Trong khi bộ phim chuyển thể từ truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư đang thắng lớn tại các rạp thì dư luận bắt đầu xôn xao về những bức hình quảng cáo đẹp như mơ. Đặng Minh Tùng là người chụp ảnh nhưng tên trên các poster chỉ đề nhiếp ảnh Trần Huy Hoan.
Đặng Minh Tùng hiện là hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh TP HCM. Anh là tay máy khá trẻ, tốt nghiệp lớp nhiếp ảnh của Hội vào tháng 8/2009. Còn nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan đã có trên 35 năm cầm máy và tạo được nhiều danh tiếng.
Poster được tạo thành từ hai bức ảnh Đặng Minh Tùng chụp kỷ niệm Lan Ngọc – Thanh Hòa trong giờ giải lao của đoàn phim.
Đặng Minh Tùng: Không thỏa thuận được sẽ đưa vụ việc ra pháp luật
Đặng Minh Tùng cho biết, BHD thuê anh làm công việc ghi lại nhật ký đoàn phim bằng hình ảnh để cung cấp thông tin cho báo chí, và thuê riêng nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan chụp và làm poster phim.
“Theo tôi được biết, anh Trần Huy Hoan đã chụp những bức ảnh riêng làm poster nhưng không hiểu vì sao lại chọn hình của tôi. Gần chục tấm poster đều là hình của tôi, không có bức nào do anh Hoan chụp. Anh Hoan chỉ là người thiết kế. Như vậy, dưới những tấm poster này, nhà sản xuất phải đề: Designer: Trần Huy Hoan, Nhiếp ảnh: Đặng Minh Tùng. Đằng này, họ chỉ đề: Nhiếp ảnh Trần Huy Hoan. Điều đó khiến khán giả dễ nhầm tưởng người chụp tấm hình là anh Hoan”, Minh Tùng bức xúc.
Tay máy trẻ tâm sự, anh cảm thấy nghẹn giọng khi mỗi lần đi trên đường nhìn thấy những tấm poster phim có hình ảnh của mình nhưng bị đề tên người khác. Theo anh, việc trưng tên Trần Huy Hoan nằm trong mục đích của nhà sản xuất, muốn đưa ra một êkíp có tên tuổi để thu hút khán giả. Sau khi phát hiện ra vụ việc, Đặng Minh Tùng đã gọi điện cho nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan và được Trần Huy Hoan yêu cầu liên hệ với phía BHD.
Khi liên lạc với BHD, Minh Tùng được đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình nói rằng, anh nên thông cảm vì poster phim đã in hết và sẽ tìm cách giải thích trên các phương tiện truyền thông. Còn bà Ngô Thị Bích Hiền – Giám đốc BHD TP HCM hứa hẹn sẽ coi lại các điều khoản trong hợp đồng, tìm hướng giải quyết từ trước khi phim ra rạp 4 ngày (18/10), nhưng đến nay vẫn chưa có động thái gì.
Đặng Minh Tùng cho biết thêm, tên anh cũng không hề xuất hiện trên các bức ảnh gửi báo chí dù khi chuyển ảnh cho phía BHD, anh đã để tên từng tấm ảnh là “Dang Minh Tung 1, Dang Minh Tung 2…” như một cách làm tế nhị để nhà sản xuất nhớ đến tên mình.
Hiện anh đã xin ý kiến tư vấn của luật sư và không ngoại trừ trường hợp sẽ đưa vụ việc ra pháp luật. “Tôi hiểu quyền lợi của mình và muốn người ta trả lại những cái mà tôi xứng đáng được hưởng”, Đặng Minh Tùng khẳng định.
Trần Huy Hoan: Đặng Minh Tùng đang tạo scandal
Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan cho rằng, Đặng Minh Tùng không có cơ sở kiện nhà sản xuất Cánh đồng bất tận.
“Đặng Minh Tùng là người không hiểu việc. Tôi đã nhiều lần giải thích nhưng cậu ta không chấp nhận thực tế rằng: cậu ta được thuê chụp lại hiện trường, không tham gia vào công tác makeup diễn viên, lo phục trang, chỉ đạo diễn xuất… Như vậy, cậu ta chỉ chép lại sáng tạo của người khác, không được gọi là có bản quyền. Tôi cũng từng làm nhiếp ảnh hiện trường hơn 10 phim lớn, nhưng bất cứ phim nào tôi cũng xin nhà sản xuất đừng đưa tên vào vì đó chỉ là hành động chép lại”, nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhận định.
Trần Huy Hoan khẳng định, việc thiết kế poster quan trọng nhất là ý tưởng, còn bức ảnh có thể lấy từ trên mạng hoặc của bất cứ ai mà không cần đề nguồn. Hơn nữa, trong hợp đồng giữa Đặng Minh Tùng và BHD có điều khoản: “Toàn bộ bản quyền hình ảnh do bên A (BHD) nắm giữ. Bên A có quyền sử dụng mà không cần hỏi ý kiến bên B (Đặng Minh Tùng)”.
Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan cũng cho rằng, việc BHD chỉ đưa tên anh mà không đưa tên Đặng Minh Tùng vào các tấm poster là lý do tế nhị, chỉ đưa tên những người có lợi cho quảng cáo. Theo Trần Huy Hoan, nhà sản xuất đã rất đúng đắn khi đưa tên Đặng Minh Tùng vào trong phần giới thiệu êkíp sản xuất cuối phim. “Poster có thể mỗi nơi một khác, ở Việt Nam thế này, sang Mỹ lại thế khác nhưng phần giới thiệu êkíp trong phim thì không thể thay đổi”, anh nói.
Theo Trần Huy Hoan, Đặng Minh Tùng nếu kiện sẽ rất vô lý, càng làm ồn càng thiệt. “Theo tôi, Minh Tùng mới vào nghề nên chọn cách xử trí ôn tồn hơn, đừng cố tạo scandal để tạo tên tuổi cho mình”, anh nói.
Trả lời báo chí, bà Ngô Minh Hạnh – Giám đốc BHD cho biết: poster phim không thể trưng hết tên tất cả mọi người mà chỉ đưa vào những thứ có lợi cho việc bán vé. Trong hợp đồng của Minh Tùng với công ty BHD, việc chụp ảnh hiện trường là để công ty sử dụng tư liệu trong mọi hoạt động quảng bá và PR cho phim nên bản quyền của toàn bộ ảnh thuộc về nhà sản xuất.
Tuy nhiên, nhìn nhận về vấn đề này, các nhiếp ảnh gia nổi tiếng có chung quan điểm: nhà sản xuất có cách hành xử chưa đúng với Đặng Minh Tùng.
Nhiếp ảnh MPK (Michel Phước Khùng) nhìn nhận: “Rõ ràng cái tên Trần Huy Hoan lớn hơn cái tên Đặng Minh Tùng rất nhiều, nhưng không vì tên tuổi mà phân biệt đứa con tinh thần của họ”. MPK cho rằng, Trần Huy Hoan đã sai khi nói Đặng Minh Tùng chỉ là người làm thuê thì không được quyền ghi tên vào poster cũng như việc Trần Huy Hoan nói người làm poster có thể lấy hình trên mạng về mà không cần ghi nguồn vì như thế vi phạm công ước quốc tế Berne. Theo anh, đây là lời cảnh báo cho tình trạng “lập lờ đánh lận con đen” thường xuyên diễn ra ở Việt Nam.
Ông Lê Xuân Thăng – Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, đồng thời là Phó chủ tịch Hội Nhiếp ảnh TP HCM chia sẻ với VnExpress.net: người nào chụp thì tác quyền của họ, dù ai mượn với bất cứ lý do gì cũng phải đề tên tác giả. “Đặng Minh Tùng là Hội viên Hội Nhiếp ảnh TP HCM, nên nếu tác giả có văn bản yêu cầu, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ vấn đề và sẽ bảo vệ quyền lợi hội viên, gửi kiến nghị đến các đơn vị có liên quan”, ông Thăng phát biểu.
Theo ý kiến của ông, các bên: nhà sản xuất BHD – Trần Huy Hoan – Đặng Minh Tùng nên ngồi lại nói chuyện tìm ra phương án giải quyết trước khi tính đến chuyện nhờ luật pháp can thiệp.
Luật sư công ty luật Epals Lawyers cho biết:
Trong vấn đề tranh cãi giữa nhiếp ảnh Đặng Minh Tùng và công ty BHD cần xem xét kỹ thỏa thuận trong hợp đồng giữa 2 bên để thấy BHD có những quyền gì trong việc sử dụng hình ảnh Đặng Minh Tùng chụp khi làm nhiếp ảnh hiện trường phim “Cánh đồng bất tận”.
Tuy nhiên luật sư này cho biết, theo quy định pháp luật Việt Nam, anh Đặng Minh Tùng có hai quyền:
- Quyền nhân thân: Quyền đề tên vào tác phẩm
- Quyền sở hữu tài sản: Tiền thù lao đối với hình ảnh của mình
Như vậy, khi sử dụng hình ảnh của anh Đặng Minh Tùng, phía BHD phải giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho anh Tùng theo luật sở hữu trí tuệ Việt Nam.
Ngọc Trần | vnexpress.net
Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Van-hoa/2010/11/3BA23417/
Cập nhật:
Vụ poster Cánh đồng bất tận: Quyền của người chụp ảnh
Một số báo chí gần đây có đăng ý kiến tranh cãi về bản quyền của những bức ảnh trong poster và ảnh hiện trường của bộ phim Cánh đồng bất tận. Theo quy định pháp luật hiện hành, ai là người được hưởng quyền tác giả đối với những hình ảnh này?
Theo Thông cáo báo chí của Hãng phim Việt, ông Đặng Minh Tùng đã ký hợp đồng lao động thời vụ ngày 23.11.2009 với hãng để thực hiện chụp hình hiện trường cho đoàn phim Sông nước (Cánh đồng bất tận) và đã nhận được đầy đủ tiền thù lao theo đúng hợp đồng. Cũng theo hợp đồng này, Hãng phim Việt là chủ sở hữu và đăng ký bản quyền toàn bộ các bức ảnh và Đặng Minh Tùng không được phép lưu giữ các hình ảnh chụp ở hiện trường, phải đảm bảo bàn giao toàn bộ hình ảnh trong thẻ nhớ, ổ cứng cho hãng phim cũng như không được phát tán và lưu hành ra công chúng. Hãng phim Việt được toàn quyền sử dụng toàn bộ hình ảnh mà Đặng Minh Tùng thực hiện tại hiện trường phim cho bất kỳ một mục đích nào của mình (trừ mục đích vi phạm pháp luật).
Theo một cán bộ chuyên trách về sở hữu trí tuệ (SHTT) xin được phép không nêu tên, việc xác định quyền tài sản, nếu đúng như Hãng phim Việt trình bày, thì đã quá rõ. Quyền tài sản đối với những bức ảnh mà ông Đặng Minh Tùng chụp đã thuộc về Hãng phim Việt, vì ông Tùng đã được trả thù lao rồi.
Thông lệ và quy định của pháp luật
Việc ghi nhận tên của Đặng Minh Tùng, theo Hãng phim Việt, tên của Đặng Minh Tùng được ghi rõ ràng trong phần credit cuối phim với chức danh Nhiếp ảnh. Có thể xem phần này tại rạp chiếu. Theo nhận định của cán bộ chuyên trách SHTT, Hãng phim Việt xử lý như vậy là đúng. Vị cán bộ này cũng đồng quan điểm với Hãng phim Việt rằng, “theo nghĩa thông thường nhất, poster phim được hiểu như là những tờ giấy lớn có hình ảnh và/hoặc phần chữ được treo hay dán ở nơi công cộng hoặc rạp chiếu phim để quảng cáo cho một bộ phim sắp được trình chiếu. Poster phim chỉ có ghi tên một số những thành phần chính tham gia đoàn phim với mục đích quảng cáo và theo thông lệ về poster phim trên thế giới cũng như tại VN, không có đưa thông tin về người chụp ảnh, người thiết kế, cũng như không đưa hết tên tuổi của những người tham gia đóng góp xây dựng bộ phim”.
Theo Thông cáo báo chí của Hãng phim Việt gửi đến các báo, hãng phim này là đơn vị sản xuất bộ phim Sông nước (sau đó khi phát hành đổi tên thành Cánh đồng bất tận). Công ty phát hành phim là Công ty BHD. Poster cho việc phát hành phim tại VN đợt này là do Hãng phim Việt thiết kế và sử dụng các bức ảnh hiện trường của phim do ông Đặng Minh Tùng chụp tại hiện trường đoàn phim. Toàn bộ poster này do Hãng phim Việt thiết kế và cung cấp, không liên quan đến Công ty BHD và khác hoàn toàn với những poster do nhà nhiếp ảnh Trần Huy Hoan chụp và thiết kế.
Cán bộ chuyên trách SHTT này nói: Về thông lệ nếu là như thế, thì không nhất thiết phải đưa tên tác giả trên poster, nhưng về quy định của pháp luật, thì tác giả của những bức ảnh trên poster có quyền được đứng tên trên đó. Ở đây, nếu trên poster đã có đưa tên ông Trần Huy Hoan, thì phải xem xét ở 2 khía cạnh: một là, tên ông Trần Huy Hoan được đưa lên làm cho người xem poster cảm nhận đây là một tên tuổi lớn có uy tín, tham gia trong bộ phim nhằm làm tăng thêm giá trị của bộ phim lên; thứ hai là, người xem sẽ cảm nhận rằng ông Trần Huy Hoan chính là tác giả của những bức ảnh rất đẹp được in trên những poster đó. Nếu như đưa tên ông Trần Huy Hoan trên poster làm cho người xem cảm nhận theo khía cạnh thứ hai, thì rõ ràng là đã xâm phạm quyền nhân thân của ông Đặng Minh Tùng – tác giả của những bức ảnh đó.
Ảnh hiện trường có được coi là tác phẩm nhiếp ảnh?
Để làm rõ ảnh chụp tại phim trường có phải là tác phẩm nhiếp ảnh hay không, vị cán bộ chuyên về SHTT cho biết: Trong Nghị định 100 của Chính phủ – Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Dân sự, Luật SHTT về quyền tác giả và quyền liên quan – tại điều 16 về tác phẩm nhiếp ảnh có nêu rõ: “Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm h khoản 1 điều 14 của Luật SHTT là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (hóa học, điện tử hoặc phương pháp khác); Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh hay tương tự như điện ảnh không được coi là tác phẩm nhiếp ảnh mà là một phần của tác phẩm điện ảnh đó”.
Như vậy, hình chụp tại hiện trường không thể được xem là hình ảnh tĩnh được lấy ra từ tác phẩm điện ảnh. Bởi vì theo vị cán bộ chuyên trách SHTT này, nguồn tạo ra tác phẩm điện ảnh là chiếc máy quay và người quay phim, còn tác phẩm nhiếp ảnh được tạo ra từ chiếc máy chụp ảnh và người chụp ảnh. Hai tác phẩm này hoàn toàn khác nhau, không thể xem các bức ảnh chụp tại hiện trường là hình ảnh tĩnh lấy từ tác phẩm điện ảnh.
Thẩm phán Nguyễn Hoàng Đạt (Phó chánh tòa dân sự TAND TP.HCM) cho biết đối với tác phẩm hình ảnh chụp hiện trường, người chụp ảnh, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành có hai quyền: quyền nhân thân và quyền tài sản (quyền sở hữu) đối với tác phẩm mà họ sáng tạo ra. Quyền tài sản có thể được chuyển giao, nhưng quyền về nhân thân thì không được chuyển giao vì pháp luật không cho phép. Ông cho rằng trong trường hợp phim Cánh đồng bất tận, Hãng phim Việt thuê nhà nhiếp ảnh chụp ảnh hiện trường và trong hợp đồng có thỏa thuận toàn bộ bản quyền hình ảnh do hãng nắm giữ, hãng có quyền sử dụng mà không cần hỏi ý kiến. Điều này đồng nghĩa với việc nhà nhiếp ảnh đã chuyển giao quyền sở hữu, hãng chỉ có quyền công bố phổ biến tác phẩm, cho hoặc không cho người khác sử dụng tác phẩm, được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm… Còn nhà nhiếp ảnh vẫn còn quyền nhân thân. Cụ thể, khi hãng sử dụng tác phẩm này phải để tên tác giả (theo điều 756 và 752 Bộ luật Dân sự).
February 16th, 2012 at 13:55
Em không biết gì về luật, xét theo cái lý có thể không biết ai đúng ai sai nhưng nói về cái tình thì em hoàn toàn ủng hộ những bức xúc của anh Đặng Minh Tùng. Nếu đứng ở góc độ một người đam mê nhiếp ảnh đi đường nhìn thấy tấm poster rất đẹp ấy, em sẽ đứng lại xem, nhìn vào những dòng chữ và khi thấy dòng chữ: “nhiếp ảnh Trần Huy Hoan” thì suy nghĩ đầu tiên của em là nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan chính là tác giả của “những tấm ảnh” trên poster ấy chứ không hề nghĩ Trần Huy Hoan là người “thiết kế poster” bằng những tấm ảnh của người khác chụp. Còn nếu muốn biết anh Minh Tùng là người chụp ảnh trong poster đó thì phải xem phần credit của phim mới thấy, mà đâu phải ai xem poster rồi cũng xem phim. Như vậy trong chuyện này ngoài việc để tên những người có tên tuổi như Nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan nhằm phục vụ quảng cáo có lợi cho việc bán vé, nó còn gây ra một ảnh hưởng phụ đó là gây hiểu nhầm rằng tác giả của bức ảnh trên poster (chứ không phải tác giả của tấm poster) chính là nhiếp ảnh gia Trần Huy Hoan.