AF-ON button

Để khóa nét trên máy ảnh DSLR khi căn nét tự động, theo mặc định của hầu hết mọi máy ảnh DSLR, người chụp nhấn nửa nút cò (nút chụp). Vậy là máy ảnh đã khóa nét vào điểm căn nét mà người chụp lựa chọn. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, việc giữ nửa nút – nhất là phải giữ lâu – cò có thể gây khó khăn trong việc khóa nét, từ đó, nhiều thân máy chuyên nghiệp có thêm nút AF-ON.

VinaCamera Imaging
Nút AF-ON của Canon, Nikon và sử dụng nút (*) hoặc AE-L/AF-L như nút AF-ON

Nút AF-ON được sử dụng để khóa nét thay cho nút cò. Khác với nút cò khi khóa nét cần giữ nửa nút chụp, với nút AF-ON, người chụp có thể nhấn và giữ chặt. Khi nhấn và giữ nút AF-ON, máy ảnh sẽ kích hoạt hệ thống căn nét tự động và khóa nét, và với trạng thái nét đã được khóa, khi nhấn nút chụp, máy ảnh sẽ chụp ngay tức thì, không cần qua quá trình căn và khóa nét nữa. Những ưu điểm khi sử dụng nút AF-ON so với nhấn và giữ nửa nút cò để khóa nét gồm:

  • Không cần giữ nửa nút (do giữ nửa nút cần khéo léo hơn, dễ bị nhấn tiếp và “nổ” cò trước khi muốn chụp – “cướp cò”).
  • Giữ nút AF-ON có thể giữ tay được lâu hơn, thuận lợi cho việc “rình” thời điểm muốn chụp.
  • Giữ nút AF-ON trước khi chụp giúp tách quá trình căn và khóa nét thành công đoạn riêng, khiến khi nhấn nút chụp, máy ảnh thực hiện thao tác chụp nhanh hơn (do đã khóa nét từ trước), giúp người chụp bắt được khoảnh khắc cần chụp chính xác hơn.

Khi nào nên sử dụng nút AF-ON thay cho nút cò trong việc khóa nét:

  • Khi cần căn nét và khóa nét trước, sau đó “rình” – chờ đợi khoảnh khoắc cần chụp – mới nhấn chụp.
  • Khi căn nét xong sau đó bố cục lại ảnh (di chuyển góc chụp).

VÍ DỤ

  1. Khi chụp chân dung, người chụp có thể căn nét vào mắt của chủ thể (mẫu) rồi nhấn nút AF-ON để khóa nét tự động. Sau đó, lấy lại bố cục bằng cách di chuyển góc chụp (sao cho điểm lấy nét là mắt có khoảng cách không đổi so với vị trí lúc căn và khóa nét). Kết thúc bằng việc nhấn nút cò.
  2. Khi chờ đợi vận động viên thể thao cán đích để chụp. Người chụp có thể căn nét vào vạch đích (hoặc vật gì ngang vạch đích) và nhấn/giữ nút AF-ON chờ vận động viên chạy đúng tới vạch đích thì nhấn nút cò để chụp.

Nếu thân máy DSLR không có nút AF-ON thì làm thế nào?

Nhiều dòng thân máy cấp thấp không có nút AF-ON thiết kế riêng (Hình 1 Canon, Hình 3 Nikon). Tuy nhiên, người sử dụng có thể cài đặt cho máy để có thể sử dụng chức năng này: (1) Đối với máy ảnh Canon DSLR, có thể cài đặt để nút khóa sáng – nút hoa thị (*) trở thành nút AF-ON (Hình 2), còn (2) Trên thân máy Nikon DSLR, có thể cài đặt nút AE-L/AF-L (lock) trở thành nút AF-ON (Hình 4).

Lưu ý: Đối với một số thân máy Nikon không có nút AF-ON riêng, và cài đặt sử dụng nút AE-L/AF-L làm nút AF-ON – đồng thời sử dụng với ống kính có chức năng chống rung VR, khi nhấn AE-L/AF-L (tức AF-ON) dể kích hoạt hệ thống căn nét, thì RẤT CÓ THỂ hệ thống chống rung chưa được hoạt động. Vì vậy, khi nhấn nút chụp (nút cò), cần ngưng lại một chút để hệ thống chống rung được kích hoạt và ổn định.

VinaCamera.com
2008-2014