6 Bước chọn ống kính cho máy ảnh số DSLR của bạn
Oct. 11, 2008 | Thập Cẩm | 9,791x | Qui định | Tham giaNếu chọn mua thân máy ảnh KTS DSLR (Digital Single Lens Reflex / máy ảnh số ống kính đơn phản xạ) đã khó, chọn mua ống kính (lens) cho thân máy còn khó hơn thế nhiều.
- Xác định tiêu cự bạn cần
- Xác định loại ống kính tiêu cự cố định (prime lens) hay ống kính tiêu cự thay đổi (zoom lens)
- Xác định khẩu độ mở tối đa
- Chọn mua ống chính hãng hay ống của nhà sản xuất thứ 3
- Xác định các tính năng bổ sung
Có rất nhiều loại máy ảnh số DSLR của các hãng khác nhau và các mức giá khác nhau để bạn lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền của mình. Điều này cũng đúng khi bạn lựa chọn mua ống kính cho máy DSLR. Có đủ loại ống kính dành cho máy DSLR cả về hình thức, tính năng và đặc biệt là rất khác nhau về giá cả. Một số loại ống cao cấp được chế tạo dành cho nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nhưng cũng có rất nhiều loại ống phục vụ mục đích chơi ảnh của đông đảo người tiêu dùng.
Đứng trước lượng thông tin khổng lồ và vô vàn quảng cáo cái nào cũng bắt mắt, người chơi máy DSLR đôi khi cảm thấy bối rối không biết nên lựa chọn ống kính như thế nào cho có lợi.
Sau đây là 6 bước lựa chọn hữu dụng để bạn có thể đưa ra quyết định khi mua sắm ống kính cho chiếc DSLR thân yêu của bạn.
Nhưng trước khi bạn cầm tiền tiết kiệm chạy ra hàng bán ống kính gần nhất để lựa chọn mua hàng, hãy kiểm tra nhãn hiệu thân máy của bạn là gì và máy thuộc đời nào. Lý do bạn cần làm như vậy là vì các ống kính rời không phải cái nào cũng giống với cái nào và cái nào cũng lắp được cho bất cứ thân máy nào.
Một ống kính được thiết kế cho thân máy Canon sẽ không thể lắp cho thân máy của Nikon và ngược lại. Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, mọi thiết bị đều có thông số điện tử, mỗi ống kính đều có thiết kế nhất định để tương tích với các thân máy nhất định. Ống kính phải được kết nối với thân máy theo đúng thiết kế mới có khả năng “thông báo” với thân máy các chỉ số về ảnh sáng và khoảng cách phục vụ các chức năng tự động của máy. Tuy nhiên, các nhà sản xuất khác nhau lại sử dụng các hệ thông số và chuẩn kỹ thuật khác nhau, vì vậy, ống kính loại nào chỉ phù hợp với thân máy loại đó.
Đơn giản hơn, để một ống kính hoạt động được trên một thân máy, điều tối thiểu cần quan tâm là ống kính có ngoàm gá lắp (lens mount) tương thích hay không. Nếu không lắp vừa vào thân máy, ống kính có đắt tiền đến mấy cũng chỉ là những mảnh thủy tinh vô dụng. Ví dụ, ngoàm gá lắp của máy và ống kính Nikon khác với của Canon và khác với của Pentax. Vì thế, bạn cần nhớ chủng loại thân máy để mua ống kích phù hợp. Ngoài ra có nhiều hãng chuyên sản xuất ống kích cho các thân máy của các hãng khác như Tamron, Sigma hay Tonkina. Khi mua các loại ống này, bạn cũng phải xác định xem ngoàm gá lắp của ống kính thuộc loại nào.
6 BƯỚC LỰA CHỌN
6 bước lựa chọn này có thể thực hiện giống như phương pháp loại trừ trong bài thi trắc nghiệm. Qua sáu bước lựa chọn này, bạn dần dần loại bỏ được các loại ống kính không mong muốn để cuối cùng đưa ra quyết định sát với nhu cầu của mình:
1. Xác định tiêu cự bạn cần
Tiêu cự (focal length) quyết định tầm hoạt động xa gần và các tính năng tương ứng của một ống kính. Nếu có nhu cầu chụp trong nhà với cự ly ngắn và khuôn hình rộng như đám cưới, sinh nhật, bạn cần chọn các ống kính góc rộng (wide lens) có tiêu cự vào khoảng trên dưới 28mm. Nếu cần chụp xa, bạn sẽ cần các ống kính tete có tiêu cự từ 70mm đến 300mm và hơn nữa.
2. Xác định loại ống kính tiêu cự cố định (prime lens) hay ống kính tiêu cự thay đổi (zoom lens)
Nếu có nhu cầu chụp cơ động với các cự ly khác nhau trong cùng một chuyến đi chụp ảnh, rất có thể bạn sẽ cần một ống kính zoom có khả năng “kéo ra kéo vào” đối tượng cần chụp để tăng khả năng cơ động, tránh thay đổi ống kính mất thời gian. Nếu chỉ chụp ở những cự ly nhất định, bạn có thể cần mua các ống kính có tiêu cự cố định như 90mm hay 105mm. Ống kính cố định cho hình ảnh có độ tin cậy cao hơn còn ống zoom cho bạn khả năng cơ động hơn.
3. Xác định khẩu độ mở tối đa
Khẩu độ mở (apature) là yếu tố hết sức quan trọng trong việc kiểm soát phơi sáng (exposure) của ảnh. Khẩu độ mở lớn (chỉ số f-number nhỏ) tạo điều kiện phơi sáng tốt ở môi trường ánh sáng yếu và cho chiều sâu nhỏ (shallow depth of field) đồng thời góp phần tăng tốc độ chụp (shutter speed) khi cần thiết; khẩu độ mở hẹp (f-number lớn) phù hợp với chụp ảnh trong môi trường ánh sáng tốt như ngoài trời vào ban ngày và cho chiều sâu lớn. Tuy nhiên, ống kính có khẩu độ tối đa lớn thường rất đắt tiền. Bạn cần cân nhắc nhu cầu chụp để tránh lãng phí.
4. Chọn mua ống chính hãng hay ống của nhà sản xuất thứ 3
Ống kính chính hãng với đầy đủ tính năng mong muốn, tức là cùng hãng với hãng sản xuất thân máy, bao giờ cũng tốt hơn, nhưng giá cả cũng cao hơn nhiều so với ống của các hãng khác sản xuất đáp ứng nhu cầu của người sử dụng cho các loại thân máy nhất định (thường được gọi là “hàng for” trong thuật ngữ của dân chơi ở Việt Nam). Nếu điều kiện tài chính cho phép, bạn luôn nên mua ống chính hãng. Tuy nhiên, một giải pháp kinh tế là mua “ống for”. Nhiều ống loại này của các hãng nổi tiếng như Tamron, Sigma hay Tokina cũng có những tính năng và chất lượng ngang ngửa ống chính hãng ở những loại sản phẩm nhất định và thực sự đáng được quan tâm.
5. Xác định các tính năng bổ sung
Ống kính thường có nhiều tính năng bổ sung làm tăng chất lượng ảnh – và tất nhiên giá cả – của ống kính. Các tính năng này có thể bao gồm tính năng chống rung (VR/VC), có lớp phủ hóa chất đặc biệt (ví dụ, ống Nikon có lớp phủ N hay ED), có các lẫy khóa giới hạn tiêu cự hay chống tụt ống, có vòng khẩu độ mở hay không có, v.v… Khi mua sắm, bạn cần cân nhắc cái lợi và bất tiện của một ống kính để chọn mua phù hợp với tính chất công việc và túi tiền.
6. Đọc các bài đánh giá để chọn lựa chính xác hơn
Ống kính nào của bất kỳ hãng sản xuất nào cũng được quảng cáo với những màn quảng cáo hấp dẫn giới thiệu những tính năng ưu việt của ống kính. Tuy nhiên, thực tế đôi khi không phải lúc nào cũng tốt đẹp như trong quảng cáo. Bạn cần tìm hiểu kỹ về ống kính định mua để đỡ ân hận về sau. Cách tốt nhất là chụp thử và tự phân tích tính năng và chất lượng hình ảnh của ống kính. Tuy nhiên, khả năng này không phải lúc nào cũng thực hiện được. Một cách hiệu quả (cả về kinh tế và kỹ thuật) là đọc các bài viết đánh giá các loại ống kính này của các nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp hay những tay chơi hàng đầu trên thế giới để biết được đặc điểm và chất lượng thực của ống kính muốn mua.
Nếu có nhu cầu tìm hiểu về một loại ống kính, bạn đừng ngần ngại gửi yêu cầu cụ thể tới VinaCamera.com để được giải đáp nhanh chóng, giúp bạn chọn mua ống kính phù hợp với nhu cầu của mình.
VinaCamera.com
2008
November 29th, 2011 at 11:58
Vinacamera cho mình hỏi giữa 2 ống fix nikon 50f1.8d và Nikon 50f1.4-ais thì nên chọn ống nào? thanks! Mình nghe nói ống 50f1.4 ais chụp đẹp hơn phải không ạ? và ký hiệu ais là thế nào ạ?
November 29th, 2011 at 18:13
@ Nguyễn Văn Hiền: AI-S là dòng ống đời cổ của Nikon, căn nét thủ công (nhưng có thể tự động thông báo chỉ số khẩu ở chế độ ưu tiên tốc độ – thường trên các thân máy đời cổ dòng F), ra đời từ 1981 (AI-S = Auto Indexing Shutter) cho phép mở/khép khẩu chính xác hơn ở chế độ ưu tiên tốc độ (Shutter Priority). Nikon AI-S, nếu còn mới hoặc ở tình trạng chất lượng tốt, cho chất lượng ảnh rất tốt (độ nét phụ thuộc kỹ năng căn nét thủ công của người chụp). 50mm f/1.4 cả D và G đều sử dụng công nghệ tiên tiến hơn, cho chất lượng tốt hơn. Bạn không nên chỉ vì khẩu mở f/1.4 mà mua ống AI-S đời cũ này; còn nếu có ai cho hoặc sưu tầm thì vẫn dùng tốt, với điều kiện biết căn nét thủ công chính xác.
- Xem thêm ký hiệu ống kính Nikon tại đây.
- Hình ảnh cho AI-S 50mm f/1.4 (Dòng AI-S có chỉ số khẩu nhỏ nhất màu da cam):
November 29th, 2011 at 18:45
Xin cảm ơn Vinacamera rất nhiều…………….Rất bổ ích đối với những người mới chơi như mình! Mình đang dùng D40x (lens 18-55) hôm nọ có mượn được cái lens 50f1.8d chụp thử thấy rất đẹp, xin Vinacamera tư vấn hộ mình Với body D40x; lens 18-55 thì cần thêm lens nào nữa để chụp chân dung, macro phù hợp với D40x? (cả giá phải chăng vì mình cũng ko dư giả gì…)
Rất cảm ơn, Chúc sức khỏe!
November 29th, 2011 at 18:56
@ Nguyễn Văn Hiền: Do thân Nikon D40X không có mô-tơ căn nét tự động, bạn cần các ống AF-S để có thể căn nét tự động. 18-55mm VR cũng có thể dùng để chụp chân dung, nhưng nếu muốn “chuyên chân dung” hơn thì có thể chơi AF-S 16-85mm f/3.5 – 5.6 VR như hơi phí vì đã có 18-55mm rồi. Nếu chơi các ống D, ví dụ 85mm f/1.8D sẽ phải căn nét thủ công. Chụp macro thường căn nét thủ công, vậy bạn chơi ống nào cũng được: Nikon 60mm f.2.8D là 1 ví dụ.
- Đọc thêm để lựa chọn ống Nikon tại đây.
- Đọc về các giải pháp chụp macro tại đây.