ra nhận xét cá nhân, tìm hiểu các khía cạnh khác nhau trong nhiếp ảnh đều có thể giúp người tham gia phát triển quan niệm thế nào là một bức ảnh đẹp, mức độ “đẹp” đến đâu và đâu là sự sáng tạo. Khi biết được thế nào là một bức ảnh đẹp, kết hợp với kỹ thuật chụp và hậu kỳ đã rèn luyện cũng như sự sáng tạo cá nhân, người tham gia chắc chắn sẽ có được thành công trong nhiếp ảnh.

2. Nghệ thuật và Kỹ thuật

Nghệ thuật luôn đi kèm với khoa học, kỹ thuật ở trình độ điêu luyện. Khổ luyện thành tài là ở chỗ này. Đối với những khía cạnh thuộc về nghệ thuật, người tham gia cần tự phát triển từng bước, còn kỹ thuật có thể tự học cũng như tham gia các khoá học, nghiên cứu tài liệu, v.v… Kỹ thuật khi đạt đỉnh cao bản thân nó cũng là một hình thức nghệ thuật, nhưng kỹ thuật chỉ chiếm phần rất nhỏ trong sự thành công của các tác phẩm nghệ thuật – với nhiếp ảnh, có lẽ chỉ 5% là cùng do công cụ là chiếc máy ảnh đã chiếm một tỷ lệ khá lớn trong phần kỹ thuật của quá trình tạo ra một bức ảnh, nhất là đối với máy ảnh kỹ thuật số ngày nay đã được tích hợp rất nhiều chức năng tự động rất tinh vi, một mặt giúp người chụp ảnh dễ dàng và nhàn nhã hơn thời máy phim “thủ công” trước đây, nhưng cũng đồng thời rút ngắn khoảng cách về kỹ thuật giữa những tay máy điêu luyện với những “tay mơ”, khiến cho phần kỹ thuật chụp trở nên ngày một kém phần quan trọng trong việc tạo ra thành công trong nhiếp ảnh.

Kỹ thuật, kèm với đó là thiết bị tốt (thân máy, ống kính, phụ kiện khác) là điều không thể thiếu được trong nhiếp ảnh, nhưng chỉ có kỹ thuật không thôi thì khó có thể tạo ra những bức ảnh tuyệt tác. Và cũng vì vậy, người chơi ảnh cần khẩn trương làm chủ các kỹ thuật chụp càng nhanh càng tốt để còn dành thời gian vào phát triển các khía cạnh nghệ thuật. Và cách tốt nhất để làm chủ các kỹ thuật chụp, và chỉnh sửa ảnh, là học một cách hết sức cơ bản, hiểu được nguyên lý hoạt động của máy ảnh, các nguyên lý về ánh sáng cũng như các công cụ chỉnh sửa ảnh số để dần tự hoàn thiện. Nếu mất cơ bản, người chụp ảnh chỉ có thể bắt chước theo từng tình huống, và khó có thể tạo ra cái riêng, cái tôi là những cái rất quan trọng để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.

3. Ánh sáng và Bóng tối

Nhiếp ảnh lấy ánh sáng làm chất liệu sáng tạo, vì vậy, người tham gia nhiếp ảnh cần tìm hiểu kỹ về ánh sáng như màu sắc, cường độ, tính chất, thời gian chiếu sáng, và các yếu tố khác. Tuy nhiên, có một điều nghe hơi có phần trái ngược trong nhiếp ảnh là trên thực tế, việc vận dụng ánh sáng để tạo ra những bức ảnh đẹp lại tập trung vào “bóng tối” chứ không chỉ là “ánh sáng”. Nói cách khác, việc hiểu và vận dụng kỹ thuật để kiểm soát sự chênh lệch giữa vùng sáng và các vùng tối do ánh sáng đổ bóng trên các vật thể trong chụp ảnh quan trọng hơn nhiều bản thân các hiểu biết về ánh sáng. Vì thế, người ta thường nói, lịch sử hơn 150 năm của nhiếp ảnh là lịch sử của quá trình chế ngự “bóng tối”. Tất nhiên, nếu tối đen, tối thui không có một chút ánh sáng nào thì không thể chụp ảnh được vì không còn gì để “phơi sáng” cả.

Ngay từ bây giờ, bạn hãy bắt đầu quan sát về ánh sáng, tìm hiểu xem các nguồn sáng xung quanh phát ra từ đâu, cường độ thế nào, bóng đổ chỗ nào đậm nhạt, màu sắc của ánh sáng như thế nào ở vùng sáng hơn và tối hơn. Hãy ngắm thật kỹ các bức ảnh được đông đảo coi là đẹp – và cả những bức ảnh chỉ riêng bạn thấy đẹp – xem ánh sáng phát ra từ đâu, sự chuyển vùng của ánh sáng từ chỗ sáng nhất tới chỗ tối nhất như thế nào, điều đó ảnh hưởng tới màu sắc của các vật thể trong ảnh ra sao, và thử đoán xem bức ảnh được chụp trong không gian nào, vào thời điểm nào, bức ảnh được chụp “xuôi” sáng hay “ngược” sáng, v.v…

Biết quan sát ánh sáng là điều quan trọng nhất trong buổi đầu học chụp ảnh. Hãy bắt đầu ngay và luôn!

4. Các nguyên tắc – qui tắc trong nhiếp ảnh

Có nhiều yếu tố để tạo ra một bức ảnh đẹp. Ánh sáng đẹp, màu sắc đẹp, bố cục đẹp, nội dung chi tiết đẹp, khoảnh khắc đẹp, chủ thể đẹp, chất lượng ảnh (nước ảnh) đẹp, tạo cảm giác “mạnh” (cả tốt và xấu), ảnh có “hồn”, v.v… Chỉ cần đạt được một trong nhiều cái đẹp đó thì cũng đã là một bức ảnh thành công. Đạt được mọi cái đẹp trong cùng một bức ảnh sẽ là một kiệt tác. Nhưng điều đó không hề dễ. Bạn sẽ cần bỏ nhiều công sức, cả tiền bạc mua sắm thiết bị và đi lại, cộng thêm cả nhiều nhiều may mắn.

Ta vừa nói tới đẹp phải không. Vậy thế nào là đẹp? Ta thích tất nhiên là đẹp. Càng nhiều người thích thì khả năng là càng đẹp. Nhưng không hiếm khi hôm nay chả mấy ai thích nhưng mai sau có thể lại có rất nhiều người thích, và cuối cùng bức ảnh cũng trở thành đẹp. Quan niệm xấu đẹp có thể biến đổi theo thời gian, và có những người có sáng tạo “đi trước thời đại” nên mai sau mới được ghi nhận. Nói về cái đẹp, về thẩm mỹ thì rất nhiều định nghĩa và quan niệm loằng ngoằng, và khác nhau giữa từng nền văn hoá, từng vùng miền và từng nhóm người chơi cả lớn lẫn nhỏ. Nhưng may mắn là cái đẹp cũng có một số nguyên tắc cơ bản mang tính “toàn cầu”, là mẫu số chung được nhiều người công nhận. Từ đó, sẽ có nhiều qui tắc cơ bản chung để tạo ra cái đẹp. Và tất nhiên bạn sẽ cần phải nắm được các nguyên tắc, qui tắc này là gì để vận dụng. Và vì những nguyên tắc, qui tắc này chỉ dừng lại ở mức độ hết sức cơ bản, bạn càng phải nắm thật chắc, nhập tâm và biến chúng thành “bản năng thứ 2″ trong quá trình sáng tạo của mình mà đỉnh cao thường được gọi nôm na là “phá cách”. Phá cách không có nghĩa là không cần cách thức nào cả. Phá cách là sau khi đã nắm bắt và nhuần nhuyễn các cách thức cơ bản nhất thì dẫn tới “chán”, muốn làm khác đi, muốn phá bỏ công thức cứng nhắc để sáng tạo hơn nữa, vượt ra ngoài những điều cơ bản. Vì vậy, muốn phá cách, sáng tạo, đầu tiên cần học thật kỹ những nguyên tắc cơ bản nhất, từ đó mới có thể sáng tạo ra cái mới, tránh “tái tạo lại cái bánh xe” mà cứ ngỡ là sáng tạo.

5. Cần những gì để bắt đầu học nhiếp ảnh

Thực ra, đọc đến đây, dù trước đó chưa bao giờ có ý định “đầu tư nghiêm túc” vào nhiếp ảnh, thì bạn cũng đã bắt đầu học nhiếp ảnh rồi. Để bắt đầu một cách chính thức hơn nữa, tất nhiên bạn sẽ cần một chiếc máy ảnh. Nhưng khoan, đừng nghĩ là tôi khuyên bạn chạy ngay ra cửa hàng mua một chiếc máy ảnh chuyên nghiệp đâu nhé! Bạn có thể bắt đầu bằng một chiếc máy ảnh hết sức đơn giản, thậm chí bằng chiếc máy ảnh gắn trên điện thoại thông minh của bạn đang có. Nên nhớ ngay từ đầu là: Máy ảnh không tạo ra bức ảnh. Bạn mới là người tạo ra các bức ảnh.

Điều quan trọng hơn để bắt đầu theo đuổi nhiếp ảnh, dù đối với bạn đó là định hướng gì đi nữa, thì cũng cần phải biết đánh giá thế nào là một bức ảnh đẹp bằng việc xem nhiều ảnh, chú ý tới ánh sáng trong từng bức ảnh mà bạn yêu thích. Và ngay lúc này đây, bạn có thể mở điện thoại thông minh của mình ra, duyệt lại các bức ảnh mà bạn đã chụp, chọn ra một số bức ảnh bạn thích nhất và bắt đầu đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: “Tại sao mình lại thích những bức ảnh này?”

Nếu có thể, hãy bàn luận về các bức ảnh nổi tiếng, lắng nghe nhận xét của người khác về các bức ảnh bạn thích, chụp có suy nghĩ những bức ảnh đầu tiên bằng chiếc máy ảnh du lịch hay điện thoại bạn đang có và đem những bức ảnh đó ra cho mọi người nhận xét, bình phẩm xem xấu đẹp ra sao.

Sau cùng của bước khởi đầu, hãy mua cho mình một bộ máy ảnh và ống kính, hay một chiếc máy ảnh du lịch tốt tốt, vừa với túi tiền của bạn. Bạn có thể bắt đầu 100 ngàn tấm ảnh đầu tiên một cách đơn giản như vậy đấy!

6. Hãy bắt đầu từ ngày hôm nay

Khai giảng thường có rất nhiều điều muốn nói. Nhưng có lẽ nên tạm dừng ở đây. Hãy bắt đầu chụp ảnh từ ngày hôm nay, vậy thôi! Và nhớ quay lại đọc thêm các bài học tiếp theo của Chương trình Tự học Nhiếp ảnh Online của VinaCamera.com.

Chúc bạn có một khởi đầu đầy hứng khởi.

VinaCamera.com
2008-2017

  MỤC LỤC BÀI HỌC NHIẾP ẢNH ONLINE