Tốc độ đồng bộ đèn: Khi nào trở nên quan trọng?
Sep. 16, 2010 | Kỹ thuật nhiếp ảnh, video | 43,730x | Qui định | Tham giaFlash Sync Speed: Why and when it’s important?
Mỗi máy ảnh DSLR đều có một tốc độ đồng bộ đèn nhất định, có thể là 1/200s, 1/250s, hay 1/500s hay gì gì đó tùy thuộc vào từng máy ảnh cụ thể. Tốc độ đồng bộ đền là tốc độ tối đa của cửa chập có thể sử dụng khi chụp có đèn ảnh flash. Bài viêt sau đây của VinaCamera.com sẽ giúp bạn hiểu được tại sao và khi nào tốc độ đồng bộ đèn ảnh hưởng tới việc chụp ảnh của bạn.
Hình 1: Ánh sáng môi trường và ánh sáng đèn ảnh
1. Ánh sáng đèn ảnh (flash) khác với ánh sáng môi trường (ambient light)
• Ánh sáng môi trường (ambient light) là ánh sáng ổn định được tạo ra bởi một nguồn sáng liên tục, ví dụ như mặt trời, các loại đèn thông thường trong nhà, v.v…
• Ánh sáng đèn ảnh (flash) là ánh sáng phát ra một lần từ đèn ảnh. Ánh sáng đèn ảnh chỉ duy trì trong một khoảng thời gian rất ngắn (khoảng 1/1000 giây).
2. Ánh sáng và phơi sáng
• Để tạo một giá trị phơi sáng cho bức ảnh, có 3 yếu tố là tốc độ cửa chập (thời gian cửa chập mở ra cho ánh sáng đi vào cảm biến), khẩu độ mở của ống kính và độ nhạy ISO của cảm biến.
• Với ánh sáng môi trường liên tục, việc giảm tốc độ cửa chập (tăng thời gian phơi sáng), tăng khẩu độ mở (tăng lượng ánh sáng vào cảm biến) và tăng ISO (tăng độ nhạy bắt sáng) đều làm cho ảnh sáng hơn
• Với ánh sáng đèn ảnh flash, tăng khẩu độ mở và tăng ISO làm cho ảnh sáng hơn, nhưng tăng tốc độ cửa chập sẽ không làm ảnh sáng hơn do thời gian ánh sáng chiếu vào cảm biến là không đổi (rất ngắn ~ 1/1000 giây) dù cho có tăng hay giảm thời gian phơi sáng.
• Cường độ nguồn sáng ảnh hưởng tới phơi sáng. Ánh sáng càng mạnh, ảnh càng sáng (nếu các giá trị tốc độ, khẩu độ và ISO không đổi). Khi chụp với đèn ảnh, các yếu tố ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh là: khẩu độ mở, ISO và cường độ ánh sáng của đèn.
3. Tốc độ đồng bộ đèn ảnh là gì?
Do cấu tạo của màn cửa chập để đạt được tốc độ mở ra – đóng vào rất cao (1/250s, 1/250s, 1/500s, 1/1250s, và cao hơn), không có “khoảnh khắc” nào cửa chập được mở ra 100% diện tích ở các tốc độ cao. Như vậy, ở tốc độ cao tại một “khoảnh khắc” (trong thời gian mở-đóng của cửa chập) chỉ có một phần diện tích của ảnh được phơi sáng. Tốc độ càng cao thì diện tích nhận sáng của ảnh càng hẹp tại một “khoảnh khắc” nhất định.
Nếu sử dụng đèn ảnh (nguồn sáng phát ra một lần và duy trì rất ngắn), để toàn bộ diện tích bức ảnh nhận được ánh sáng, thời gian đèn ảnh duy trì ánh sáng và thời gian tất cả các khu vực của ảnh được phơi sáng phải trùng khớp nhau, tức là hai tốc độ này phải đồng bộ với nhau. Chỗ này tưởng tượng hơi rắc rối về “nhanh và chậm” (Nếu các bạn cần giải thích thêm, xin liên hệ VinaCamera.com), nhưng tóm lại là, khi sử dụng đèn ảnh, tốc độ cửa chập tối đa bị hạn chế (có thể là 1/200s, 1/250s, hay 1/500s) nếu muốn toàn bộ cảm biến được đèn phủ sáng, tức là ảnh có ánh sáng bình thường.
Tốc độ đồng bộ đèn chính là tốc độ cửa chập tối đa có thể sử dụng với một máy ảnh và một đèn ảnh nhất định. Các tốc độ cao hơn tốc độ đồng bộ đèn cho phép đêu làm hỏng ảnh.
Hình 2-3: Tốc độ đồng bộ đèn ảnh hưởng tới việc đặt tốc độ cửa chập
Trong hình minh họa (Hình 2-3): 8 ảnh với tốc độ đồng bộ đèn 1/160s và các tốc độ cửa chập khác nhau, tăng dần từ 1/160s đến 1/1250s.
A. Tốc độ cửa chập 1/160s, ảnh sáng bình thường.
B. Tốc độ của chập 1/200s, ảnh bắt đầu bị đen một vệt nhỏ ở dưới chân.
C. Tốc độ cửa chập 1/250s, vệt đen lớn hơn.
D. Tốc độ của chập 1/320s, vệt đen chiếm nửa ảnh.
E. Tốc độ của chập 1/400s, vệt đen chiếm 3/4 ảnh.
F. Tốc độ của chập 1/500s, vệt đen chiếm gần hết ảnh.
G: Tốc độ của chập 1/640s, ánh tối hoàn toàn.
H: Tốc độ của chập 1/1250s, tăng tốc độ cao hơn, hiện tượng vẫn không đổi.
4. Khi nào tốc độ đồng bộ đèn trở nên quan trọng?
Như trên ta thấy, tốc độ đồng bộ đèn là giới hạn tốc độ tối đa của cửa chập khi chụp có đèn ảnh flash. Vì vậy, tốc độ đồng bộ đèn sẽ trở nên quan trọng nếu muốn chụp ảnh ở tốc độ cửa chập cao (khi sử dụng đèn ảnh). Tốc độ này không có ý nghĩa nếu chụp ảnh với ánh sáng môi trường.
Trong các trường hợp chụp có đèn ảnh và ở tốc độ cao, việc điều chỉnh phơi sáng sẽ chủ yếu dựa vào:
• Khẩu độ mở
• ISO
• Cường độ ánh sáng của đèn ảnh flash
Các trường hợp sau đây đòi hỏi tốc độ đồng bộ đèn cao:
4.1. Cần cân bằng sáng, táp đèn vào chủ thể khi chụp ngoài trời sáng, có nắng
Một yêu cầu quan trọng đối với nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp là cân bằng được ánh sáng giữa chủ thể và ánh sáng môi trường vì ánh sáng môi trường thường làm cho chủ thể bị lóa do ánh sáng quá gắt. Muốn khống chế được ánh sáng môi trường như vậy cần tăng tốc độ cửa chập để giảm ánh sáng môi trường, đồng thời sử dụng đèn ảnh để đảm báo ánh sáng đẹp cho chủ thể, đặc biệt trong các trường hợp chụp ngược sáng môi trường. Tốc độ đồng bộ đèn cao sẽ cho phép thực hiện việc này với nhiều lựa chọn hơn.
4.2. Chụp ảnh ngoài trời và muốn hậu cảnh là nền trời ngả tối hơn để làm nổi bật chủ thể và tạo hậu cảnh đẹp
• Khi chụp ảnh ngoài trời, muốn hậu cảnh là nền trời ngả tối, điều dễ hiểu là có thể giảm khẩu độ mở, giảm ISO và tăng tốc độ cửa chập. Nhưng nếu nền trời tối đi, thì chủ thể trong ánh sáng môi trường cũng tối theo. Điều này dẫn tới phải sử dụng đèn ảnh flash để làm sáng chủ thể. Tốc độ cửa chập sẽ phải tăng cao đến một mức nhất định để làm nền trời tối ở mức mong muốn, vì vậy tốc độ đồng bộ đèn phải đạt được tốc độ này. Lúc này, việc điều chỉnh phơi sáng sẽ được chủ động thực hiện thông qua điều chỉnh khẩu độ mở và ISO cũng như cường độ sáng của đèn flash.
• Ứng dụng trong chụp chân dung, chụp macro/micro (cận cảnh phóng to) ngoài trời.
4.3. Chụp các chuyển động nhanh trong studio (và ngoài trời)
• Trong phần nhiều trường hợp, khi chụp trong studio, do khả năng làm chủ hoàn toàn ánh sáng chủ thể và hậu cảnh, tốc độ đồng bộ đèn sẽ không quan trọng. Tuy nhiên, với một số trường hợp chụp chủ thể chuyển động nhanh (như người mẫu cử động tạo dáng tự nhiên, hất tóc bay lên không, v.v…) sẽ đòi hỏi tốc độ cao để bắt chết hình ảnh và bảo đảm độ sắc nét, vì vậy phải tăng tốc độ cửa chập. Tốc độ đồng bộ đèn cao sẽ tạo điều kiện dễ dàng thực hiện chụp ảnh như vậy, đặc biệt khi muốn bật đèn môi trường giúp căn nét, cúp hình hiệu quả hơn.
• Ứng dụng chụp chân dung, người mẫu, trẻ em hiếu động trong studio; chụp ong bướm “hiếu động”.
4.4. Chống rung tay máy
• Để chống rung tay máy, tốc độ của chập cũng cần tăng lên cao. Lúc này, ánh sáng chủ thể phụ thuộc vào đèn ảnh và tốc độ đồng bộ đèn thấp sẽ gây trở ngại cho việc tăng tốc độ. Nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nhiều khi cần đồng bộ đèn lên tới 1/500s để đảm bảo bắt căng nét chủ thể, nhất là khi chụp chân dung phần đầu hay nửa người do trong các trường hợp này phải sử dụng ống tiêu cự tương đối dài để tạo hiệu ứng đẹp.
VinaCamera.com
2008-2010
February 5th, 2012 at 06:19
anh vina camera oi; cho em hoi ngu mot cau nha,em dang su dung canon 550d va flash yn 467,vay toc do dong bo den cua may canon 550d la bao nhieu vay anh,em rat cam on vinacamera rat nhieu.
February 5th, 2012 at 10:09
@ vinhco_le: Tốc độ đồng bộ đèn (flash sync speed) của Canon 550D là 1/200s (Tốc độ này là tốc độ cao nhất có thể chụp được với đèn chớp, cả đèn cóc trên máy và đèn rời). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn nên chụp (khi chụp có đèn) ở tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa một chút cho chắc ăn, nhất là chụp trong điều kiện ánh sáng mà nguồn sáng duy nhất là đèn ảnh, không có ánh sáng môi trường (hoặc a/s môi trường là không đáng kể).
- Lưu ý: Lần sau đăng đàn, bạn nhớ đánh tiếng Việt có dấu đầy đủ (hoặc tiếng Anh cũng được).
February 5th, 2012 at 19:02
trứơc tiên em xin cảm ơn Anh vinacamera.Anh cho em hỏi thêm 1 câu nưa nha,canon 550d và đèn yn 467 có thể chụp được chức năng đồng bộ chậm được không? .Anh cho em xin lổi vì đã viết không có dấu, mong Anh thông cảm. Cám ơn Anh nhiều.
February 5th, 2012 at 19:30
@ vinhco_le: Tôi chưa hiểu câu hỏi của bạn về “đồng bộ chậm”. Đèn nào cũng vậy, chỉ nổ có một phát với tốc độ khoảng 1/1000s. Có nhiều chức năng ở các máy đời mới cho phép đèn nổ nhiều lần liên tục để tăng tốc độ đồng bộ đèn.
- Nếu câu hỏi là chụp tốc độ chậm dùng đèn thế nào, thì như thế này: Khi chụp chậm, bạn có thể đèn nổ lúc cửa chập vừa mở ra (mành trước / Front curtain) hoặc lúc cửa chập bắt đầu đóng vào (mành sau / Rear curtain). Các chức năng này đặt trên máy, không phải trên đèn nên đèn nào cũng dùng được.
- Thường khi nói đền đồng bộ đèn (sync speed), người ta chỉ quan tâm tới tốc độ chụp tối đa, nhanh nhất có thể dùng đèn được, không mấy bận tâm tới sử dụng đèn khi chụp chậm.
February 6th, 2012 at 16:35
Em rất cảm ơn Anh vinacamera đã khai sáng cho em.em mới cưới 1 em 550d nên cũng không rành mong Anh thương em cho trót.
-Em muốn chụp tốc độ chậm mà dùng đèn; lúc cửa trập vừa mở,và lúc cửa trập vừa đóng. Thì Em phải cài đặt trên máy như thế nào? Mong Anh chỉ giúp em với. Cám ơn Anh nhiều !.
March 4th, 2012 at 09:55
Xin hỏi quý anh :
Em mới mua một máy nikon D3100 – Chụp được 3 tháng ở chế độ M rất ngon – Nhưng hôm nay máy không chụp được chế độ M . Điều chỉnh cần gạt qua nút M máy xuất hiện chế đọ chụp A – Không cho tự điều chỉnh tốc độ và khẩu độ như mong muopons – Máy của em bị lỗi gì Mong quý anh chỉ dùm
- Em chụp Ảnh chân dung trong nhà Vì sao dùng đèn trong máy ảnh để đánh mồi thì đèn ngoài vẫn sáng nhưng ảnh không đủ sáng mặt dù em để tốc đọ 1/60
March 9th, 2012 at 01:31
@ nhattri123: Bạn cần mang ra thợ kiểm tra nếu đúng hiện tượng gạt sang chế độ M rồi mà vẫn ở A. Trời ẩm, thiết bị điện tử hay sinh bệnh, bạn cần mua tủ chống ẩm để bảo quản máy và ống.
- Bạn đọc bài chụp ảnh với đèn flash tại đây: http://vinacamera.com/?p=1057
March 20th, 2012 at 21:03
anh cho em hỏi: để cài đặt đồng bộ nhanh nhất với máy nikon D90 và đèn sb 800 thì cài đặt thế nào trên máy??? hay chỉ cho em cụ thễ. rất cảm ơn anh!!!
March 20th, 2012 at 23:39
@ cà chua: Bạn cứ lắp đèn lên thân, bật đèn lên (hoặc bật đèn cóc lên cũng được), và chuyển chế độ chụp thủ công M hoặc S. Bạn tăng hết tốc độ chụp lên đến khi nào không thấy nó tăng lên nữa thì đó là tốc độ đồng bộ đèn tối đa cho phép. Với D90, tốc độ này là 1/200. Nếu bạn chụp kích nổ đèn không dây không tương thích TTL/CLS thì làm như trên vẫn có thể tăng tốc độ lên cao hơn 1/200, nhưng khi chụp ở trên 1/200 ảnh sẽ bị lỗi, có mảng đen ở cạnh, to nhỏ tùy tốc độ. Nêu tăng quá cao thì ảnh thậm chí chỉ là một màu đen đặc toàn ảnh.
March 22nd, 2012 at 08:42
dạ cảm ơn anh!
nhưng e muốn khi chụp với đèn flash thì tốc độ vẫn sẽ cao hơn 1/200.vì khi em muốn tăng tốc thì chĩ tối đa là 1/200 khi có đèn. anh có thể chĩ e cách cài đặt trên máy không?
ah! e còn 1 câu muốn hỏi anh nữa. trên Nikon D90 có chỉnh highlights như D80 được không? để khi chụp có bị cháy thì nó báo vùng cháy cho dễ nhận bít mà e tự chỉnh hoài ko dc. anh giúp em với.
March 22nd, 2012 at 22:06
@ cà chua: Trên D90 có chức năng xem highlights. Bạn vào menu bật chế độ này. Khi xem ảnh, chỉnh qua lại các kiểu xem đến khi chữ Highlights hiện lên ở góc dưới của màn LCD.
- Mỗi máy chỉ cho phép chụp với tốc độ đồng bộ đèn nhất định, với D90 là 1/200s. Đó là giới hạn tối đa của máy, vì vậy không thể chụp cao hơn. Để chụp cao hơn cách duy nhất là mua máy khác :D
- Có cách chụp để với các hiệu ứng tối phông mong muốn, bạn cần lắp thêm các kính lọc giảm sáng ND (Neutral Density Filter).
December 20th, 2012 at 15:58
Chào vina camera.cho tôi hỏi 1 câu,tôi dùng aos 60d .24-105L thường chụp mẫu ngoài bãi biển và hồ bơi hay bị tối mẫu, tôi để là f8i100. Cám ơn
December 20th, 2012 at 17:22
Vina ơi.trong lúc chờ kiểm duyệt câu hỏi 1 của tôi,cần phải hỏi lại cho rõ mong vina đừng buồn nha,nói thật tình với vi na tôi u50 rồi (tuổi già ham vui),đường đời,đường tình đều thàng công,đương HÌNH thì thất bại hoàn toàn,chưa học hết lớp 1 mà đã đòi bằng đaị học,chưa chụp hình bao giờ hứng lên sắm bộ 60D len24-105L filter WB nano flash430ii+chân ,vừa rồi đi mũi né rửa máy,chụp gđ ngoài bãi biển và trong hồ bơi,tôi set là f8i100 wb auto = mẫu tối thui(13h-16h)câu hỏi2-khi mua máy có mua 2 hộp nhựa và 2 đồng hồ chống ẩm,nay mua hẳn cái tủ hiệu euraka 40L cho chắc ăn,về TES thử OFF thì ba cái ĐH báo gần giống nhau,bỏ hết vào tủ ON một đêm thì ĐH hàn quốc lệch 7%tanita japan5% so với ĐH euraka,buồn quá vina ơi hổng biết đứa nào xỉn đứa nào say mà phạt đây?giúp tôi với vina ơi……cam ơn vina
December 21st, 2012 at 02:17
@ Nguyễn trường giang: Nếu bạn để chế độ M hoàn toàn thủ công thì để ảnh khỏi tối, đơn giản là mở thêm khẩu (ví dụ f/4) hoặc/và giảm tốc độ (ví dụ f/60).
- Nếu bạn để các chế độ tự động A, bán tự động Tv, Av, hay P thì là do nền cảnh biển hồ bơi quá sáng so với mẫu, nên máy tự giảm EV đi. Bạn có thể sử dụng chức năng bù trừ sáng (dấu hoa thị) để cộng thêm sáng vào ảnh do máy đo sáng tự động.
- Mời đọc thêm bài này nóng hổi: http://vinacamera.com/?p=2305
December 21st, 2012 at 02:23
@ Nguyễn trường giang: Tôi cũng U50. :D
- Đồng hồ lệch nhau tí chút không sao cả, đồ dân dụng không thể có độ chính xác như thiết bị xịn trong phòng thí nghiệm cao cấp được. Độ ẩm cho máy thường để khoảng 35-40 độ, khô quá thì về lâu về dài cũng hay bị nứt các chi tiết bằng cao su, khi mở tủ thấy nó mát lạnh lạnh hơn bên ngoài là ổn. Bác bị vậy thì người mua khác cũng vậy thôi, chia sẻ với “đồng bào” tí chút bác à :D
December 23rd, 2012 at 21:28
bác Vinacamera cho em hỏi, em đã đọc câu trả lời của bác ở trên “@ vinhco_le: Tốc độ đồng bộ đèn (flash sync speed) của Canon 550D là 1/200s (Tốc độ này là tốc độ cao nhất có thể chụp được với đèn chớp, cả đèn cóc trên máy và đèn rời). Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, bạn nên chụp (khi chụp có đèn) ở tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa một chút cho chắc ăn, nhất là chụp trong điều kiện ánh sáng mà nguồn sáng duy nhất là đèn ảnh, không có ánh sáng môi trường (hoặc a/s môi trường là không đáng kể).” như bác bảo thì tốc độ max flash sync speed của 550D là 1/200s nhưng em xem trên trang chủ canon con 1D-x xịn nhất đến bây giờ cũng chỉ có 1/250s vậy bác cho em hỏi những đèn flash có HSS là 1/8000s thì dùng được cho loại máy nào? thank bác trước!
December 24th, 2012 at 00:40
@ Hoàng Tùng: Câu hỏi của bạn rất hay và chuyên sâu. Nhưng chắc bạn chỉ hỏi chơi, nhưng cũng xin trả lời.
- Tốc độ đồng bộ đèn của phần lớn các máy là 1/200s, một số máy là 1/250s và – đây là điều ngạc nhiên: không phải cứ máy cao cấp là có tốc độ đồng bộ đèn cao – 1/500s như các máy bán chuyên nghiệp Nikon D40, D50, D70.
- Trong vấn đề ở đây từ “đồng bộ” là từ đáng quan tâm. Tốc độ này là tốc độ nhanh nhất mà toàn bộ cảm biến được phơi sáng trong thời gian có ánh sáng (đèn ảnh). Nó không có liên quan tới tốc độ ánh sáng của đèn vì tốc độ ánh sáng là không đỏi, và nhanh hơn nhiều. Nếu tốc độ cửa chập nhanh hơn, một phần cảm biến sẽ không được phơi sáng do “khe” cửa chập chưa chạy hết ngang qua cảm biến. Lưu ý là “khe” cửa chập, tức trên thực tế không có lúc nào cửa chập cơ học (bằng lá thép chẳng hạn) mở hoàn toàn để 100% diện tích cảm biến phơi sáng cùng một thời điểm. Đây cũng là lý do mà trên thực tế, khi chụp với đèn, thì chỉ có khẩu mở mới ảnh hướng tới độ sáng của ảnh (hay một phần của ảnh được “ăn” đèn), cửa chập – dù ở tốc độ nào – không ảnh hưởng tới độ sáng của ảnh (mặc dù ảnh hưởng lớn tới việc phơi sáng toàn bộ khuôn hình).
- Tốc độ của đèn mà bạn nêu là tốc độ một đèn ảnh có thể phóng và duy trì toàn bộ công suất (đặt trên đèn) – tính từ lúc nó bắt đầu phát sáng và tắt hẳn, trong đó sẽ có khoảng thời gian (rất rất ngắn) có cường độ yếu hơn cường độ tối đa vì chưa phóng hết điện – hoặc chưa tắt hẳn. Đèn càng có tốc độ HSS (High Speed Sync) này cao thì càng là đèn tốt (thực chất là duy trì cường độ tối đa dài chứ không phải càng ngắn, một hình thức tạo ánh sáng liên tục và đồng bộ được với máy ở tốc độ cao). Với đèn thông thường, có thể tăng tốc độ phóng (toàn công suất) này bằng cách đặt cường độ đèn thấp hơn tối đa công suất, ví dụ như 1/4 công suất.
- Một lưu ý nữa, nếu bạn thực sự quan tâm – là tốc độ cửa chập cao ở máy DSLR (kỹ thuật số) không chỉ thông qua cơ chế cơ học, mà còn một phần là điện tử, tức thực chất về cơ học cửa chập mở có thể lâu hơn nhưng phần điện mở và ngắt trong một khoảng thời gian ngắn hơn khi thu nhận hình ảnh.
- Chính vì vậy, để tăng tốc độ đồng bộ đèn, bạn có thể lừa máy bằng cách làm cho nó tưởng là không có đèn (không chụp bằng đèn) thông qua việc gắn kích nổ đèn rời. Khi lắp kích nổ đèn rời, bạn có thể tăng tốc độ chụp với đèn lên cao hơn tốc độ đồng bộ máy qui định, và lúc này, đèn có thời gian phóng hết công suất – hay đúng công suất mong muốn – càng nhanh thì càng hữu dụng vì ảnh (phần ăn đèn) sẽ sáng đều hơn, bắt chết được các chuyển động cực nhanh (như chụp các giọt nước bắn lên không trung).
Link: Jaroslav Wieczorkiewicz
Nếu bạn thích câu trả lời ngắn gọn: Đèn ảnh HSS 1/8000s dùng cho mọi loại máy ảnh, không liên quan tới tốc độ đồng bộ đèn trên máy cụ thể nào.
Ghi chú: Để tôi có thời gian thì viết lại dễ hiểu hơn, bây giờ tạm thế nhé.
June 20th, 2013 at 15:04
Dear bác VinaCamera,
Hiện tại em là một người mới vào nghiệp ảnh em có những câu hỏi sau muốn xin nhờ bác tư vấn, giúp đỡ để em có thể lại gần với nhiếp ảnh hơn 1 chút. Câu hỏi như sau:
- Với trigger xịn và trigger tàu thì khác nhau lớn nhất ở điểm gì ạ? Vì hiện tại em đang sử dụng Body D700 và đèn Sb 910. Có người nói chỉ cần mua trigger tàu ( khoảng 6-800k) là có thể sử dụng đối với nghề của em được rồi ( em đang chuẩn bị vào nghiệp ảnh cưới, ảnh gia đình, ảnh cho bé …..)
- Với các kinh nghiệm và thông tin ít ỏi em mới chỉ đang sử dụng đèn được với chế đô TTL chứ chưa sử dụng được đối với các chế độ khác của Flash. Em muốn hỏi trong thời gian tìm hiểu về Flash em vẫn có thể sử dụng chế độ TTL cho các bức ảnh của em đúng ko ạ?
Em xin trân thành cảm ơn.
June 20th, 2013 at 19:00
@ Nguyễn Lương Hiếu: Trigger của bạn xịn tới mức nào. Nếu cực xịn nhé, đánh bảo đảm phát nào cũng nổ, khoảng cách liên lạc xa hơn, và đặc biệt loại xịn nhất thì có thể điều khiển cường độ đèn từ củ phát gắn trên thân máy mà không cần đi tới chỗ đặt đèn, giúp bạn đứng một chỗ vẫn điều khiển được đèn từ xa. Ngoài ra trigger xin sẽ đánh được TTL có độ chính xác và tỷ lệ nổ cao.
- Bạn chỉ cần mua trigger tàu, loại không cần TTL rồi đánh thủ công. Với đèn, bạn phải thử nghiệm nhiều vì rất khó. 2 yếu tố quan trọng khi dùng đèn là cường độ của đèn và khoảng cách từ đèn đến chủ thể táp ánh đèn.
June 25th, 2013 at 18:54
Dear Bác Vinacamera
Em có chụp ở chế độ FP với D90 và SB 600 thì thấy khi tốc độ từ 1/250-1000 thì ảnh bị tối giống như chụp không có FP
Nhưng cũng cùng dk sáng đó chụp bằng 500D và flash 580 ex ii chỉnh HSS thì chup ở 1/1000 vẫn sáng trưng
Em không biết do đèn sb 600 của em hư hay do đèn yếu bác ah. Tại trên LCD có hiện FP mà sao chup không được
Cảm ơn Bác!!!
June 25th, 2013 at 19:17
@ Minh Nguyen:
- FP là chế độ đèn nổ nhiều phát liên tục (thay vì 1 phát duy nhất) nhằm tăng thời gian phát sáng, từ đó tăng tốc độ đồng bộ đèn.
- Dùng FP rất tốn pin, và đèn phải nạp nhanh.
- Nếu bạn bị tối, kiểm tra lại pin xem có nạp đầy và khỏe không. Nếu những phát nổ sau quá yếu hoặc chưa kịp nạp thì không có tác dụng chiếu sáng, dẫn đến bị tối. Nếu thấy ảnh tối một nửa, hoặc chỉ sáng một phần nhỏ là do đèn không nạp kịp và nổ kịp. Nếu thấy hơi tối toàn bộ ảnh nhưng vẫn nhìn thấy hình thì là do cường độ nạp chưa đủ đã phải đánh tiếp rùi.
- Nếu đèn hỏng thì đã không nổ phát nào, kể cả phát đầu tiên. Cứ yên tâm nhé.
THÊM: HSS của Canon cũng cùng nguyên tắc như vậy. Đánh nhiều phát liền nhưng mỗi phát cường độ sẽ bị giảm để có thể duy trì được nhiều phát. Không rõ có thiết kế gì vượt trội hơn Nikon không nhưng nếu bạn đánh cùng cường độ tiêu hao pin như nhau, với pin khỏe (mới nạp) như nhau thì sẽ giống nhau. Nếu bạn đánh 1 cái đòi hỏi cường độ thấp, tiêu hao ít năng lượng hơn, còn cái kia đánh cực mạnh (do điều kiện ánh sáng tối hơn nên có thể máy tự nâng cường độ lên) thì cái đó có thể không đánh kịp. Giả sử bạn đánh cường độ tối đa công suất 1/1 thì chắc cả 2 cái đèn và máy đều ra kết quả như nhau, không chịu nổi cường độ đó và đều không nạp kịp pin.
- Đèn yếu hay khỏe chắc ở đây không quan trọng. Mà quan trọng là tốc độ nạp lại pin cho đủ đánh với cường độ nhất định nào đó. Cường độ đó mà quá lớn thì pin sẽ không nạp kịp, đèn càng khỏe, tiêu hao năng lượng càng nhiều thì càng dễ bị tối ảnh.
:D
September 8th, 2014 at 16:17
Xin hỏi Vina camera,
Tôi đang sử dụng Nikon D90 và đèn SB600. Trước nay sử dụng bình thường nhưng nay có hiện tượng: Dù chụp, đèn vẫn chớp, nhưng ảnh bị tối đen. (dù trên đèn vẫn để chế độ TTL. Pin máy và đèn sạc đầy), bỏ đèn ra chụp flash cóc thì bình thường. Xin hỏi có phải đèn bị hư chip đồng bộ không. Tôi nghe nói đèn SB600 sử dụng một thời gian hay bị tình trạng này. Xin Vina camera giải đáp dùm. Xin cản ơn.
September 10th, 2014 at 22:38
@ nguyễn việt long: Bạn kiểm tra xem trên đèn hoặc/và trên máy có đang cài đặt trừ sáng đèn không (flash compensation).
October 31st, 2014 at 08:06
Vinacamera cho em hỏi em được cho một flash yn 467 đời đầu, em lắp vào canon 650d, den có nổ nhưng ảnh như không có đèn, vậy flash này có dùng cho canon 650d được không?, xin cảm ơn!
October 31st, 2014 at 18:17
@ Canlong: Đèn nào cũng dùng được nếu đánh thủ công.
- Bạn kiểm tra lại tốc độ đánh đèn chậm nhất hiện đang cài đặt là bao nhiêu trên máy. Với đèn cổ, để chậm thôi, khoảng 1/60s hay 1/30s, rồi thử lại. Bỏ TTL trên máy đi nữa.
November 18th, 2014 at 20:14
xin cho hỏi tốc độ đồng bộ của Nikon D80 với đèn là bao nhiêu vậy? Xin cảm ơn
November 18th, 2014 at 21:47
@ phongrau: Bạn chuyển sang chế độ M hoặc S, bật đèn cóc lên và tăng tốc độ hết cỡ, khi nào không tăng được nữa là tốc độ đồng bộ đèn tối đa.
December 6th, 2014 at 16:03
Em mới được bà chị gởi cho máy Canon Rebel T2i, mà em không biết thiết lập đánh đèn mành trước và mành sau như thế nào,
Anh có thể giúp em không? Trân trọng cảm ơn anh.
March 11th, 2016 at 15:53
Em đang dùng canon 5D1 và flash Shanny 600C, flash này có hỗ trợ HSS 1/8000 nhưng khi gắn vào body 5D1 và kích hoạt chế độ HSS ở flash thì tốc độ màn trập tối đa của máy chỉ là 1/200s. Như vậy là body Canon 5d1 không hỗ trợ HSS hay HSS của flash có vấn đề ạ
March 11th, 2016 at 20:06
@ Masu: Flash phải hoàn toàn tương thích iTTL/eTTL với máy thì mới đánh được tốc độ cao. Bạn kiểm tra xem có tương thích như vậy không (đối với máy cụ thể của bạn). Ngay cả tương thích hoàn toàn, bạn cũng cần chuyển máy sáng chế độ đánh đèn tốc độ cao (lớn hơn tốc độ thông thường).
- Đánh tốc độ chụp cao thực chất là đánh 1 chùm đèn, tức chớp nhiều cái liên tục, và phần điện tử phải tương thích mới điều khiển được đèn đánh 1 chùm như vậy. Đánh tốc độ cao giảm cường độ rất nhiều, và trên thực tế, rất ít cơ hội dùng được đèn nhỏ, cần các đèn strobe công suất lớn, trừ các trước hợp đánh đèn rất gần chủ thể như chụp macro.
- Nếu đánh đèn rời (OFF-CAMERA), bạn cần các bổ kích nổ không dây hay dây cũng phải hoàn toàn tương thích. Dây thì rẻ, những dây như vậy khoảng 300K/c. Kích không dây như vậy thường rất đắt, khoảng 3 triệu/bô 2 củ phát và nhận.
April 2nd, 2016 at 22:35
anh ơi cho em hỏi xíu.em xài d80 va flash sb 800 ,nhung khi em gắn đèn flash vô máy nhưng sao tốc độ máy không cao hơn 1/200 vậy anh.em để máy chế độ M và flash ở chế độ ttl.
April 2nd, 2016 at 23:04
@ Thái Hùng Danh: Mời bạn đọc lại đoạn đầu tiên (in đậm) của bài viết này.
September 24th, 2016 at 10:02
Anh cho em hỏi là chế độ đánh đèn tốc độ cao của 5D thì phải chỉnh như thế nào ạ
September 24th, 2016 at 13:04
@ Trần Bảo Khánh: Bạn vào menu phần Flash, tìm tới High-speed sync và cài đặt.
- Đánh HSS đèn sẽ rất yếu (do phải nổ một chùm đèn liên tục), cường độ giảm so với thông thường khoảng 3 khẩu hoặc hơn.
October 30th, 2016 at 21:47
Chào anh chị Vinacamera, E dùng Nikon D90 và flash YN 565, khi e cài flash ở chế độ TTL thì đèn và máy không đồng bộ với nhau, kết quả hình chụp thiếu sáng, Anh chị chỉ e cách cài đặt với.
Cám ơn anh chị!
October 30th, 2016 at 23:03
@ Khánh Duy: Đèn đó bạn đánh thủ công thôi, TTL không bao giờ chính xác, nhiều loại đèn FOR (hãng khác cho Nikon) còn quảng cáo “láo” có TTL chứ thực ra không có. Ngay cả đèn Nikon xịn muốn chơi TTL cũng phải biết cách vì nó rất phức tạp.
- Mời bạn đọc thêm bài này: http://vinacamera.com/?p=1057
February 10th, 2017 at 20:23
Cho mình hỏi.VD mình muốn chụp chân dung ngoài trời ở mục (4.2)Mình muốn xóa phông ở khẩu lớn để làm nổi chủ thể.Nếu như khép khẩu thì phông ko được xóa.Vậy thì làm cách nào ạ?Nếu để khẩu to thì ảnh bị cháy,nền cháy,tốc độ ăn đèn body mình chỉ 1/200s thôi(d3300).Mục đích của mình là ảnh chân dung xóa phông ạ.Xin cảm ơn!
February 12th, 2017 at 16:34
@ Hà Phương: Bạn có thể dùng kính ND để cắt sáng ánh sáng môi trường (cả cho chủ thể và hậu cảnh) rồi dùng đèn để đánh đủ cho chủ thể.